Bị cáo Nguyễn Đại Dương trả lời thẩm vấn - Ảnh: DANH TRỌNG chụp qua màn hình
Bị cáo Nguyễn Đại Dương bị xác định lập công ty để nhận chuyển nhượng 43ha đất vàng tại Bình Dương từ bố vợ. Tại tòa, Dương phủ nhận các cáo buộc, khai chỉ là người kết nối, chứ không tham gia vào việc mua bán.
Chiều 16-8, phiên tòa xét xử đại án bán rẻ "đất vàng" cho tư nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng ngân sách nhà nước, xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3-2), tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo.
Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn các bị cáo và nhân chứng để làm rõ hành vi lập công ty để mua bán 43ha đất vàng với giá rẻ.
Bị cáo Nguyễn Đại Dương là con rể của cựu chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty 3-2. Dù không đứng tên trên giấy tờ pháp lý nào, nhưng Dương cùng bố vợ bị xác định là tác giả của "kịch bản" góp vốn thành lập công ty mua bán lòng vòng để "hô biến" đất nhà nước vào tay tư nhân.
Cụ thể, bị cáo Dương được bố vợ cho biết Tổng công ty 3-2 sẽ triển khai dự án trên khu đất 43ha nên đã cùng bàn bạc thành lập liên doanh để có pháp nhân thực hiện. Dương đứng ra thành lập Công ty Âu Lạc, nhờ ông Dương Đình Tâm đứng tên hộ 45% cổ phần và giao cho Nguyễn Quốc Hùng làm tổng giám đốc.
Nhóm của Dương tiếp tục dùng pháp nhân Âu Lạc ký hợp đồng hợp tác với Tổng công ty 3-2 thành liên doanh Công ty Tân Phú để nhận chuyển nhượng khu đất 43ha với giá rẻ.
Đáng chú ý, tại tòa ông Tâm cho biết mình chỉ là người bán thịt heo, được Dương nhờ đứng tên cổ phần của công ty, chứ không biết gì về hoạt động cũng như mua bán đất của công ty.
Không bán đất nhưng vẫn nhận 20 tỉ đặt cọc từ đại gia Kim Oanh?
Trả lời xét hỏi, bị cáo Dương phủ nhận các cáo buộc về việc thành lập Công ty Âu Lạc để thâu tóm đất "vàng". Bị cáo chỉ thừa nhận mình là "người kết nối" cho bị cáo Hùng gặp bố vợ để đầu tư dự án tại khu đất 43ha.
"Bị cáo không tham gia quá trình soạn thảo hợp đồng giữa Công ty Âu Lạc khi thỏa thuận thành lập liên danh với Công ty Tân Phú. Bị cáo cũng không biết Âu Lạc đã chuyển bao nhiêu tiền cho Tổng công ty 3-2.
Sau này, giữa năm 2016 khi được Hùng nhờ bị cáo đứng ra tháo gỡ vướng mắc với tổng công ty thì bị cáo mới biết việc mua bán đất và việc chuyển tiền. Bị cáo không phải là một trong các bên ký hợp đồng, có lần bị cáo đi cùng nhưng chỉ với tính chất là người giới thiệu", Dương phân trần.
Theo cáo trạng, tháng 6-2016, Nguyễn Đại Dương đã liên hệ, thỏa thuận chuyển nhượng 100% vốn điều lệ của Công ty Tân Phú, trong đó có khu đất 43ha cho nữ đại gia Đặng Thị Kim Oanh với giá 350 tỉ đồng. Hành vi này của Dương gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 964 tỉ đồng.
Lý giải cho hành vi trên, ông Dương khai thời điểm đó thấy bạn mình là bị cáo Hùng đang gặp khó khăn nên đi hỏi đại diện Công ty Kim Oanh về việc chuyển nhượng. Sau khi đưa hồ sơ khu đất dự án, phía Kim Oanh đã đồng ý mua.
"Bị cáo là người giới thiệu để ông Hùng làm việc trực tiếp với đối tác Kim Oanh, mức giá chuyển nhượng đất trên hợp đồng là do Kim Oanh đưa ra", Dương khai.
"Sau khi thỏa thuận xong hợp đồng, Kim Oanh lại không chuyển 20 tỉ đồng tiền đặt cọc cho phía ông Hùng, mà lại chuyển vào tài khoản của bị cáo?", chủ tọa đặt vấn đề.
"Việc này tòa phải hỏi bà Kim Oanh. Bà Kim Oanh nhất định phải chuyển vào tài khoản của bị cáo vì muốn tôi có trách nhiệm với việc mua bán khu đất", Dương trả lời.
"Tôi chỉ là người bán thịt heo được nhờ đứng tên công ty".
Trước lời chối tội của bị cáo Dương, chủ tọa công bố tài liệu là bản cam kết thể hiện bị cáo đã nhờ ông Dương Đình Tâm đứng 45% cổ phần tại Công ty Âu Lạc.
Dương xác nhận mình là người viết bản cam kết trên, nhưng giải thích việc đứng tên trong bản cam kết cũng là được một người khác nhờ. Cuối phần trình bày, bị cáo Dương cho rằng viện kiểm sát đưa ra rất nhiều cáo buộc hành vi phạm tội đối với mình nhưng không đưa ra được căn cứ, bút lục cụ thể nào.
Ông Dương đề nghị viện kiểm sát đưa ra căn cứ pháp lý chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo như cáo trạng đã nêu.
Sau khi xét hỏi Dương, chủ tọa thẩm vấn ông Dương Đình Tâm với tư cách người làm chứng. Ông Tâm khẳng định mình chỉ là người đứng tên trên giấy tờ, thực tế không hề góp tiền vào công ty.
Ông Tâm khai năm 2010, khi vào TP.HCM được Nguyễn Đại Dương nhờ ký một số giấy tờ nhưng không đọc hết các nội dung. Đến năm 2015, Dương tiếp tục gặp và viết giấy xác nhận ông Tâm chỉ là người đứng tên giúp Dương đối với 45% cổ phần của Công ty Âu Lạc.
“Tôi chỉ là người bán thịt heo được nhờ đứng tên công ty, trên thực tế tôi không có tiền để mà góp vốn vào công ty”, ông Tâm phân trần.
Ông Tâm cho biết thêm, thời điểm đứng tên hộ Dương để thành lập Công ty Âu Lạc thì không được gửi khoản tiền nào. Đến năm 2015, ông Tâm được Dương cho vay 4,5 tỉ vì đang khó khăn kinh tế và đến nay chưa trả được.
TTO - Bị cáo buộc tham ô hơn 200 tỉ đồng nhưng tại tòa bị cáo Nguyễn Thục Anh khai “không được hưởng một đồng nào” sau những thương vụ mua bán, chuyển nhượng cổ phần của công ty.