Lãi suất cơ bản tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện là 13%, giảm so với mức 14% được duy trì suốt 7 tháng qua. Động thái này hoàn toàn ngược lại so với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới. Lạm phát tháng 7 tại nước này là 79,6%.
Sau thông tin này, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giảm 0,9% so với USD, hiện giao dịch ở mức hơn 18,1 lira một USD – gần mức thấp kỷ lục. Thời điểm này cách đây 5 năm, một USD chỉ đổi được 3,5 lira.
"Đây đúng là một động thái ngớ ngẩn", Timothy Ash – chiến lược gia các thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management bình luận, "Thật điên rồ khi lạm phát 80%, vẫn đang tăng lên, mà ngân hàng trung ương vẫn giảm lãi tới 100 điểm cơ bản".
Trước đó, giới phân tích dự báo cơ quan này sẽ giữ nguyên lãi suất. Vì vậy, động thái này khiến tất cả các thị trường ngạc nhiên. Thông báo của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cho biết họ kỳ vọng "quá trình lạm phát hạ nhiệt sắp bắt đầu" và có nhiều tín hiệu cho thấy "hoạt động kinh tế đang mất đà".
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào khủng hoảng do cuộc thử nghiệm chính sách kinh tế của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan năm ngoái. Tháng 9/2021, ông yêu cầu Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất, thay vì nâng, khi giá cả đang tăng tốc.
Lãi suất thấp có thể thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cũng sẽ kéo giá cả lên cao nhờ kích cầu. Dù vậy, ông Erdogan liên tục trấn an người dân, yêu cầu họ "kiên nhẫn" và cam kết giá cả sẽ giảm trở lại trong năm sau. Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ hiện dự báo lạm phát về 40% trong tháng 7/2023 – thời điểm ông đối mặt với cuộc bầu cử đầy thách thức.
Erdogan cũng vẫn bảo vệ chính sách tiền tệ của mình, khẳng định giảm lãi sẽ kéo lạm phát xuống và tăng xuất khẩu. Ông cho rằng các vấn đề kinh tế của họ là do tác động từ bên ngoài.
Giới phân tích cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn đối mặt với nhiều rắc rối hơn trong tương lai. Capital Economics cảnh báo động thái hôm qua có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ nữa tại đây.
Hà Thu (theo CNBC, Bloomberg)