Trung Quốc đang trải qua tình trạng nắng nóng tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua, với nhiệt độ vượt ngưỡng 40oC ở hơn 100 thành phố và 70 thành phố ghi nhận tình trạng hạn hán.
Điều này đang đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã phải vật lộn với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và thị trường bất động sản lao dốc.
Theo CNN, thời tiết cực đoan đang khiến tình hình tại Trung Quốc trở nên phức tạp khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, còn hạn hán khiến nước sông cạn kiệt, làm giảm sản lượng của nhiều nhà máy thủy điện.
Tình hình thiếu hụt điện trầm trọng đang đe dọa hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở nhiều trung tâm sản xuất lớn của Trung Quốc. Các nhà máy của Toyota, Panasonic đã phải ngừng hoạt động một phần trong khi Tesla phải lên tiếng kêu gọi giới chức Thượng Hải hỗ trợ đảm bảo nguồn cung điện.
Trung Quốc đang trải qua tình trạng nắng nóng tồi tệ nhất trong 60 năm qua. (Ảnh: Xinhua)
"Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất. Chúng ta đã thấy sự giảm tốc trong các ngành thép, hóa chất và phân bón vốn đóng vai trò rất quan trọng đối với hoạt động xây dựng, nông nghiệp và sản xuất nói chung. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu", bà Dan Wang, chuyên gia kinh tế trưởng, ngân hàng Hang Seng, đánh giá.
Nắng nóng gay gắt cũng khiến nhiều vùng nông nghiệp ở Trung Quốc mất mùa, làm tăng thêm áp lực lạm phát trong nước. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá rau tươi trong tháng 7 đã tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhiều loại thực phẩm khác cũng tăng mạnh.
"Dịch bệnh trong nước đang lây lan tại nhiều nơi, cùng với thời tiết nắng nóng, thiên tai đang khiến việc đảm bảo cho nền kinh tế vận hành trơn tru trở nên khó khăn hơn", ông Fu Linghui, Phát ngôn viên Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nhận định.
Nắng nóng và tình trạng thiếu điện là một trong những nguyên nhân chính buộc các tổ chức tài chính lớn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2022.
Theo Goldman Sachs, kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 3%, trong khi Nomura đưa ra con số 2,8% - thấp hơn đáng kể so với mức 3,3% trong dự báo đưa ra trước đó.
Chuyên gia của Hang Seng cũng ước tính, tình trạng thiếu hụt điện sẽ làm giảm khoảng 1,5% GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm nay.
Những rủi ro này sẽ không chỉ đe dọa riêng nền kinh tế Trung Quốc. Đợt nắng nóng khiến nhiều công ty phải ngừng hoạt động này có thể để lại những tác động tiêu cực với chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó khiến nhiều mặt hàng tăng giá, dẫn tới lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
VTV.vn - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường yêu cầu 6 tỉnh chiếm khoảng 40% GDP của nước này đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.78823206191802202-couq-gnurt-et-hnik-aod-ed-cul-yk-gnon-gnan/et-hnik/nv.vtv