Thu phí thủ công tại trạm trên quốc lộ 51 - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Nhiều người phản ánh đến Tuổi Trẻ Online chuyện cả ba trạm thu phí trên quốc lộ 51 đều không dùng ETC nên họ có dán thẻ, có tiền trong thẻ vẫn vô tác dụng. Việc không dùng ETC còn gây thêm tình trạng kẹt xe liên tục, kéo dài trên quốc lộ vốn đã quá tải, ùn ứ xe từ nhiều năm qua.
"Nếu như trước đây từ Vũng Tàu đi TP.HCM chỉ mất 2,5 đến 3 tiếng đồng hồ thì nay phải mất 5 tiếng. Việc các trạm thu phí trên quốc lộ 51 không dùng ETC cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây kẹt xe, kéo dài thời gian lưu thông", một bác tài chuyên chạy tuyến Vũng Tàu - TP.HCM nói.
Vì sao có chuyện này?
Ngày 10-8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu liên quan đến thời gian thu phí của quốc lộ 51. Theo phụ lục hợp đồng giữa Tổng cục Đường bộ và Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC - chủ đầu tư BOT quốc lộ 51 mở rộng) ký vào năm 2017, thời gian thu phí của quốc lộ này dự kiến kết thúc vào tháng 1-2030.
Lượng xe trên quốc lộ 51 tăng nhanh trong những năm qua gây tình trạng kẹt, ùn ứ xe liên tục - Ảnh: MẠNH KHÁ
Tuy nhiên do lưu lượng xe thực tế cao hơn so với phương án tài chính trước đây nên thời gian thu phí hoàn vốn sẽ kết thúc sớm hơn so với phụ lục hợp đồng nói trên.
Cụ thể, phương án tài chính trước đây có tính đến việc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được đưa vào sử dụng từ năm 2018 nên "lấy bớt" 60% xe lưu thông của quốc lộ 51. Tuy vậy trên thực tế đường cao tốc này mới được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6-2022.
Bộ GTVT đã và đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ và BVEC đàm phán, thương thảo, xử lý dứt điểm các vướng mắc để ký kết phụ lục hợp đồng điều chỉnh thời gian hoàn vốn của dự án.
Quốc lộ 51 vẫn thu phí thủ công khiến tình trạng kẹt xe trên quốc lộ này càng trở nên nghiêm trọng - Ảnh: Đ.HÀ
Trước đó, tháng 12-2020, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ (ký thay bộ trưởng) gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai "hệ thống thu phí điện tử không dừng" trên cả nước.
Tại báo cáo này, Bộ GTVT nói rằng các trạm thu phí trên quốc lộ 51 không phải đầu tư hệ thống ETC vì thời hạn thu phí của dự án còn lại rất ngắn "khoảng chưa đến 1 năm". Việc đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng với khoảng 83 tỉ đồng sẽ không hiệu quả, có thể gây lãng phí, ảnh hưởng đến phương án tài chính của cả dự án BOT quốc lộ 51 mở rộng.
Vì cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chậm triển khai nên phương án tài chính ban đầu của BOT quốc lộ 51 không đúng như thực tế - Ảnh: MẠNH KHÁ
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, vướng mắc lớn nhất giữa Tổng cục Đường bộ và BVEC là chuyện thời gian tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Theo hợp đồng BOT là 4 năm "tạo lợi nhuận". Vì lưu lượng xe qua quốc lộ 51 tăng nhanh hằng năm, phương án tài chính ban đầu không đúng thực tế như đã nói ở trên nên cơ quan nhà nước xác định thời gian "tạo lợi nhuận" ít hơn 4 năm. Còn nhà đầu tư muốn giữ nguyên 4 năm "tạo lợi nhuận".
Ngày 17-8, ông Đinh Hồng Hà - tổng giám đốc BVEC - cho biết đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT cho phép BVEC triển khai thu phí không dừng, đồng thời cho phép nâng cấp thiết bị thu phí đã cũ. Đáng chú ý theo BVEC, trong năm 2020 và 2021 có hơn 15.000 lượt xe vượt các trạm thu phí trên quốc lộ 51, 6 tháng đầu năm 2022 có gần 8.800 xe vượt trạm.
TTO - Liên quan việc Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) đề xuất làm 10 nút giao thông khác mức trên quốc lộ 1, đại diện các địa phương cho rằng việc này cần thiết, giúp giảm ùn tắc, tuy nhiên, phải đấu thầu.