Các em học sinh tại Bến Tre theo dõi một buổi biểu diễn nghệ thuật múa rối nước tại TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Khi kịch đến phút cao trào, nhiều bé còn chạy lại gần sân khấu để xem cho thật kỹ.
Khoảng vài tháng gần đây, cứ mỗi lần có rối nước là hai đứa con gái của chị Lê Kim Nhu (ngụ TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) lại đòi xem bằng được. Chị Nhu cho biết mấy năm trước con gái lớn của chị tình cờ được xem một buổi biểu diễn múa rối nước ở TP.HCM nên sau đó cứ nhắc hoài.
Vì loại hình nghệ thuật này không phổ biến ở các tỉnh miền Tây nên dù lân la dò hỏi khắp nơi nhưng chưa có dịp để đưa con đi xem lần thứ hai.
Hay như bé Dạ Ly (8 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, Bến Tre) thì xem rối nước với bé là những giây phút thật mê tít: "Con mê quân rối đàn vịt quá. Nhìn mấy chú vịt bơi rất dễ thương".
Cha của bé Dạ Ly, anh Nguyễn Quốc Hùng, kể cách đây hơn 10 năm, lúc còn học đại học ở TP.HCM, anh lần đầu được xem diễn rối nước trong một lần tham gia ngoại khóa, kể từ đó anh mê mẩn loại hình nghệ thuật này.
"Lúc có con đến giờ, tôi vẫn mong sao có dịp để cho con đi xem diễn múa rối nước một lần. Giờ đoàn múa rối ở tỉnh được thành lập, tôi mừng quá", anh Hùng nói.
Cô Khổng Thị Phương Thùy - tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Bến Tre - cho biết trong dịp hè năm nay trường đã tổ chức cho 1.700 em học sinh xem biểu diễn múa rối nước tại trường theo 5 đợt.
"Mùa hè năm nay, nhiều trường học đã ký hợp đồng với Đoàn nghệ thuật múa rối nước Dừa Xanh về biểu diễn cho các em học sinh xem. Hầu hết các trường sau khi xem đều rất hài lòng và đặt hàng thêm vở mới" - anh Phạm Tấn Vũ, người trực tiếp quản lý đoàn, cho biết.
Theo anh Vũ, ý tưởng thành lập đoàn múa rối nước có từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện để làm nên mãi đến những năm gần đây anh Vũ cùng nhóm bạn mới bắt tay làm và chính thức ra mắt trong đợt lễ kỷ niệm 200 ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Hiện đoàn có gần 10 thành viên (hầu hết xuất thân từ diễn viên múa) luyện tập theo sự hướng dẫn của nghệ nhân Tiến Hòa. Ngoài việc luyện tập hoàn chỉnh các tiết mục, đoàn đang hướng đến xây dựng các tiểu phẩm mang nét riêng của Bến Tre như cuộc đời nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, câu chuyện về Đoàn tàu không số cùng những câu chuyện thiếu nhi…
Cùng đón Trung thu với rối
Nhà hát múa rối Thăng Long (Hà Nội) vừa ra mắt chương trình nghệ thuật tổng hợp giữa rối cạn, rối nước và diễn xuất của diễn viên trên sân khấu cùng con rối dành riêng cho khán giả nhỏ tuổi dịp Tết Trung thu sắp tới mang tên Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng.
Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long Thanh Hiền cho biết đây là chương trình đánh dấu sự trở lại tưng bừng của sân khấu nhà hát sau gần hai năm đóng băng vì COVID-19, là món quà đặc biệt nhà hát dành tặng riêng cho thiếu nhi.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Hiền cho biết dịch COVID-19 khiến nhà hát không thể đón khách quốc tế. Nhà hát đã xây dựng kịch mục, chương trình phù hợp với thị hiếu khách trong nước và tăng cường quảng bá tới đối tượng khách trong nước.
Kết quả là lượng khách trong nước đến với nhà hát múa rối này tăng rất nhanh. Đến nay, khi khách quốc tế vào Việt Nam chưa nhiều thì nhà hát là một trong những nhà hát diễn nhiều nhất trong cả nước với 2 suất diễn cho các ngày trong tuần và 3 ngày cuối tuần (thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật) có 3 suất diễn.
Là đạo diễn vở Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng, ông Đức Hùng - phó giám đốc nhà hát - hứa hẹn đây sẽ là một chương trình xinh xắn dành cho các em đầy sắc màu Trung thu khi lồng ghép các trò chơi truyền thống dịp Tết Trung thu như rước đèn, múa sư tử, múa lân, múa rồng, múa trống cơm, múa rối tay.
Bên cạnh phần âm nhạc truyền thống, những biên tập âm nhạc Gen Z phối hợp với nghệ sĩ của nhà hát chọn ra những bản hit đánh trúng thị hiếu khán giả nhí hiện nay.
Cuộc chu du của chú Cuội và chị Hằng dự kiến được nhà hát đưa tới nhiều tỉnh thành khác sau khi khuấy đảo sân khấu thủ đô.
T.ĐIỂU
TTO - Trong 4 ngày 12, 13, 14 và 16-4, các em học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) đã có những buổi xem và tìm hiểu biểu diễn múa rối nước ngay tại sân trường.
Xem thêm: mth.64141119091802202-aud-ux-o-coun-ior-aum-hnis-ioh/nv.ertiout