Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào - Thongphan Savanphet, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng vụ Kinh tế Nguyễn Minh Hằng cùng nhiều cán bộ, đại diện Việt Nam và Lào.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Thongphan Savanphet khẳng định, Lào và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng có truyền thống hợp tác từ lâu đời. Năm 2022 là năm hai nước tổ chức nhiều sự kiện trọng đại kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 Ký kết Hiệp ước hữu nghị hợp tác.
Hợp tác hai nước Lào, Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, trong đó trước hết là về lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội...Hợp tác giữa hai ngành Ngoại giao ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả.
Bộ Ngoại giao hai nước đã ký kết thỏa thuận hợp tác Ngoại giao kinh tế giai đoạn 2020-2025. Việc phối hợp tổ chức tọa đàm Công tác ngoại giao kinh tế giữa hai Bộ Ngoại giao có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm, các bài học kinh nghiệm để ngành ngoại giao có thể góp phần đắc lực và hiệu quả hơn nữa vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
Đi sâu vào vấn đề hợp tác đối ngoại kinh tế Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho rằng quan hệ đặc biệt Lào - Việt Nam là mối quan hệ hiếm có trên thế giới, hợp tác chính trị ngày càng được củng cố và vun đắp, lĩnh vực kinh tế thương mại, đầu tư cần phải hiệu quả hơn nữa, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn để tương xứng với hợp tác chính trị, an ninh quốc phòng hai nước.
Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong đó có Đại sứ quán là cơ quan nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam chỉ đạo thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận cấp cao, các thỏa thuận hợp tác các địa phương mà các tỉnh của hai nước đã kết nghĩa, góp phần nâng cao và phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế Lào, Việt Nam song phương cũng như là đa phương, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng đất nước phồn vinh phát triển và tiến bộ.
Tọa đàm đã nghe các ý kiến đóng góp và đánh giá của các đại biểu với nhiều tham luận thiết thực về hoạt động đối ngoại kinh tế, trao đổi các kinh nghiệm trong bối cảnh đất nước vừa vượt qua đại dịch Covid-19; xây dựng chiến lược đối ngoại kinh tế; hoạt động đối ngoại kinh tế địa phương kết nối và hội nhập quốc tế.
Nhiều ý kiến tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác đối ngoại kinh tế, coi đối ngoại kinh tế là nhiệm vụ chung không chỉ trong xây dựng quan hệ hợp tác Lào, Việt Nam mà với cả khu vực và quốc tế. Các ý kiến còn nêu ra những thuận lợi khó khăn trong đối ngoại kinh tế hai nước và tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ cũng như hoạch định tầm nhìn chiến lược hợp tác trong tương lai./.
Xem thêm: vov.879369tsop-et-hnik-oaig-iaogn-cat-poh-gnouc-gnat-oal-teiv/et-hnik/nv.vov