Nhóm ChicSafe cùng giảng viên hướng dẫn giới thiệu sản phẩm sợi kháng khuẩn - Ảnh: THY HUYỀN
Đầu tháng 8-2022, nhóm ChicSafe đã được Công ty Mitsui Chemicals đầu tư 2.500 SGD để phát triển sản phẩm này. Nhóm cũng tiếp tục thắng lớn với giải nhì cuộc thi Bách khoa Innovation 2022 cùng nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ý tưởng từ hàng tấn dứa đổ bỏ
Nhóm ChicSafe có bốn thành viên: Lê Việt Yên Chi, Nguyễn Minh Nghiêm, Phạm Thị Phương Minh, Lê Đình Huân. Tháng 6-2021, thời điểm nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Phạm Thị Phương Minh xót xa khi thấy cảnh bà con nông dân quê mình phải đổ bỏ hàng tấn dứa vì không thể xuất khẩu. Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Phương Minh nghĩ ngay đến việc tận dụng sợi dứa để phát triển thành vải kháng khuẩn, liền trao đổi ý tưởng này với PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu Trường ĐH Bách khoa - để được hỗ trợ và lập nhóm nghiên cứu.
Để từ quả dứa trở thành vải kháng khuẩn là bài toán khó. Chuỗi ngày ăn ngủ với phòng thí nghiệm bắt đầu, cả nhóm sắp xếp thời gian để cùng tìm ra lời giải đáp.
Cả nhóm phân chia nhau tìm cách đọc tài liệu, và lời giải đáp đã được hé mở khi nhận ra nguồn nguyên liệu để thực hiện nghiên cứu trong nước khá lớn. "May mắn ở phòng thí nghiệm đã được trang bị tất cả các vật liệu cần thiết để tụi mình nghiên cứu", Lê Việt Yên Chi - trưởng nhóm - cho biết.
Sợi vải kháng khuẩn công nghệ cao
Theo nhóm, chitosan thu được từ vỏ tôm là một vật liệu tuyệt đối an toàn, có tính tương hợp sinh học đã được khoa học chứng minh. Dầu sầu đâu được ghép trong chitosan để tăng cường các đặc tính kháng khuẩn và thậm chí ngăn ngừa một số loại virus. Sợi lá dứa dường như là vật liệu nổi bật được coi là chất thay thế dồi dào và khả thi cho sợi tổng hợp đắt tiền và không thể tái sử dụng.
Ba loại vật liệu này tưởng như không có gì liên quan đến nhau, nhưng đã cho ra kết quả khá bất ngờ, tạo nên một loại vải kháng khuẩn có công nghệ cao. Đặc biệt, đối với khẩu trang đều không thể giặt và tái sử dụng, không thể phân hủy được. Trên thực tế, chúng ngăn ngừa vi khuẩn nhưng không chống vi khuẩn.
ChicSafe là một giải pháp thay thế bền vững cho người tiêu dùng đang tìm kiếm một sản phẩm độc đáo và thân thiện với môi trường. Vì dầu sầu đâu kết hợp hạt nano chitosan là một thành phần được tích hợp sẵn trong Chicsafe, nên các chức năng kháng khuẩn của vải hoạt động hiệu quả trong thời gian dài.
"Hiện tại, phần lớn các nguồn tài nguyên sử dụng trong ngành dệt may như sợi cotton và polyester, đang có nguồn cung hạn chế và nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Đây là lý do ChicSafe được sinh ra - sản phẩm được cải tiến phù hợp với một tương lai xanh và sạch hơn. Quá trình thử nghiệm ở phòng thí nghiệm và sau khi giặt trên 30 lần, sợi kháng khuẩn ChicSafe vẫn đạt được hơn 95%. Hiện dự án đã test tính kháng khuẩn để đưa ra thị trường", Yên Chi cho biết thêm.
Theo Minh Nghiêm, sau khi dự án được đưa ra các cuộc thi, ngoài những nhận xét về ưu điểm thì nhóm cũng nhận được nhiều lời góp ý về tính thẩm mỹ của sợi vải, bề mặt chưa được mịn màng... nên các bạn sẽ tiếp tục nghiên cứu, dù đã thử nghiệm, để sản phẩm dần được hoàn thiện và đạt đến độ thẩm mỹ nhất định.
PGS.TS Lê Thị Kim Phụng, giảng viên hướng dẫn của nhóm, đánh giá thành quả nghiên cứu bước đầu của nhóm ChicSafe như thế rất đáng khích lệ với các bạn đang là sinh viên.
"Tôi chỉ đứng phía sau hỗ trợ và kịp thời cùng các bạn tháo gỡ các khó khăn. Chủ yếu là các bạn nghiên cứu, từ ý tưởng đến quá trình học hỏi, tham khảo và nghiên cứu trong thời gian dài mới có được kết quả như hôm nay".
TTO - Ưu điểm của máy này là được lập trình IoT nhận diện khuôn mặt (kiểm tra giữa mã số sinh viên và khuôn mặt) nhắc nhở việc đeo khẩu trang và nhắc nhở bằng giọng nói.
Xem thêm: mth.44793011161802202-aud-ios-ut-nauhk-gnahk-ios-oat-ehc-mch-pt-aohk-hcab-hd-neiv-hnis/nv.ertiout