Xuất bán xăng dầu tại tổng kho của một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối - Ảnh: BỬU ĐẤU
Dù vi phạm là thiểu số nhưng theo nhiều chuyên gia, thực trạng trên là đáng báo động trong mảng nhạy cảm như xăng dầu.
Đủ kiểu vi phạm
Trong số 38 thương nhân đầu mối xăng dầu, Bộ Công thương thông tin đã rút giấy phép một phần hoạt động của 7 doanh nghiệp từ 1 - 2 tháng. Danh sách các doanh nghiệp bị rút giấy phép một phần có cả các doanh nghiệp tên tuổi như Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm, Xuyên Việt Oil...
Việc tước giấy phép tạm thời đối với hoạt động xuất nhập khẩu của 7 thương nhân đầu mối trên được thực hiện bởi cơ quan quản lý thị trường. Đây là một trong ba đoàn thanh tra chuyên ngành về kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối, do bộ trưởng Bộ Công thương ký quyết định thành lập từ tháng 2-2022.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, việc tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với thời hạn 1 - 2 tháng là hình thức xử phạt bổ sung và vẫn yêu cầu các doanh nghiệp phải khắc phục hậu quả.
Trong đó, các vi phạm chủ yếu là: không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không đáp ứng về hệ thống phân phối; không duy trì mức dự trữ xăng dầu bắt buộc hoặc duy trì mức dự trữ xăng dầu thấp hơn mức tối thiểu; nhập khẩu xăng dầu thấp hơn hạn mức tối thiểu về số lượng, chủng loại được phân giao hằng năm; bán xăng dầu cho đối tượng ngoài hệ thống; ký hợp đồng với đại lý xăng dầu đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác...
Nhập quá ít so với hạn mức
Đáng lưu ý Công ty TNHH thương mại và du lịch Xuyên Việt Oil có địa chỉ tại TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm 2022 có tổng khối lượng thực tế nhập khẩu với xăng là 26.950m3; dầu các loại là 282.320m3/tấn. Lượng nhập trên thấp hơn nhiều so với hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao là 30.000m3 với xăng; 400.000m3/tấn với dầu.
Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh là doanh nghiệp xăng dầu lớn tại Đà Nẵng, tổng khối lượng thực tế nhập khẩu cả xăng và dầu đều bằng 0, trong khi hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao là 6.000m3/tấn với xăng dầu các loại.
Công ty Xuyên Việt Oil thì chỉ đáp ứng dự trữ 1 ngày với xăng và không có dự trữ với dầu. Đáng chú ý là tình trạng này cũng thường xuyên xảy ra với những doanh nghiệp này ở những năm trước, khi lượng dự trữ thực tế chỉ đạt được vài ngày.
Chính sách cần phù hợp hơn
Theo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định tổng khối lượng xăng dầu kinh doanh các loại để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhưng không thấp hơn mức tối thiểu được giao.
Trong một báo cáo mới đây, Bộ Công thương thừa nhận rằng việc duy trì liên tục số lượng hàng dự trữ lưu thông theo đúng mức 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề trước đó, có những thời điểm không đạt.
Nguyên nhân là do doanh nghiệp phải tự bỏ chi phí để dự trữ phục vụ bình ổn thị trường và an ninh năng lượng quốc gia, bao gồm chi phí tài chính cho hàng tồn kho và chi phí lưu kho. Trong khi đó giai đoạn vừa qua giá xăng dầu tăng cao nên lượng chi phí để thực hiện việc dự trữ này tăng mạnh, trong khi giá bán xăng dầu do Nhà nước công bố, mà gần như không bao gồm chi phí cho lượng hàng dự trữ lưu thông.
Do đó để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, doanh nghiệp phải giảm tối đa lượng hàng lưu kho, nên có những thời điểm không đảm bảo lượng dự trữ theo quy định.
Theo một chuyên gia từng tham gia điều hành mảng xăng dầu, thực tế trên đặt ra đòi hỏi chính sách cần hợp lý hơn, tránh dồn thiệt cho doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng phải siết chặt kỷ cương hơn, tránh việc giá sắp giảm mạnh, doanh nghiệp giảm nhập hàng, giảm tồn kho để tránh lỗ. Ngược lại, khi giá sắp tăng, sẽ đua nhau nhập về.
Chuyên gia này cũng khuyến nghị Bộ Công thương cần phải công bố đầy đủ, chính xác và công khai minh bạch các thông tin liên quan đến những vi phạm của doanh nghiệp, đảm bảo tính thuyết phục với các bên liên quan.
0 lít
Đó là tổng khối lượng thực tế nhập khẩu cả xăng và dầu của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh. Trong khi hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao là 6.000m3/tấn với xăng dầu các loại.
Cần công khai nhiều hơn?
Theo quy định của nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, phải công khai minh bạch các nội dung sau:
• Thực hiện điều hành giá bán xăng dầu.
• Giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở, giá điều hành các mặt hàng xăng dầu; thời điểm áp dụng và mức trích lập, mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá tại các kỳ điều hành giá xăng dầu; các biện pháp khác...
• Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu hằng quý.
Tuy vậy, từ kết quả thanh tra vừa qua, theo một số chuyên gia và doanh nghiệp, vẫn cần nhiều thông tin liên quan tới hoạt động kinh doanh xăng dầu cần được liên bộ Công thương - Tài chính thông tin thêm, bao gồm: việc xuất, nhập khẩu xăng dầu; dự trữ xăng dầu, tổng nguồn cung được phân giao và tổng nguồn cung ra thị trường...
Cơ quan quản lý cho rằng những số liệu này được các doanh nghiệp báo cáo hằng tháng, phục vụ công tác quản lý, điều hành, nên không nằm trong phạm vi công khai. Tuy nhiên, với thực tế những doanh nghiệp vi phạm cho thấy cần cân nhắc công khai hơn nữa các thông tin trên, đặc biệt liên quan tới những doanh nghiệp vi phạm, đã bị xử lý...
7 doanh nghiệp bị rút giấy phép một phần
1. Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh.
2. Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV.
3. Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm.
4. Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil.
5. Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.
6. Công ty TNHH xăng dầu Vĩnh Long Petro.
7. Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát.
TTO - Tối 12-8, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết việc tước giấy phép 7 doanh nghiệp đầu mối là rút quyền sử dụng giấy phép xuất nhập khẩu, chứ không phải là dừng toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.
Xem thêm: mth.35434708061802202-uad-gnax-urt-ud-gnouc-yk-teis-iahp/nv.ertiout