Cuộc biểu tình “tang lễ” cho tiền lương ở Buenos Aires, thủ đô của Argentina ngày 19-8 - Ảnh: REUTERS
Tại quốc gia có tỉ lệ lạm phát hàng đầu thế giới này, các cuộc biểu tình đã diễn ra hằng tuần, trong nhiều tháng qua để yêu cầu chính phủ tăng lương, tăng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trước tình trạng giá cả tăng và đồng peso suy yếu.
Giá tăng từng tuần
Kinh tế không phải là đề tài để mở đầu câu chuyện ở bất cứ đâu nhưng ở Argentina thì khác. Chủ đề này gợi ra những lời nguyền rủa, những tiếng thở dài... vì người dân nước này đã sống chung với lạm phát cao ít nhất từ những năm 1980.
Lạm phát ở Argentina trong năm 2022 càng tồi tệ hơn do ảnh hưởng từ các nguyên nhân khiến giá cả tăng trên toàn thế giới như chiến sự ở Ukraine, ách tắc trong chuỗi cung ứng và sự gia tăng trong chi tiêu công.
Đầu tháng 8-2022, chị Ana Mabel - người bán kẹo đậu phộng ở thủ đô Buenos Aires - bán một túi kẹo giá 200 peso (khoảng 70 cent Mỹ). Tuần trước đó, giá một túi kẹo như vậy là 150 peso. Theo báo New York Times, mức giá mới hầu như không đủ để Ana bù chi phí. Mọi thứ chị cần, từ đậu phộng đến đường, gas, túi nilông đựng kẹo... đã tăng giá liên tiếp. Lần đầu tiên, người mẹ 5 con phải đi vay nợ.
Những nỗ lực kiềm chế lạm phát trong nhiều năm qua của chính quyền Argentina đã không có tác dụng. Tháng 7-2022, tỉ lệ lạm phát ở Argentina là 71%, mức cao nhất trong 20 năm qua. Các chuyên gia kinh tế dự báo đến cuối năm nay lạm phát sẽ là 90,2%.
Bà Melisa Gargarello - đại diện của Mặt trận các tổ chức đấu tranh (FOL), đơn vị tổ chức "tang lễ cho tiền lương tối thiểu" ngày 19-8 - cho biết: "Hoàn cảnh của người lao động thật tồi tệ. Chưa được nửa tháng, tiền lương đã hết vèo".
Mức lương tối thiểu hằng tháng chính thức của Argentina là 45.540 peso (khoảng 334 USD). Trong khi đó, theo Viện thống kê quốc gia INDEC của nước này, giỏ thực phẩm cơ bản cho một gia đình có 2 người lớn và 2 trẻ em là 111.298 peso (817 USD). Trong vòng một năm qua, tiền lương và tiền công của nhiều ngành nghề đã tăng 50% nhưng giá thuê nhà, giá hàng hóa tăng chóng mặt đã buộc người dân Argentina sống trong một vòng xoáy không hồi kết của lạm phát.
Mất niềm tin vào nội tệ
Nhiều nhà kinh tế tin rằng tình trạng lạm phát của Argentina phần lớn là do tự nước này gây ra. Argentina chi nhiều cho y tế, giáo dục, năng lượng và giao thông công cộng miễn phí hoặc trợ giá nên bị thâm hụt ngân sách nghiêm trọng. Để bù đắp, chính phủ cho in thêm tiền nhưng việc này lại càng khiến đồng peso lao dốc.
Ông Damian Di Pace, nhà kinh tế Argentina, cho biết thách thức lớn nhất lúc này là không để lạm phát lên đến 3 con số vào cuối năm nay. Theo đó, Argentina cần cắt giảm thâm hụt ngân sách, rút bớt tiền khỏi nền kinh tế và tăng lãi suất để khuyến khích tiết kiệm bằng đồng peso.
Ngân hàng Trung ương Argentina đã liên tiếp cho tăng lãi suất, mức mới nhất trong tháng 7 là 69,5%. Tuy nhiên dù lãi suất cao người dân vẫn chọn tránh xa nội tệ. Theo trang al Jazeera, kinh nghiệm của người Argentina là hãy tiêu đồng peso nhanh nhất có thể trước khi nó mất giá hơn. Họ dùng peso để mua thực phẩm hoặc đổi sang USD, ngay cả với tỉ giá chợ đen. Cách đây 1 năm, 180 peso đổi được 1 USD theo giá chợ đen, nay thì cần đến 298 peso.
Ngay cả với người nghèo chỉ đủ tiền mua thực phẩm, họ cũng tránh dùng đồng peso. Thay vào đó người ta trao đổi đồ trực tiếp với nhau. Ở Villa Fiorito, cách trung tâm Buenos Aires khoảng 15km, mỗi chiều nhiều phụ nữ bày các giỏ đồ chơi trẻ em, quần áo cũ để đổi lấy thực phẩm, sữa. Vì lý do an toàn, ban tổ chức chỉ cho phép phụ nữ tham gia trao đổi hàng.
Có mặt tại đây, chị Bustos cho biết mình hiện đang thất nghiệp và được trợ cấp khoảng 255 USD mỗi tháng nhưng chị phải giật gấu vá vai với số tiền này.
Lạm phát tăng mạnh tại nhiều quốc gia trong năm 2022
Những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng lạm phát ở các nước trong năm 2022 là giá xăng dầu tăng do ảnh hưởng chiến tranh Nga - Ukraine, từ đó kéo theo sự tăng giá của hầu hết các mặt hàng thiết yếu và dịch vụ.
* Tháng 7-2022, lạm phát tại Anh lập kỷ lục mới trong 40 năm, lên 10,1%. Nhóm tăng giá mạnh nhất là thực phẩm, chủ yếu là bánh mì, ngũ cốc, sữa, phô mai và trứng.
* Lạm phát tháng 7-2022 của khu vực đồng euro cũng lập kỷ lục mới với 8,9%, theo Cơ quan Thống kê châu Âu.
* Lạm phát của Mỹ cũng lên mức cao nhất trong 40 năm hồi tháng 6-2022 và hạ nhiệt trong tháng 7. Do lạm phát, người có thu nhập trung bình và khá cũng tăng cường mua sắm tại Walmart, nơi mua sắm yêu thích của người có ngân sách hạn chế.
Chính phủ Argentina đã quyết định kéo dài thêm ba tháng chương trình 'đóng băng' giá các mặt hàng thiết yếu nhằm giảm thiểu tình trạng lạm phát đã ở mức cao.
Xem thêm: mth.63435703202802202-anitnegra-o-gnoul-neit-ohc-el-gnat/nv.ertiout