Ngày 19-8, trong khuôn khổ Hội chợ - Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP HCM lần thứ 8, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Sở NN-PTNT TP HCM, Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM tổ chức hội thảo "Tư duy kinh tế nông nghiệp trong sản xuất và thương mại giống cây trồng".
Quan trọng nhất là giống
Theo ThS Trần Xuân Định, nguyên Cục phó Cục Trồng trọt, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), kinh nghiệm làm nông xa xưa là "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" nhưng ngày nay, giống trở thành vị trí số 1 của chuỗi sản xuất nông sản. Ngành giống cây trồng của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đối với các sản phẩm chủ lực như lúa, bắp, cao su, cà phê..., giúp tăng năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân sử dụng giống mới.
"Tuy nhiên, khâu yếu nhất của ngành hàng hạt giống Việt Nam đó là giống rau, hoa. Chúng ta phải nhập khẩu khoảng 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD/năm, mặc dù vùng núi cao phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng... có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới" - ông Định nhấn mạnh. Nguyên nhân là do các chương trình, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống chủ yếu tập trung vào nhóm cây lương thực truyền thống trong khi nhóm cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, rau và hoa chưa được quan tâm đúng mức. Các kết quả nghiên cứu về giống rau, hoa còn ít; công nghệ sản xuất hạt giống còn yếu kém, lợi thế cạnh tranh thấp.
Giới thiệu một số giống rau, quả, hoa tại Hội chợ - Triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP HCM
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn (TP HCM) - chuyên trồng dưa lưới, cho biết trước đây phải dùng giống nhập khẩu hoàn toàn. "Khi ấy, doanh nghiệp (DN) phải tự thử nghiệm xem giống nào phù hợp còn hiện nay thì dễ dàng hơn. Gần đây, một số đơn vị trong nước cung cấp được giống dưa lưới chất lượng tốt, giá chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/hạt trong khi giống nhập khẩu giá từ 2.000 - 5.000 đồng/hạt" - ông Nhân nói.
Trong khi đó, đại diện một DN sản xuất giống cây trồng lớn tại TP HCM cho rằng để nghiên cứu phát triển một giống rau và hoa mới rất tốn kém nhưng đầu ra rủi ro. "Ngành rau và hoa chưa tạo được giá trị gia tăng đủ để bù đắp chi phí nghiên cứu giống nên phần lớn DN trong ngành chọn con đường đơn giản là nhập khẩu và phân phối hạt giống nước ngoài" - đại diện DN này lý giải.
TP HCM nên lập khu sản xuất giống cây trồng công nghệ cao
Theo TS Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, thị trường Việt Nam đang trồng khoảng 15 giống dưa lưới nhưng giống trong nước sản xuất chỉ có vài loại. "Nhiều giống nhập khẩu tốt nhưng lại không phù hợp với điều kiện Việt Nam, sinh trưởng kém, năng suất thấp nên phải trồng thử nghiệm, chọn tạo các giống phù hợp. Chúng tôi đã tạo được 10 giống triển vọng, trong đó có 4 giống lai đã được Cục Trồng trọt công nhận giống mới và đưa vào thương mại. Giống thành công có thể kể đến dưa lưới BCH231, BCH268 có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, rất dễ đậu quả, năng suất cao, giòn và ngọt, thịt quả màu cam, lưới dày, hiện giống đang được trồng rộng rãi ở Nam Bộ" - TS Loan chia sẻ. Theo TS Loan, ngoài dưa lưới, đơn vị còn có nhiều giống hoa, rau quả, cây dược liệu… đã nghiên cứu thành công có thể chuyển giao sản xuất nên cần hợp tác với các DN, HTX để đưa các giống mới ra thị trường.
PGS-TS Dương Hoa Xô, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật TP HCM, cho rằng với vai trò là trung tâm khoa học kỹ thuật, TP HCM có lợi thế trong việc nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi cung cấp cho thị trường khu vực. "Để TP HCM trở thành trung tâm giống của khu vực cần tập trung nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng thuộc thế mạnh của mình như rau, hoa kiểng, dược liệu. Cần ưu tiên triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực khoa học, cán bộ trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất giống, không chỉ cho cơ quan nghiên cứu khoa học của TP HCM mà cả cho các DN trong lĩnh vực này" - PGS-TS Xô nhấn mạnh.
PGS-TS Dương Hoa Xô đề xuất TP HCM đầu tư một khu sản xuất giống cây trồng công nghệ cao từ 100 - 200 ha từ quỹ đất công của thành phố tại huyện Củ Chi. "Việc mời gọi khuyến khích các DN sản xuất giống cây trồng đầu tư vào khu này cần thiết với thủ tục đơn giản và có chính sách ưu tiên về vay vốn và thuế. Chức năng của khu sản xuất này là sản xuất giống cây trồng, chỉ đầu tư hạ tầng tối thiểu còn hệ thống nhà kho, hệ thống tưới, nhà màng, nhà lưới do DN tự đầu tư để phục vụ công tác sản xuất giống đầu dòng, giống bố mẹ, giống lai F1 với các giống rau, hoa có giá trị. Khu sản xuất này sẽ là nơi tiếp nhận các kết quả nghiên cứu về giống của các đơn vị như Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao hay các đơn vị khác để triển khai sản xuất giống thương phẩm cũng như chế biến, bảo quản hạt giống. "Nếu hình thành khu sản xuất giống công nghệ cao và có sự đầu tư ban đầu, hỗ trợ của TP HCM sẽ thu hút các DN sản xuất giống quy tụ về. Đây đồng thời sẽ là nơi trung chuyển và ươm giống các loại cây ăn trái, cây kiểng phục vụ cho miền Đông và Tây Nam Bộ" - PGS-TS Dương Hoa Xô diễn giải.
Xuất khẩu ít ỏi
Theo Sở NN-PTNT TP HCM, năm 2021, toàn thành phố có 25 đơn vị sản xuất - kinh doanh giống cây trồng. Trong giai đoạn 2016 - 2020, lượng hạt giống các loại sản xuất là hơn 173.500 tấn, nhập khẩu là 18.085, tấn, xuất khẩu là 2.157 tấn. Ngoài ra, trên địa bàn có 20 đơn vị triển khai nuôi cấy mô thực vật, cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm (chủ yếu là các giống lan) để phục vụ mở rộng sản xuất hoa kiểng trên địa bàn thành phố và các tỉnh.
Xem thêm: mth.24395320291802202-oac-ehgn-gnoc-gnort-yac-gnoig-mat-gnurt-al-es-mch-pt/et-hnik/nv.moc.dln