Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận thay đổi vốn điều lệ của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) lên 26.674 tỉ đồng. Đồng thời, trong năm 2022, thực hiện nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), SHB sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 36.459 tỉ đồng.
Trước đó, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng phát đi thông báo chuẩn bị trả cổ tức tỉ lệ 20% để tăng vốn điều lệ. Hiện vốn điều lệ của MB ở mức 37.783 tỉ đồng. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên hơn 45.300 tỉ.
HDBank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.030 tỉ đồng, nâng số vốn điều lệ của nhà băng này từ 20.273 tỉ đồng lên 25.303 tỉ đồng.
Tương tự, NamABank cũng được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.900 tỉ đồng. Theo đó, nhà băng này được tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 1.230 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và 670 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho KienlongBank tăng vốn điều lệ từ 3.653 tỉ đồng lên 4.231 tỉ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỉ lệ chia là 16%.
MSB vừa qua cũng thông báo về việc tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 30% và phát hành tối đa 14,25 triệu cổ phiếu cho người lao động từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Các nhà băng tăng vốn điều lệ còn có VietCapitalBank được tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 1.618 tỉ đồng; Vietbank được tăng vốn điều lệ tối đa thêm hơn 1.003 tỉ đồng; Bản Việt cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.618 tỉ đồng.
Trong thời gian tới, các ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ còn có Vietcombank, VietinBank...
Nếu kế hoạch tăng vốn diễn ra đúng như Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) các ngân hàng đã thông qua, thì vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng trong năm nay sẽ được bổ sung thêm khoảng 100.000 tỉ đồng nữa.
Tính đến hết tháng 9 năm ngoái, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngân hàng đạt 715.580 tỉ đồng. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 169.690 tỉ đồng; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 348.481 tỉ đồng.
Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực quản trị, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng. Đồng thời cũng tạo thêm nguồn lực để các ngân hàng mở rộng mạng lưới hoạt động, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi số.