Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn vay
Ngày 18/8, hội nghị kết nối các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Tp.HCM do Sở Du lịch cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tp.HCM được tổ chức sổi nổi.
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Khoa Luân, Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt cho biết, trong điều kiện cần nguồn lực để tái khởi động, các doanh nghiệp du lịch gặp rất nhiều khó khăn khi tới ngân hàng xin vay vốn.
“Một số ngân hàng báo hết room tín dụng, số khác thì lãi cao hoặc điều kiện ràng buộc quá nhiều. Qua 2 năm dịch bệnh, ngành du lịch tê liệt, việc yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh có lãi mới được hưởng chính sách ưu đãi gần như là điều không thể”, ông Luân nói.
Cùng nhận định, bà Phạm Phương Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du Lịch Việt đánh giá, ngành du lịch đang đứng trước cơ hội trỗi dậy sau 2 năm ngủ đông, cần thiết được tiếp cận các gói tín dụng.
Doanh nghiệp đi vay đương nhiên phải đáp ứng đủ điều kiện tín dụng. Thế nhưng, ngành du lịch đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên việc chứng minh năng lực tài chính, dòng tiền thì doanh nghiệp sẵn sàng nhưng yêu cầu có tài sản thế chấp lại vô cùng khó khăn.
"Dòng tiền của chúng tôi hiện đang rất tốt nhưng gần như vẫn không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Hai năm qua, tôi phải thế chấp tài sản cá nhân, vay gói cá nhân để gồng gánh cho doanh nghiệp. Về cơ bản thì các doanh nghiệp du lịch giờ vẫn phải tự mình tìm cách cứu mình, không thể trông chờ vào các chính sách ưu đãi", bà Phương Anh bộc bạch.
Hỗ trợ tối đa nhưng phải đúng quy định
Trả lời các doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tp.HCM cho biết, gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ đã yêu cầu rõ khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải thông qua các hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.
“Nhóm ngành du lịch thuộc đối tượng cho vay nhưng yếu tố tiên quyết là phải đủ điều kiện vay vốn, được ngân hàng thương mại phê duyệt cho vay. Dù đúng đối tượng nhưng không đủ điều kiện tín dụng thì vẫn không được cho vay”, ông Lệnh chỉ ra.
Liên quan đến khả năng vay tín chấp, ông Lệnh khẳng định, nguyên tắc của ngành ngân hàng là cho vay phải có hoàn trả. Người vay vốn phải có nghĩa vụ hoàn trả cả nợ gốc và lãi.
Dựa theo nguyên tắc trên thì cho vay tín chấp còn khó hơn cho vay có tài sản đảm bảo vì ngân hàng sẽ phải đánh giá khả năng chi trả, kết quả tài chính, sổ sách kế toán minh bạch công khai và gần như các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh cực tốt mới có khả năng được cấp vốn vay tín chấp.
"Hiện nay, Chính phủ đang duy trì quỹ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chủ trương chung là sẽ nâng cao quỹ bảo lãnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Ngân hàng trên cơ sở tiếp cận với doanh nghiệp sẽ có tư vấn, giải pháp tháo gỡ cụ thể", ông Lệnh cho hay.
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Tp.HCM, mặc dù ngành du lịch đã ghi nhận nhiều tín hiệu phục hồi tốt nhưng lượng khách quốc tế vốn là nguồn khách đem lại doanh thu lớn vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tình hình chính trị thế giới chưa ổn định, lạm phát kinh tế toàn cầu tăng cao... thì còn nguyên nhân chủ quan là doanh nghiệp du lịch khó khăn tiếp cận vốn vay để tái khởi động, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành vì không có tài sản thế chấp.
"Thông qua các buổi trao đổi, gặp gỡ, Sở Du lịch Tp.HCM cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tp.HCM sẽ ghi nhận phản ánh, khó khăn của doanh nghiệp. Qua đó, sẽ có xuất các giải pháp để các doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhanh chóng phục hồi và phát triển", bà Hiếu nói.