Hơn 81.000 cây mắm trắng đã được trồng xuống các bãi bồi ở Sóc Trăng từ đóng góp của cộng đồng và sự chung tay của chính quyền, cộng đồng địa phương - Ảnh: QUỸ SỐNG
Đó là thành quả đầu tiên trong chặng đường được kỳ vọng sẽ kéo dài 70 năm của dự án trồng rừng cộng đồng mang tên Forest Symphony - Giao hưởng rừng xanh.
Sự kiện đấu giá "Be Resilient Together" đã kết thúc sau bốn phiên đấu giá với tổng số tiền thu được là 961.832.000 đồng, tương đương hơn 6.600 cây được trồng trong năm nay. Những thông báo "đổi tiền ra cây" như vậy đã quá quen thuộc với những người theo dõi dự án Giao hưởng rừng xanh do Quỹ Sống thực hiện.
Trồng rừng giữ nước, trồng rừng vững đất
Những chiến dịch gây quỹ cộng đồng của Quỹ Sống cho dự án Forest Symphony luôn rất cụ thể: gây quỹ trồng 41.000 cây thanh thất trên 33ha đất, gây quỹ trồng 35.400 cây mắm trắng trên 8,5ha rừng...
Dự án "đầu tay" của Forest Symphony là 4ha với 10.000 cây bần chua trên bãi bồi ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vào tháng 8-2019.
"Sóc Trăng là nơi có dự án Nhà chống lũ, một chương trình khác của Quỹ Sống. Nhà chống lũ hỗ trợ xây nhà an toàn cho người dân nhưng lúc đó rất nhiều đợt hạn mặn nặng nề xảy ra ở miền Tây. Câu hỏi là làm sao đảm bảo sự bền vững của cả ngôi làng khi mà biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và sinh kế của người dân ngày càng khó khăn.
Chúng tôi bắt đầu hướng đến những kết nối bền vững với thiên nhiên cho cả cộng đồng và bắt tay vào các hoạt động trồng rừng", chị Nguyễn Thị Thu Lành - giám đốc chương trình Hạnh phúc xanh của Quỹ Sống - cho biết.
Sau 4ha rừng bần đầu tiên, Quỹ Sống bắt đầu mở rộng hoạt động trồng rừng ra nhiều nơi, "bắt đầu từ những nơi mà chính quyền địa phương cũng có cùng mối quan tâm với việc trồng rừng".
Năm 2021, Quỹ Sống đã tổ chức hai đợt gây quỹ cho hai dự án: trồng 35.400 cây mắm trên 8,5ha bãi bồi ở xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và 41.000 cây thanh thất ở núi đá Ninh Thuận, nơi được gọi tên là "tiểu sa mạc" bởi luôn thiếu nước.
Ở mỗi địa phương, chiến dịch lại mang tên gọi khác nhau: "Trồng rừng giữ nước" ở Ninh Thuận và "Trồng rừng vững đất" ở Sóc Trăng.
Tháng 8 - mùa của những cơn mưa cũng là mùa trồng rừng. "Mùa trồng rừng đã đến rồi. Chúng tôi đang gây quỹ giai đoạn 2 cho Forest Symphony ở cả Sóc Trăng và Ninh Thuận", chị Lành chia sẻ.
Năm 2022, dự án dự kiến sẽ trồng mới 50ha rừng thanh thất tại vùng Thuận Nam và Tân Giang (Ninh Thuận) cho đến tháng 11-2022 và 10ha bãi bồi với khoảng 44.000 cây mắm tại Vĩnh Châu, Sóc Trăng.
Những cây mắm đã bám rễ khá chắc ở vùng trồng đầu tiên sau một năm trồng xuống - Ảnh: QUỸ SỐNG
Trồng một khu rừng mất bao lâu?
