Bóng đá TP.HCM từng có nhiều hội thảo đặt ra những chủ đề làm thế nào để cứu hoặc để nâng tầm bóng đá TP.HCM… Thành phần tham dự là những chuyên gia, những người có chuyên môn, những HLV và những nhà quản lý bóng đá.
Làm lại nửa vời từ đề án bỏ dở
Sau khi Thép miền Nam - CSG xuống hạng và bóng đá TP.HCM trở thành vùng trắng ở V-League thì bóng đá TP.HCM cũng từng có hội thảo theo hướng làm mới lại. Một đề án được đưa ra và Trung tâm TDTT Thống Nhất được trao nhiệm vụ phải “làm lại” và làm từ gốc, từ đội bóng với đa phần là con em của những người đang sinh sống tại TP.HCM. Đội bóng đấy có tên là CLB TP.HCM, giao cho HLV Lư Đình Tuấn dẫn dắt và lên hạng chuyên nghiệp mùa 2016.
Hướng đi và đề án mới bị “bẻ” ngay sau khi CLB TP.HCM gia nhập hàng ngũ chuyên nghiệp. Đội bóng bị lấy khỏi Trung tâm TDTT Thống Nhất để trao cho một doanh nghiệp điều hành và vận hành theo kế hoạch của doanh nghiệp. Ngày ra mắt phòng truyền thống, mọi người thấy được những kỷ vật của bóng đá TP.HCM cả chục năm trước nhưng con người của đội bóng là những tên tuổi có tiếng, chứ không phải những người tâm huyết từng nếm trải các giai đoạn thăng trầm của bóng đá TP.HCM, từng vui và từng khóc với các cổ động viên TP.HCM.
CSG dù không còn nhưng nhiều phụ huynh vẫn hạnh phúc cho con em mình học đá bóng với cựu tuyển thủ CSG và được các lão tướng Cảng dẫn ra sân. Ảnh: CTV |
HLV Tam Lang khi sinh thời luôn dặn dò trò cưng Lư Đình Tuấn giữ bản sắc CSG, bản sắc bóng đá TP.HCM nhưng nay thì Tuấn “nhím” đã về Bình Dương. Ảnh: CTV |
Nếu những đội CSG, Hải quan, Sở Công nghiệp, Công an TP.HCM trước đây từng giải thể vì không xoay nổi nguồn kinh phí để đội tồn tại thì CLB TP.HCM bước đầu chuyên nghiệp đã đánh động cả làng bóng bởi chiến dịch đồng tiền đi trước. Họ mang về sân Thống Nhất nhiều hảo thủ, nhiều cầu thủ ngoại chất lượng. Thậm chí cựu HLV đội tuyển Việt Nam như Toshiya Miura hay tiếng tăm như Chung Hae-seong hoặc người sau này đưa bóng đá Thái Lan vô địch AFF Cup 2021 là Polking đã được trải thảm mời về. Chỉ tiếc là tuổi thọ của các HLV ấy ở CLB TP.HCM rất ngắn, trong đó người thành công nhất là ông Chung Hae-seong một lần đưa đội lên ngôi á quân V-League.
“Đất lành” và chiến dịch đồng tiền
Đã có lần nhiều người lầm tưởng trong lĩnh vực bóng đá, TP.HCM là “đất lành chim đậu” nhưng xét cho cùng thì nhiều cầu thủ giỏi cập bến vì chế độ, lương cao, lót tay đậm và tất nhiên là chỉ trong những mùa bạo chi. Trong khi đó, những nhân tài thực thụ từ cái nôi của bóng đá TP.HCM lại ra đi và thành danh ở các địa phương khác.
Cựu tiền vệ một thời của CSG Đặng Trần Chỉnh bước sang Bình Dương dưới dạng giám đốc kỹ thuật, thiết kế cả một hệ thống đào tạo trẻ làm nguồn kế thừa mà hiện nay B. Bình Dương rất thành công với tuyến trẻ do tỉnh nhà tự đào tạo. Một công thần khác của bóng đá TP.HCM là ông Lư Đình Tuấn, một trong những người có bằng cấp HLV của FIFA sớm nhất và đang là giảng viên AFC, sau thời gian cảm thấy như người thừa ở TP.HCM đã đầu quân về làm HLV trưởng B. Bình Dương… Hay nhân vật được xem là quái kiệt của làng bóng Việt Nam từng là thầy dạy của nhiều lứa cầu thủ như Đỗ Khải, Trần Minh Chiến, Nguyên Chương, Anh Trung, Phùng Thanh Phương… đang rất thành công với hướng đi của Sài Gòn FC cùng thành tích hạng ba V-League 2020 thì lại bị “bứng” đi, đẩy ra Hà Nội phụ trách lò PVF…
Bóng đá giữ vai trò gì trong chiến lược phát triển TP.HCM?
Trong ý kiến đóng góp để củng cố và phát triển bóng đá TP.HCM trong buổi gặp mặt giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên với lãnh đạo hai đội bóng, chuyên gia Đoàn Minh Xương đã nêu ra những điểm nhấn:
+ Người dân TP.HCM rất yêu thích bóng đá, luôn nhiệt tình cổ vũ và dành sự quan tâm đặc biệt đối với bóng đá. Tuy nhiên, khi bước vào bóng đá chuyên nghiệp, tính từ năm 2002 đến nay thì bóng đá TP.HCM bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập:
1. Phong trào tập luyện bóng đá của thanh thiếu niên, học sinh tuy có phát triển rộng khắp nhưng còn mang tính tự phát, nặng thành tích, chưa đáp ứng yêu cầu cuộc sống của xã hội hiện đại là sử dụng bóng đá như một công cụ để giáo dục và phát triển con người.
