Phiên họp nhằm đánh giá tình hình triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhìn nhận các khó khăn vướng mắc và đưa ra các định hướng các nhiệm vụ trọng tâm triển khai những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện được thành lập theo Quyết định 1394/QĐ-TTg ngày 11/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo và điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành, cơ quan, địa phương về tài chính toàn diện, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Phát triển lành mạnh hệ thống tài chính – ngân hàng nhằm tăng niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ xác định "4 ổn định" bao gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và giá cả, thị trường các loại hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn là mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt; theo đó, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung, hiệu quả. Do đó các cấp, các ngành phải nắm chắc tình hình, dự báo sát diễn biến, phản ứng chính sách phải nhanh. Trong đó, điều hành chính sách tiền tệ phải bám sát" hằng ngày, hàng giờ".
Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn 3/8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, gồm mục tiêu xóa bỏ tình trạng đói nghèo cùng cực, mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ. Theo Thủ tướng, những thành tựu này có đóng góp của việc thực hiện chính sách tài chính toàn diện.
“Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển nhanh của thị trường tài chính, với nhiều kết quả vượt bậc dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Thị trường dịch vụ ngân hàng có bước tiến nhanh, bám sát sự phát triển của thị trường quốc tế”, Thủ tướng nói.
Phát biểu kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực và những kết quả tích cực mà các bộ, ngành, địa phương đạt được trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Công tác truyền thông được chú trọng với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, như việc việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với VTV sản xuất một số chương trình truyền hình có chất lượng tốt để nâng cao nhận thức của công chúng về tài chính toàn diện.
Phát biểu tại phiên họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng Phó Trưởng Ban chỉ đạo đề cập đến kinh nghiệm quốc tế về tài chính toàn diện. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương tăng trưởng bao trùm là xu thế của các nước trên thế giới và trong rất nhiều diễn đàn như G20, APEC, ASEAN… Các nhà lãnh đạo các nước trên thế giới đều hướng đến tăng trưởng bao trùm. Tăng trưởng bao trùm thể hiện tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng xã hội và an sinh xã hội. Ở một số nước lấy chỉ tiêu về chỉ số phát triển con người và chỉ số hạnh phúc là mục tiêu hướng đến chứ không phải tăng trưởng kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp
Để đạt được mục tiêu này, các nước đều có chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Đối với cuộc sống của người dân, kế sinh nhai của người dân rõ ràng thì vấn đề tài chính là vấn đề rất quan trọng, cho nên các nước đều có chiến lược tài chính toàn diện hay tăng trưởng bao trùm.
Đối với Việt Nam, Chính phủ giao cho NHNN chủ trì phối hợp với các Bộ, Ngành và đã trình Chính phủ Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Theo đó, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định 149 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ (Chiến lược). Chiến lược đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, để đạt được mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau thì Chiến lược đã bao trùm đến tất cả người dân, trong đó để người dân phát triển thì Chiến lược này có hướng đến đặc biệt là các đối tượng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là những khu vực thường người dân gặp khó khăn, người nghèo hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 95% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam) cho nên cũng là khu vực tạo công ăn việc làm rất lớn cho người dân hay phụ nữ cũng là đối tượng, họ vừa là người quản lý chi tiêu cho gia đình, vừa là người đi vay vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh cho cuộc sống.
Đối với dịch vụ như: Thanh toán, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm… đòi hỏi sự tham gia của các Bộ, Ngành. Thống đốc phân tích, như đối với tín dụng, trước đây người dân vay vốn để sản xuất – kinh doanh, nếu như bây giờ không có sự kết nối với các bộ, ngành khác chẳng hạn như việc tiêu thụ hàng hoá thì rõ ràng vay vốn về có khi làm cũng không đủ nguồn thu để trả nợ, cho nên ở đây câu chuyện tài chính toàn diện cũng đòi hỏi việc tham gia của rất nhiều các bộ, ngành có liên quan để công bố tài chính và giúp cho người dân.
Qua ý kiến phát biểu của các đại biểu, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo và gợi ý của Thủ tướng, Thống đốc cho biết, NHNN thấy rằng, gợi ý của Thủ tướng là mấu chốt của vấn đề tài chính toàn diện đó là chúng ta hiểu thế nào về tiền và biết cách sử dụng tiền hiệu quả, biết tiết kiệm, khi vay vốn phải biết sử dụng tiền hiệu quả. Đây mới là đóng góp cho việc tiếp cận dịch vụ tài chính và đóng góp cho cuộc sống.
Về một số câu hỏi làm thế nào để huy động tiền ở trong dân, Thống đốc cho biết, hệ thống ngân hàng thời gian vừa qua có rất nhiều chính sách. Chủ trương, đường lối của Chính phủ luôn luôn hướng đến kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng phát triển ngày cạnh lành mạnh hơn, tạo niềm tin của người dân gửi tiền vào ngân hàng để phục vụ sản xuất – kinh doanh.