Mỗi một cây trồng xuống là công sức của rất nhiều người, không chỉ của hàng ngàn người đã tham gia đóng góp từng cây cho dự án mà còn là sự kiên trì, tận tâm của những người dân địa phương, những cán bộ địa phương đã trồng rừng, chăm cây mỗi ngày.
"Từ lúc trồng xuống đến lúc cây bám rễ chắc, tự lớn được phải chừng ba năm. Suốt thời gian đó thì phải chằng néo cây thường xuyên với cọc gỗ để cây không bị sóng đánh trôi", chú Kim Nạng (55 tuổi) - một trong những người dân đang tham gia dự án trồng rừng tại Sóc Trăng - cho biết.
12 tháng trong năm với bao nhiêu trận gió mạnh, mưa bão, nước cao... chú Nạng, chú Túp cùng với cán bộ địa bàn của Quỹ Sống ngày ngày ra bãi trồng để trông nom những cây mắm con.
Nhờ bao công sức, đến nay 35.000 cây mắm trắng trồng ở lô đầu tiên đã kiên cường bám rễ, lấn biển, nhiều cây đã cao 1,5m, thậm chí có cây đã "nhổ giò" cao 1,8m.
Còn tại vùng "tiểu sa mạc" nắng cháy Ninh Thuận, công đoạn vất vả nhất của việc trồng rừng trên núi đá là phải gùi cây non trong những chiếc gùi nhỏ. Dốc cao, đất cứng, đá tảng khắp nơi - không thể dùng máy móc cơ giới, mọi hoạt động từ gùi cây - đào hố - trồng rừng đều được làm từ công sức vất vả của bà con người Chăm và Raglai.
Một năm qua kể từ khi những cây thanh thất được trồng xuống, những người trồng rừng, những cán bộ dự án Hạnh phúc xanh cùng với các kỹ thuật viên thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam đã hồi hộp theo dõi cây qua mùa khô hạn khắc nghiệt đầu tiên.
Kết quả là 41.000 cây thanh thất được trồng từ tháng mùa mưa năm ngoái đã "trụ hạn" thành công, bám rễ và xanh tốt trên vùng núi đá.
Sứ mệnh xanh
Forest Symphony là một hợp phần của dự án Hạnh phúc xanh gồm hai hợp phần Cây rừng và Cây đô thị do Quỹ Sống điều hành được khởi động từ năm 2018. Hạnh phúc xanh thúc đẩy việc trồng cây, tăng mật độ cây xanh ở đô thị, trồng mới và phục hồi rừng.
Hạnh phúc xanh được thực hiện theo phương thức chung tay, xây dựng và duy trì mối quan hệ bền vững, tạo ra tác động bền vững giữa dự án với người hưởng lợi và các bên liên quan (như chính quyền địa phương, nhà tài trợ, tình nguyện viên).
Đồng hành với Quỹ Sống hai năm qua, TS Nguyễn Ngọc Huy - phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Quỹ Sống - cho biết đây cũng là lý do ông quyết định đồng hành với dự án.
"Việc phục hồi những cánh rừng đã mất là một tiền đề quan trọng cho mục tiêu vá lành những vết thương của tự nhiên và đẩy nhanh tiến trình tự hồi của thiên nhiên. Nhưng với mỗi cây được trồng xuống từ sự chung tay đóng góp của cộng đồng, dự án cũng tác động đến nhận thức của mọi người về tinh thần lấy thiên nhiên làm trung tâm, từ đó có thể tạo ra những thay đổi lớn hơn trong tương lai", ông Huy chia sẻ.
TTO - Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững và Đại sứ quán New Zealand công bố khoản đóng góp trị giá 800 triệu đồng (48.000 NZD) từ New Zealand cho dự án “Giao hưởng rừng xanh” tại Ninh Thuận.
Xem thêm: mth.49815313281802202-hnax-gnur-gnouh-oaig-oav-aoh-gnuc-gnur-gnort-ed-gnod-gnoc-yuq-yag/nv.ertiout