Theo số liệu của trang Trading Economics trong phiên giao dịch ngày 17-8, giá dầu thô thế giới tiếp tục lao dốc mạnh. Giá dầu Brent có lúc giảm xuống dưới ngưỡng 92 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 25-2, xóa sạch mức tăng do xung đột Nga - Ukraine. Trong khi đó, dầu WTI được giao dịch quanh mức 87 USD/thùng, mức giá thấp nhất trong vòng sáu tháng qua. Nhìn chung, giá dầu đang ở mức thấp hơn khoảng 30% so với thời điểm xung đột bùng nổ. Giá nhiên liệu máy bay, dầu diesel cũng đang giảm, điều đó kéo theo chi phí cho thức ăn hay vé máy bay cũng giảm theo. Dù vậy đà giảm này có thể tiếp tục duy trì tới cuối năm hay không là một câu hỏi lớn, tờ The New York Times dẫn lời giới chuyên gia cho biết.
Nhiều tác nhân khó đoán định
Cụ thể, giá dầu tuy xuống nhanh nhưng cũng có thể vọt lên bất cứ lúc nào, bất ngờ và rất đột ngột tùy vào các chuyển động của nền kinh tế toàn cầu. Giới quan sát nhận định khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch COVID-19, nhu cầu chắc chắn sẽ tăng. Hoạt động rút dầu từ Cục Dự trữ dầu mỏ chiến lược Mỹ cũng sẽ kết thúc vào cuối năm nay và nước này sẽ cần tăng mua để bổ sung.
Ở Việt Nam, theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Công Thương, giá xăng nhập hiện giảm còn 111 USD/thùng, tương đương mức giá ngày 16-2. Giá xăng trong nước khi đó là 25.320 đồng/lít. Nếu không tính thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng, giá xăng còn khoảng 22.000 đồng/lít.
Bên cạnh đó, một sự kiện bất ngờ - chẳng hạn bão làm ngập kênh Houston Ship và khiến một số nhà máy lọc dầu ở vịnh Mexico ngừng hoạt động trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng - có thể khiến giá nhiên liệu tăng vọt.
Các yếu tố nhỏ hơn như kỳ vọng của các thương lái - những người mua và bán nhiên liệu, biến đổi chính trị tại các quốc gia sản xuất dầu như Venezuela, Nigeria và Libya cũng như quyết định đầu tư của giám đốc các công ty dầu nhà nước và tư nhân cũng ảnh hưởng đáng kể tới giá dầu trên thị trường.
“Giá dầu luôn tiềm ẩn khả năng gây bất ngờ. Tôi vẫn nghĩ rằng trong ngắn hạn giá dầu vẫn sẽ tiếp tục giảm. Nguồn cung hiện khá dồi dào” - bà Sarah Emerson, Chủ tịch Công ty phân tích ESAI Energy (Mỹ), nhận định. Bà cũng lưu ý điều đó không đồng nghĩa giá dầu sẽ không tăng trở lại trong bối cảnh châu Âu có thể sẽ phải đốt dầu thay cho khí đốt vào mùa đông tới.
Một giàn khoan dầu ở mỏ dầu Tamar ngoài khơi Israel hồi tháng 5. Ảnh: REUTERS |
Nhiều tín hiệu trái chiều
Cuộc chiến ở Ukraine vẫn là một biến số lớn trong triển vọng nguồn cung toàn thế giới vì Nga là nhà cung cấp nhiên liệu lớn. Trước khi đưa quân sang Ukraine, Nga sản xuất 10 triệu thùng dầu mỗi ngày nhưng con số này sau đó giảm 580.000 thùng. Các lệnh trừng phạt của châu Âu với Moscow dự kiến được thắt chặt vào đầu năm tới sẽ khiến thị trường mất thêm khoảng 600.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga. Một khi Nga thắt chặt hơn nữa việc bán khí đốt cho châu Âu để trả đũa các biện pháp cấm vận, khu vực này sẽ buộc phải đốt nhiều dầu hơn để thay thế.
Trong dự báo tuần trước, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự kiến nhu cầu xăng dầu sẽ yếu đi so với ước tính ban đầu trong năm nay và năm tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tin tưởng nhu cầu toàn cầu sẽ tăng vào năm 2023 với gần 103 triệu thùng mỗi ngày.
Nguồn cung đang tăng dần lên do sản xuất được mở rộng ở Guyana, Brazil và Mỹ. Điều này cũng được ghi nhận ở Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh, dù không nhiều như Mỹ kỳ vọng. OPEC và các đối tác, bao gồm Nga đã hứa sẽ tăng sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8.
Triển vọng lọc dầu cũng đang được cải thiện, điều này có thể làm giảm giá xăng và các loại nhiên liệu khác. Trong khi công suất lọc dầu ở châu Âu và Mỹ đã giảm trong những năm gần đây thì công suất lọc dầu đang tăng lên ở Trung Đông, Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi.
Mùa lái xe vào dịp hè ở Mỹ thường ngốn tới 400.000 thùng/ngày. Nhưng tới nay, các số liệu cho thấy nhu cầu xăng dầu vẫn không có nhiều biến động so với mức trung bình của tháng 4.
Một yếu tố nữa là các nước đang tìm cách thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ngày càng nhiều nhà đầu tư năng lượng hoài nghi về tương lai của ngành vận tải dầu mỏ và cho rằng giá cả trong dài hạn sẽ đi xuống. “Nhu cầu về xe điện đang tăng lên. Điều đó gửi đi rất nhiều tín hiệu” - chuyên gia Daniel Sperling thuộc ĐH California (Mỹ) cho hay.•
Giá khí đốt tại châu Âu tăng kỷ lục
Theo hãng thông tấn Nga TASS, giá khí đốt tại châu Âu khi khép lại phiên giao dịch ngày 16-8 đã lần đầu tiên leo lên mức 2.500 USD/1.000 m3 kể từ tháng 3, theo dữ liệu tại sàn giao dịch London. Trong khi đó, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 9 tại trung tâm TTF ở Hà Lan cũng tăng lên mức 2.501,7 USD/1.000 m3.
Giá khí đốt biến động mạnh phiên ngày 16-8 trong bối cảnh nguồn cung từ Nga giảm mạnh, giá khí đốt giao ngay ở châu Á tăng cao, cùng với việc Na Uy đóng cửa để sửa chữa một số cơ sở sản xuất và vận chuyển khí đốt cùng tình trạng nhiệt độ tăng cao ở châu Âu.
Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom cùng ngày cũng cảnh báo giá khí đốt ở châu Âu có thể leo dốc 60% trong mùa đông này.
Gazprom không loại trừ khả năng giá khí đốt tại châu lục này có thể lập kỷ lục mới lên tới 4.000 USD/1.000 m3 trong những tháng sắp tới. “Giá khí đốt tại các sàn giao dịch ở châu Âu đã vượt qua con số 2.500 USD/1.000 m3. Ước tính, nếu xu hướng này tiếp tục, mức giá sẽ vượt 4.000 USD vào mùa đông tới” - tập đoàn Nga lưu ý.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng gấp bốn lần kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu do dòng chảy năng lượng từ Nga sang khu vực này giảm mạnh.