Chính sách chống đô la hoá, vàng hoá trong thời gian vừa qua giúp người dân chuyển đổi từ vàng, ngoại tệ sang VND để phục vụ sản xuất – kinh doanh. Đối với tỉnh có nguồn tiền gửi lớn nhưng tại tỉnh đó không thể thực hiện để đầu tư cho sản xuất – kinh doanh trong tỉnh như: Cao Bằng, một tỉnh khó khăn, tiền gửi 22 nghìn tỷ đồng thế nhưng cho vay có 13-14 nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, khi có dư thừa, hệ thống ngân hàng sẽ điều chuyển vốn từ những nơi không sử dụng hết để đầu tư vào những tỉnh cần nhu cầu đầu tư để phục vụ cho sản xuất – kinh doanh.
Thống đốc cho rằng, ở các địa phương cũng cần có quy hoạch, chương trình phát triển... để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Khi doanh nghiệp đầu tư ở Cao Bằng thì chắc chắn hệ thống TCTD sẽ cho các doanh nghiệp ở Cao Bằng vay, thậm chí điều chuyển vốn ở các tỉnh khác nữa cho nên vai trò của địa phương cũng rất quan trọng để làm sao tiền của người dân huy động được tại tỉnh đóng góp chính vào đầu tư của tỉnh đó.
Báo cáo Thủ tướng và Phó Thủ tướng tại cuộc họp, Thống đốc cho biết, để triển khai Chương trình tài chính toàn diện, NHNN bên cạnh việc phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức các chương trình giáo dục tài chính như: Tay hòm chìa khoá, Tiền khôn tiền khéo, Đồng tiền thông thái... để nâng cao hiểu biết về tiền và sử dụng các dịch vụ của ngân hàng trên các kênh truyền hình. Đây là các chương trình nhận được quan tâm theo dõi rất lớn của người dân. Ngoài ra, NHNN cũng phối hợp để tổ chức cuộc thi hiểu đúng về tiền ở các trường học như: Trường PTTH chuyên Amsterdam, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng... để học sinh, sinh viên hiểu biết về tiền cũng như đào tạo kỹ năng cho sinh viên biết tiết kiệm, thanh toán, vay vốn để sử dụng đồng tiền hiệu quả.
Theo Thống đốc, trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai nâng cao hiểu biết về tiền từ các chương trình phổ thông để đây là cơ sở để chương trình triển khai trong nhiều năm, chứ không phải trong một vài năm, qua đó nâng cao hiểu biết và sử dụng thông minh đồng tiền một cách hiệu quả.
Đối với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tài chính vi mô, theo Thống đốc, tài chính vi mô của Việt Nam mới có một số tổ chức tài chính vi mô và một số dự án được tài trợ của nước ngoài. Tài chính toàn diện nó bao trùm rất nhiều lĩnh vực.
Theo Thống đốc, đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vai trò rất quan trọng là hỗ trợ cơ chế, chính sách, hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi trên thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn ngân hàng khó hơn bởi khi các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay thì doanh nghiệp phải đủ điều kiện vay vốn và có khả năng hoàn trả, vì tiền TCTD cho vay là tiền huy động của người dân. Các nước có nhiều cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước rất quan tâm, nhưng nguồn lực của chúng ta còn hạn chế nên cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được nhiều. Ví dụ như Quỹ bảo lãnh nhỏ và vừa, chúng ta có hơn 30 Quỹ bảo lãnh của các địa phương, khi triển khai cũng rất ách tắc, nếu như địa phương mà bảo lãnh được thì chắc chắn ngân hàng sẽ cho vay. Trên thực tế, việc này vẫn còn khó khăn. Nếu chúng ta có chương trình tổng kết đánh giá Quỹ bảo lãnh ở Trung ương và địa phương có chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thì thực sự hiệu quả và thực sự tốt cho chương trình tài chính toàn diện.
Thống đốc cho rằng, vấn đề tài sản thế chấp của các khoản vay thì đều phải có tài khoản thế chấp. Đối với các nước thì họ thế chấp nhiều vì lý do thông tin doanh nghiệp của họ rất rõ ràng, kể cả thông tin đó về lưu lượng giao dịch hàng hoá như thế nào, lợi nhuận ra sao, tiền đóng thuế, tiền điện... Tất cả các việc đó họ đều có nghiên cứu, thực chất. Hiện cơ sở dữ liệu của chúng ta đang được Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, đặc biệt là kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư. Dân cư cũng là chủ doanh nghiệp. Tất cả những thông tin như thế này mà kết nối giữa các bộ, ngành thì có nhiều thông tin hơn.
