Trẻ em say sưa lướt mạng - Ảnh: Q.Đ.
Mấy đứa trẻ bây giờ gặp nhau cứ cặm cụi lướt điện thoại và cười hí hố cùng bạt ngàn clip nối tiếp nhau hiện ra trên màn hình. Đại gia đình tụ họp, con cháu nội ngoại đông đủ mà chả mấy đứa cháu chuyện trò, vui chơi.
Các trang mạng xã hội đang trở thành một phần không thể thiếu với nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nhiều thói xấu cũng nhiễm từ đây. Phải chăng, với thói quen, sự tò mò và dễ dãi của mình, người dùng mạng đã và đang tiếp tay cho những video clip "giật gân" có đất sống?
Nhiều người lao vào cuộc đua trở thành YouTuber, TikToker bởi những món tiền từ các "ông lớn" công nghệ. Và để câu like, câu view, người ta sẵn sàng biến mọi thứ trở nên "kinh dị", "siêu kinh dị". Giờ sự bát nháo mất kiểm soát trên TikTok còn đẩy bao người vào trò vô bổ.
Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến sự nhiễu nhương ngập tràn trên nền tảng mạng xã hội tập trung nhiều thanh niên thiếu niên như hiện nay. Sau những thử thách quái gở nguy hiểm đến tính mạng là trào lưu khoe thân, phát sóng cảnh nhạy cảm.
Sau livestream bán hàng dùng đủ chiêu trò quá lố đến múa may trên đường băng, nhảy lên băng chuyền, đi chợ với 5.000 đồng, làm clip chê bai các quán ăn đến clip cắt ghép nói xấu vùng miền.
Nào là những món ăn "siêu to, siêu khổng lồ", trào lưu "ăn tươi nuốt sống", mấy clip hài nhảm mỉa mai chế giễu người dân tộc thiểu số đến thông tin hiện trường vụ án mạng kinh hoàng, kể cả các cuộc vây ráp kẻ giết người vượt ngục... Nào là clip bạo lực nhuốm màu giang hồ mạng, nào là những chiêu trò, hành động kỳ quặc và lệch chuẩn được đem khoe trên mạng. Và tất cả đều được chia sẻ rất tích cực.
Những ngôn từ phản cảm, hình ảnh tiêu cực đều tải lên tuốt tuồn tuột, các bộ lọc cần thiết chưa thể phát huy hiệu quả. Trẻ ghé vào và "luồng khói độc" vô tình xâm nhập vào tâm trí, choáng ngợp lấy tâm hồn rồi dần dà điều khiển ý thức, hành động, thói quen của trẻ.
Trẻ phát cáu và sẵn sàng gây gổ khi bị yêu cầu rời điện thoại. Điều ấy thật sự nguy hại khi thời gian lang thang trên mạng đang lấn chiếm thời gian cho việc học và chơi, chuyện trên mạng đang chiếm hết tâm trí của trẻ!
Người trẻ sớm được "chiêu đãi" các hình ảnh phản cảm, bị kêu gọi bởi các tít giật gân, "món ăn bẩn" sẽ ít nhiều tiêm nhiễm sự lệch lạc trong nhận thức, hành động. Vậy nên, người lớn chứng kiến nhiều hơn, trăn trở nhiều hơn trước lối nói văng tục, thái độ sống hờ hững bất cần và sự tôn thờ những giá trị ảo.
Hy vọng rằng tinh thần xử lý nghiêm của cơ quan chức năng trong thời gian tới sẽ giúp không gian nghe nhìn này được thanh lọc thật sự. Tuy nhiên, nỗ lực của cơ quan chức năng cũng sẽ chỉ là "muối bỏ biển" nếu người dùng mạng thiếu mất sự tỉnh táo, sáng suốt.
Đừng tiếp tay cho các "món ăn bẩn" trên mạng bằng sự dễ dãi của chính mình!
Nhìn cho công bằng, trên mạng có rất nhiều điều hữu ích, cũng là nơi giải trí nhưng không phải ai cũng có thể dừng lại đúng lúc. Lỡ lang thang trên mạng, người lớn cũng ghiền, không rời màn hình, cũng ảnh hưởng đến công việc. Nói gì trẻ em và những thanh niên đang rảnh rỗi và rất tò mò trên mạng.
Rất nhiều người giận dữ với câu chuyện cắt ghép nói xấu miền Trung. Nhưng chuyện gì đang xảy ra khi có hàng triệu lượt người đã xem? Người xem quá rảnh hay quá dễ dãi. Rồi còn có chuyện cùng nhau rần rần chia sẻ những clip nhiều người xem là nhảm, cùng tung hô một nhóm làm nội dung bị xem là "bẩn".
Có lẽ, cần có sự kiểm soát chặt hơn về nội dung các sản phẩm trên mạng và phạt nhiều hơn những chủ kênh đưa thông tin giật gân, sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục.
PHƯƠNG NGA
TTO - Hồi chuông cảnh báo cha mẹ cần theo dõi con dùng mạng xã hội lại nhận được sự quan tâm khi một phụ huynh đăng tin con mình tham gia vào các hội nhóm không phù hợp với lứa tuổi trên mạng xã hội.
Xem thêm: mth.55542252251802202-ioh-ax-gnam-gnat-nen-nert-nart-pagn-nauhc-hcel-ob-ov-us/nv.ertiout