2. Thành tích đỉnh cao còn thua kém trong toàn quốc và kém xa so với nhiều CLB.
3. Lực lượng vận động viên trẻ kế cận rất mỏng, chưa được tuyển chọn và đào tạo một cách khoa học. Mô hình đào tạo bóng đá trẻ không còn phù hợp. Đội ngũ cán bộ quản lý bóng đá, HLV còn rất thiếu và yếu về nhiều mặt. Chế độ, chính sách đãi ngộ còn thấp, chưa động viên cống hiến.
4. Cơ sở vật chất và khoa học kỹ thuật của bóng đá TP.HCM vừa thiếu vừa lạc hậu, chưa đáp ứng được cho các hoạt động tập luyện, thi đấu bóng đá, chăm sóc y tế và điều trị chấn thương cho cầu thủ. Tổ chức và nguồn nhân lực của hai CLB TP.HCM và Sài Gòn trong thời gian qua không ổn định, hoạt động kém hiệu quả. Đặc biệt là cả hai CLB đều chưa quan tâm đầu tư dẫn đến thiếu nền tảng của một cơ chế bóng đá chuyên nghiệp và thiếu bản sắc.
Ba câu hỏi với bóng đá TP.HCM
Ông Xương cũng nhấn mạnh ba điểm quan trọng với ba câu hỏi:
1. Bóng đá giữ vai trò gì trong chiến lược phát triển của TP.HCM?
2. Đầu tư cho bóng đá để làm gì?
3. Mô hình phát triển bóng đá TP.HCM trong giai đoạn 2023-2030? Nói một cách khác, đó là vai trò của Nhà nước trong giai đoạn hiện nay đối với sự phát triển bóng đá chuyên nghiệp TP.HCM?
Bức xúc với cảnh người hâm mộ lạnh nhạt khi không nhìn nhận ra đội bóng là một phần của mình như thời các cổ động viên TP.HCM yêu CSG, yêu Hải quan, Công an TP.HCM, Chủ tịch Hội Cổ động viên Việt Nam VFS Trần Hữu Nghĩa lên tiếng: “Tôi hơi tiếc khi các đội bóng đến lúc khó khăn ở đáy bảng họ chỉ lên tiếng xin cái này, cái nọ. Bởi lẽ ra bóng đá TP.HCM như thế thì cần phải có những cuộc gặp mặt, phân tích cặn kẽ và nhận trách nhiệm. Một thời gian dài bóng đá TP.HCM như thế, một thời gian dài đội nào ở đẩu ở đâu muốn mang tên TP hay Sài Gòn cũng được cập bến TP.HCM, nhận mình là đội bóng TP.HCM cũng dễ dãi được thừa nhận rồi không xin được cơ chế, không làm ăn được thì rũ tay bỏ đội đi, làm cầu thủ bơ vơ, bóng đá TP mang tiếng thế mà cũng chưa có ai nhận trách nhiệm cả. Người hâm mộ mất niềm tin từ đó, người hâm mộ cũng xa lánh từ đó. rõ nhất là khi HA Gia Lai đến sân Thống Nhất thi đấu, người hâm mộ TP.HCM đến xem rất đông vì họ không xem đội bóng có tiền mua cầu thủ như thế nào hay túng quẫn phải xin tiền, xin cơ chế ra sao, mà là xem đội bóng đá đẹp, có cá tính, có bản sắc…”.•
Suy nghĩ về cách làm của bóng đá Bình Dương
Trong giai đoạn tất cả đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam chưa đội nào có thể tự nuôi nổi mình mà đa phần đều xài tiền của ông chủ, của doanh nghiệp thì Bình Dương được xem là đội bóng dần có những bước đi thích hợp.
Thời còn mang danh là Chelsea Việt Nam, đội Bình Dương nổi tiếng là tiêu tiền rất đậm từ công ty mẹ Becamex nhưng sau vài mùa vô địch và không có được bản sắc của bóng đá đất Thủ thì Bình Dương đã âm thầm xây dựng nền tảng đào tạo cầu thủ trẻ rất căn cơ từ lứa U-12 trở lên. Các cựu tuyển thủ Bình Dương trong vai trò huấn luyện và tuyển trạch đã đi khắp các vùng sâu vùng xa tìm tài năng và đào tạo, huấn luyện tập trung… Từ cái nền đó Bình Dương bây giờ là đội bóng có số đông cầu thủ trưởng thành từ cái nôi bóng đá Bình Dương, mà mùa V-League này B. Bình Dương sẵn sàng đưa cả những cầu thủ 19, 20 tuổi tham gia đội hình chính và thi đấu rất thành công. Nói về yếu tố này, các cựu tuyển thủ Bình Dương cho biết vai trò của cầu thủ địa phương rất quan trọng vì thể hiện rất rõ yếu tố màu cờ sắc áo.
Từ tiền săn cầu thủ rất tốn kém, giờ thì Bình Dương chỉ lo đào tạo cầu thủ và giữ cầu thủ nhiều hơn là đi mua cầu thủ giá cao từ các đội khác về.
Ngược lại thì TP.HCM có nhiều lò đào tạo tư nhân nhưng chính những HLV đào tạo cầu thủ ở TP.HCM có cầu thủ nào có tương lai lại mang “gửi” ở các nơi dễ phát triển hơn như Bình Dương, HA Gia Lai, Viettel…