Về Nghị định 101 thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ. Tuy nhiên, trong Nghị định 101 cần có một đại lý ngân hàng của các tỉnh. Trên thực tế, trong Nghị định này có quy định về đại lý thanh toán, hiện nay, các bộ, ngành còn hơi băn khoăn, NHNN sẽ theo sự chủ trì của Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện Nghị định.
Hiện nay, nói về tài chính toàn diện hay tăng trưởng bao trùm, chưa cụ thể, chưa nêu tên, trên thực tế, Đảng và Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng trong tất cả các chỉ đạo đều hướng đến người dân và ấm no hạnh phúc cho người dân. Tất cả chương trình như chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, chương trình an sinh xã hội vừa qua hay chương trình hỗ trợ Covid; Chương trình Chuyển đổi số ngành Ngân hàng hay tất cả các bộ, ngành khác đều phục vụ chủ trương của Chính phủ là để không ai bị bỏ lại phía sau.
NHNN sẽ tiếp thu những ý kiến và đặc biệt lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để Chiến lược tài chính toàn diện được triển khai hiệu quả; Phát triển lành mạnh hệ thống tài chính – ngân hàng nhằm tăng niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính; khẳng định vai trò và khuyến nghị các địa phương có quy hoạch cụ thể trong việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực, sự minh bạch của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện hoạt động của các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó giúp họ dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh.
Thống đốc cho rằng, để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược, trong bối cảnh phải bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì đà tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng nghị tất cả các bộ, ngành, cơ quan có liên quan, các địa phương trong cả nước nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, đồng thời tổ chức triển khai tốt hơn nữa các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược, có báo cáo định kỳ để Ban chỉ đạo có những chỉ đạo kịp thời.
6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược đều đã được các bộ, ngành tích cực triển khai
Phát biểu trước đó, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thành viên Ban chỉ đạo cho biết, sau hơn 2 năm Chiến lược được ban hành, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược đều đã được các bộ, ngành tích cực triển khai:
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại phiên họp
Một là, khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện không ngừng được hoàn thiện. Đến nay, các bộ, ngành đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành 01 Luật, 06 Nghị định, 05 Quyết định và trực tiếp ban hành nhiều Thông tư hướng dẫn tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng đầy đủ, đồng bộ cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện...
Hai là, các tổ chức cung ứng, kênh phân phối tiếp tục được phát triển. Đến nay, hệ thống các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính trên thị trường đã phát triển khá đa dạng, hiện diện tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 15,31 đơn vị; tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 32,13%; số lượng máy ATM bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 27,70 máy; số lượng máy POS bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 439,26 máy. Đến cuối năm 2021, giá trị thanh toán qua Internet tăng 48,76%; thanh toán qua điện thoại di động tăng 87,5%; thanh toán qua mã QR tăng 125,5%; thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 21,16%... so với cùng kỳ năm 2020...
Ba là, các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tích cực cải thiện. NHNN đã chỉ đạo các NHTM, tổ chức trung gian thanh toán tích cực đẩy mạnh cung ứng dịch vụ TTKDTM. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn.Phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hợp tác xã (HTX), hộ gia đình sản xuất kinh doanh...
Bốn là, cơ sở hạ tầng tài chính tiếp tục được hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng. NHNN tiếp tục đầu tư, nâng cấp các hệ thống thanh toán quan trọng như: Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng; Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính; Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (được vận hành chính thức từ tháng 7/2020)…
Năm là, giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã được quan tâm, tích cực triển khai. Các bộ, ngành (như Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN) đã triển khai các chương trình đào tạo để tăng cường kiến thức, kỹ năng tài chính cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện lồng ghép vào Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia các kiến thức về tài chính...
Sáu là, bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, một số các giải pháp khác đã được các bộ, cơ quan tích cực triển khai như: NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền về vai trò và ý nghĩa của tài chính toàn diện, nâng cao nhận thức xã hội về tài chính toàn diện. NHNN, Bộ Ngoại giao thúc đẩy hợp tác với các nước và đối tác quốc tế; tăng cường tham gia vào các chương trình, diễn đàn quốc tế, các khuôn khổ hợp tác quốc tế về tài chính toàn diện…
Phát biểu tại phiên họp Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu cho rằng, việc ban hành chiến lược tài chính toàn diện thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy tăng trưởng toàn diện hướng tới bền vững trong dài hạn, bảo đảm hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Chiến lược được ban hành nhằm giúp hệ thống tài chính Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo, giúp mọi người dân được thụ hưởng mọi thành quả của phát triển kinh tế. Mục đích cuối cùng là hướng đến người dân, bảo đảm cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ý kiến phát biểu tại phiên họp đã tập trung xem xét, đánh giá quá trình thực hiện Chiến lược thời gian qua, những việc đã làm được, chưa làm được; cập nhật tình hình mới để lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo để chính sách đi vào cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng.
NN
Ảnh: Nhật Bắc
Xem thêm: 418615VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www