Ngày 08/8/2022, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN) tổ chức buổi ra mắt chương trình “Tay hòm chìa khóa” mùa 2. Tham dự Họp báo có Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh. Về phía ĐTHVN có bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Tổng Giám đốc. Bên cạnh đó, về phía NHNN còn có đại diện lãnh đạo Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông, Vụ Chính sách tiền tệ, Viện Chiến lược ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), Văn phòng…Phía ĐTHVN còn có đại diện Ban Khoa giáo cùng êkip sản xuất…
“Bám sát nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, cách thể hiện dễ đi vào lòng người”
Tiếp nối thành công của mùa 1, “Tay hòm chìa khóa” mùa 2 tiếp tục hiện thực hóa các chủ trương, định hướng, mục tiêu truyền thông của NHNN VN, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, các Đề án của Chính phủ (Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng) và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Sau hơn 1 năm kể từ ngày phát sóng số đầu tiên vào 20h55 ngày 07/5/2021 trên VTV1, với nội dung được nghiên cứu kỹ càng và hình thức thể hiện sáng tạo, chương trình đã thu hút sự quan tâm của khán giả với chỉ số người xem cao. Theo thông tin từ ĐTHVN, “Tay hòm chìa khóa” được đánh giá là một trong những chương trình truyền hình nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, được đánh giá cao về nội dung cũng như cách thức truyền tải thông tin, kiến thức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Chương trình đã cung cấp những thông tin tích cực về chủ trương, chính sách của ngành Ngân hàng, hướng dẫn các thủ tục, quy trình đảm bảo an toàn, đưa ra những lưu ý, cảnh báo, giảm thiểu rủi ro trong các giao dịch tài chính, ngân hàng cho người dân…
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Họp báo
Phát biểu tại Họp báo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh đánh giá cao chương trình “Tay hòm chìa khóa” cũng như các chương trình tài chính mà ĐTHVN và NHNN đã và đang phối hợp thực hiện. Phó Thống đốc nhấn mạnh, chương trình “Tay hòm chìa khóa” đã bám sát nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, truyền thông những cái người dân, doanh nghiệp cần. Qua chương trình này, người dân, doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ đã biết thêm về những sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó TGĐ ĐTHVN phát biểu tại Họp báo
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cho biết, “Tay hòm chìa khóa” là một trong những chương trình giaso dục tài chính có lượng người xem rất cao trên sóng của ĐTHVN, là mẫu hình phối hợp tốt nhất. Bà Hiền cho hay, tại Diễn đàn về tài chính toàn diện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đánh giá cao sự phối hợp của Đài Truyền hình Việt Nam và NHNN trong việc sản xuất các chương trình giáo dục tài chính, góp phần triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Theo bà Hiền, tuyên truyền chính sách về tiền tệ ngân hàng là nội dung quan trọng, ĐTHVN cũng luôn cố gắng để chương trình đạt hiệu quả cao nhất, tương xứng với vai trò của ngành Ngân hàng – là huyết mạch của nền kinh tế. Chương trình giáo dục tài chính đã có nhiều chuyển biến rõ nét trên sóng truyền hình. Cách truyền thông luôn đổi mới, sáng tạo, làm sao để chương trình “Tay hòm chìa khóa” không chỉ dễ hiểu mà còn giàu cảm xúc, dễ đi vào lòng người - chính điều đó làm nên sự khác biệt với các chương trình khác, tạo sức hút với khán giả. Bà Hiền cũng hi vọng ĐTHVN và NHNN tiếp tục phối hợp tốt, cùng lắng nghe ý kiến khán giả, để làm sao chương trình có sức lan tỏa nhiều hơn nữa, không chỉ trên các kênh truyền thống mà còn trên nền tảng số, mạng xã hội…
Tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông chia sẻ, nội dung mà chương trình hướng tới chính là những vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm, những cái mà người dân cần. Thời gian qua, đơn vị truyền thông của NHNN cũng đã tiến hành khảo sát nhu cầu công chúng về thông tin tài chính, ngân hàng (với trên 2000 người thuộc nhiều đối tượng khác nhau), để từ đó có đánh giá khách quan, chính xác về nhu cầu thực của người dân, những thông tin nào người dân cần, làm cơ sở thực hiện các nội dung của các chương trình giáo dục tài chính (như Tay hòm chìa khóa, Tiền khéo tiền khôn, Đồng tiền thông thái). Ví dụ, người dân quan tâm làm sao tiếp cận vốn ngân hàng, chương trình “Tay hòm chìa khóa” sẽ có các nội dung giới thiệu về các gói vay của ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi, cung cấp thông tin về điều kiện, thủ tục, quy trình vay vốn; hướng dẫn về mở tiết kiệm đúng quy định; hoặc quy trình về mở tài khoản ngân hàng bằng phương thức trực tuyến eKYC, hay việc sử dụng Mobile Banking, Internet Banking; đồng thời có những khuyến cáo giúp người dân sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng được an toàn, bảo mật, hiệu quả…
Bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN phát biểu tại Họp báo
