Ông Trần Văn Nam (bìa phải), cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, tại phiên tòa - Ảnh: NAM ANH
Ngày 15-8, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Trần Văn Nam (cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Trần Văn Liêm (cựu chủ tịch UBND tỉnh), Phạm Văn Cành (cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy) cùng 25 người khác trong vụ án sai phạm tại 43ha "đất vàng" của tỉnh này.
Đã có những lỗ hổng lớn nào trong việc giám sát, kiểm soát quyền lực đã dẫn đến hệ quả nhiều quan chức cấp cao phải ra hầu tòa? Đồng thời phải tìm cách phát hiện và ngăn chặn những cán bộ hư hỏng "trèo cao" ra sao? Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của các chuyên gia:
* PGS.TS Võ Trí Hảo (hiệu trưởng Trường đại học Gia Định): Tăng cường sự giám sát từ bên ngoài
Có hai hình thức để giám sát cán bộ cao cấp ở địa phương đó là cấp trên (trung ương) giám sát và tăng cường giám sát ngoài, bao gồm sự giám sát của các tổ chức ngoài Đảng như Mặt trận Tổ quốc, báo chí và các tổ chức xã hội khác.
Thực tế cơ quan trung ương có quyền lực nhưng để giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm của các lãnh đạo đứng đầu địa phương phải có thông tin. Thông tin đó từ nhân dân, doanh nghiệp, những đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi từ sai phạm của cán bộ, công chức.
Để tăng cường giám sát hiệu quả, Đảng phải có các cơ chế tiếp nhận thông tin, phản ánh trái chiều của người dân, báo chí và các tổ chức xã hội. Nếu không có những ý kiến, phản ánh từ bên ngoài, việc giám sát chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào vai trò của nội bộ Đảng. Khi đó đòi hỏi vai trò của kiểm tra trung ương về nội chính. Tuy nhiên có thời điểm việc kiểm tra này không đạt hiệu quả như mong muốn.
* PGS.TS Lê Quốc Lý (nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh): Không để những cán bộ sai phạm có cơ hội lên chức cao hơn
Với trường hợp của ông Trần Văn Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, sai phạm liên quan đất đai gây thất thoát lớn xảy ra từ năm 2012 khi còn là phó chủ tịch UBND tỉnh, sau đó là chủ tịch tỉnh, nhưng không được các cơ quan giám sát ở địa phương phát hiện kịp thời, dẫn đến tiếp tục được quy hoạch, đề bạt lên các chức vụ cao nhất địa phương là bí thư Tỉnh ủy rồi bầu làm ủy viên Trung ương Đảng. Khi cơ quan chức năng trung ương vào cuộc kiểm tra mới phát hiện.
Điều này cho thấy có lỗ hổng rất lớn trong việc giám sát, kiểm soát quyền lực. Thực tế hệ thống giám sát ở địa phương về mặt tổ chức như các ban bệ, bộ phận đều đầy đủ nhưng quyền lực để có thể giám sát bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, các cấp thường vụ Tỉnh ủy hiện nay chưa đủ.
Do đó phải làm thế nào để cơ quan giám sát ở địa phương phải là cơ quan có quyền lực ngang tầm để cảnh báo, ngăn chặn từ sớm đối với bất kỳ biểu hiện nào có dấu hiệu tham nhũng, tha hóa, không để những cán bộ sai phạm có cơ hội lên chức cao hơn.
* TS Nguyễn Tiến Dĩnh (nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ): Kiểm soát tốt quyền lực để phát hiện sớm vi phạm
Không chỉ cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam mà nhiều cán bộ cấp cao khác như ông Chu Ngọc Anh (cựu chủ tịch UBND Hà Nội, cựu bộ trưởng Bộ KH-CN) cũng "lọt" qua các khâu giám sát từ cơ sở, địa phương dẫn đến sau khi đảm nhiệm các chức vụ khác, cao hơn mới bị phát hiện các sai phạm và xử lý.
Thực tế chúng ta thấy đã có hàng loạt quy định, quy chế, cơ chế, thể chế về kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhưng rõ ràng việc thực hiện có vấn đề mới dẫn đến các trường hợp như trên.
Thời gian tới cần đẩy mạnh dân chủ, nâng trách nhiệm các cấp, ngành trong kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm sai phạm, không xảy ra những hệ lụy nghiêm trọng. Việc thành lập ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chính là một biện pháp nâng cao trách nhiệm, sự nêu gương, nhất là của người đứng đầu để phát hiện, xử lý vi phạm từ sớm.
* TS Nguyễn Thị Thiện Trí (Trường đại học Luật TP.HCM): Giám sát cán bộ có nhiều bất cập
Công tác quản lý cán bộ nước ta thời gian qua rất được chú trọng. Từ phía Đảng, Nhà nước, Mặt trận đều có bộ máy và cơ chế quản lý, giám sát cán bộ rất đặc trưng và chuyên nghiệp. Mới nhìn có vẻ không có kẽ hở, nhưng thực chất lại có nhiều bất cập. Về cơ chế phối hợp, cả ba hướng giám sát của hệ thống chính trị nêu trên thực chất chỉ là một, đều dưới sự chỉ đạo toàn diện của Đảng, nên sự độc lập trong giám sát từ các mặt khác không đảm bảo.
Về nội dung công tác cán bộ, tính hình thức, máy móc trong công tác tổ chức nhân sự còn rất đậm nét. Công tác quản lý tại chỗ thông qua công tác đánh giá cán bộ hằng năm dưới góc độ Đảng hay chính quyền đều chưa thực chất, còn cả nể, nhận xét theo chức vụ thay vì theo năng lực và hiệu quả công việc.
TTO - 28 bị cáo, bao gồm cựu bí thư Tỉnh ủy và cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, bị xét xử trong vụ án liên quan các khu đất và tài sản từng do doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy quản lý.
Xem thêm: mth.95520518061802202-aot-uah-iahp-cuhc-nauq-ueihn-oas-iv/nv.ertiout