Một số ví dụ điển hình về hiệu ứng lan tỏa mà chương trình mang lại như: Sau khi phát sóng nội dung về thông tin tín dụng trong chương trình “Tay hòm chìa khóa”, thống kê của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cho thấy: Số lượng đăng ký tài khoản cá nhân mới trong tháng 8/2021 tăng 30% so với tháng trước; Số lượng đăng ký nhu cầu vay trên Cổng thông tin CIC trung bình 1 ngày tăng gần 28%... Đồng thời, sau các chương trình “Tay hòm chìa khóa” về thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với các giải pháp của ngành Ngân hàng, dịch vụ thanh toán điện tử tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).Tính đến cuối T6/2022, có gần 5,5 triệu tài khoản mở bằng eKYC đang hoạt động, gần 8,9 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành; khoảng 68% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng…
Tiếp tục đổi mới, đa dạng các kênh truyền thông để lan tỏa kiến thức, kỹ năng tài chính
Để chương trình tăng sức lan tỏa, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh gợi ý, thời gian tới, chương trình cần tiếp tục có những cải tiến hơn nữa, ứng dụng các kênh truyền thông hiện đại trên nền tảng số, có thể sáng tạo thêm các clip ngắn hướng dẫn các thao tác, quy trình giúp khán giả dễ thực hiện hơn (do thời lượng chương trình ngắn); hướng tới công chúng đông đảo, đặc biệt là giới trẻ, công nhân khu công nghiệp để giúp người dân tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, trong đó có nâng cao khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, tránh xa tín dụng đen.
Về định hướng thời gian tới, Bà Lê Thị Thúy Sen cho biết, tiếp nối mùa 1, chương trình mùa 2 sẽ bám sát hơn nữa nhu cầu thông tin của người dân, những vấn đề người dân quan tâm như: Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31; các chính sách hỗ trợ người dân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hình thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ số, ngân hàng số, quy trình và lưu ý khi gửi tiết kiệm... từ đó góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn bảo mật, giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng dịch vụ tài chính.
Các chương trình sẽ tăng cường truyền thông hướng tới nhóm công chúng mục tiêu là giới trẻ, phụ nữ, người nghèo, công nhân và người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những đối tượng yếu thế trong xã hội, người thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh...
Hình thức truyền thông giáo dục tài chính cũng được chọn lựa theo hướng đa dạng, sáng tạo, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ lan tỏa, qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng an toàn, hiệu quả đối với công chúng. Bên cạnh đó, các kênh truyền thông trên nền tảng số, mạng xã hội sẽ được khai thác nhằm tăng tính tương tác với khán giả (ví dụ thông qua các câu hỏi và cuộc thi).
Chương trình “Tay hòm chìa khóa” sử dụng đồ họa trực quan thông tin và hình ảnh hóa các quy trình thông qua các câu chuyện giản dị về con người và cuộc sống. Mỗi số của chương trình chứa đựng nhiều bài học cuộc sống có ý nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc. Mở đầu mỗi tập của mùa 2 sẽ dẫn dắt người xem vào nội dung câu chuyện bằng câu danh ngôn, thơ ca, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn ngay từ đầu. Bên cạnh chủ đề về tình cảm gia đình, tình yêu thương, chương trình sẽ có cả các câu danh ngôn, ca dao, tục ngữ, thành ngữ có nội dung liên quan đến tiền, quản lý tài chính, chi tiếu... Đồng thời, tuyến nhân vật trong chương trình mùa 2 sẽ được mở rộng hơn; ngôn ngữ và lời thoại sẽ hiện đại, gần gũi hơn với giới trẻ.
Theo đó, Vụ Truyền thông NHNN tiếp tục phối hợp ĐTHVN và các báo đài đa dạng các hình thức truyền tải, để đưa các kiến thức tài chính ngân hàng đến với công chúng, góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tín dụng đen, hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia…
*“Tay hòm chìa khóa” mùa 2 sẽ phát sóng số đầu tiên vào 20h55 ngày 12/8/2022 trên kênh VTV1.
Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các đề án (1) của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, góp phần chuyển đổi số quốc gia, NHNN đã phối hợp với ĐTHVN sản xuất các chương trình truyền thông giáo dục tài chính như “Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”, “Đồng tiền thông thái”... Theo thông tin của Đài THVN, đây là những chương trình truyền hình được đông đảo các tầng lớp công chúng đánh giá cao. Đặc biệt, “Tiền khéo tiền khôn” là chương trình đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của khán giả xem truyền hình và lọt vào top những chương trình có rating (chỉ số người xem) cao nhất trong những tháng đầu năm 2022 vừa qua. (1) Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Đề án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. |
Phương Linh
Ảnh: Mạnh Thắng
Xem thêm: 918615VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www