Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận tuần tăng điểm thứ sáu liên tiếp. Dù vậy, mức tăng của tuần tương đối thấp. Đặc biệt, thanh khoản trong tuần qua cũng suy giảm tuần thứ hai liên tiếp, phần nào đó đã thể hiện việc dòng tiền đang có sự thận trọng hơn ở vùng giá hiện tại.
Tuần giao dịch vừa rồi (15/8-19/8) thực sự tương đối khó khăn với thị trường chung, khi mà các chỉ số thị trường đều đã tiến vào các vùng kháng cự, khiến cho áp lực bán luôn thường trực để thu hẹp lại mức tăng của các chỉ số.
Một mã trên sàn UPCoM tăng 93%
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 6,85 điểm, tương ứng 0,54% lên 1.269,18 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 0,5% so với tuần trước lên 78.293 tỷ đồng, khối lượng cổ phiếu giảm 7,5%. Thị trường có thêm một tuần tăng điểm nhẹ, nhưng thanh khoản vẫn rất cầm chừng do sự thận trọng của nhà đầu tư.
Chỉ số HNX-Index giảm 5,48 điểm, tương ứng 1,81%, xuống 297,94 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 19,3% so với tuần trước xuống 7.943 tỷ đồng, khối lượng giảm 21,4% xuống 407 triệu cổ phiếu.
Nhóm cổ phiếu tiêu dùng nằm trong các mã tác động tích cực nhất tuần qua. Kết tuần, VNM có thêm 3,1%, SAB có thêm 7,1%, MSN có thêm 4,5%...
Theo ngay sau là nhóm cổ phiếu năng lượng với PVD có thêm 4,8%, PVS có thêm 3,1%, CNG có thêm 5%, PVB có thêm 1,9%, PGC có thêm 6%, còn các cổ phiếu lớn như GAS có thêm 1,05%, PLX cũng có thêm 1,8% lúc kết tuần.
Tại nhóm cổ phiếu "vua", diễn biến phân hóa vẫn tiếp tục với 13/27 mã tăng giá và 14 mã giảm. VPB là mã tăng mạnh nhất toàn ngành với mức 4,5%. Riêng trong phiên cuối tuần, cổ phiếu này đã tăng tới 4%, sau thông tin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho VPBank tăng vốn điều lệ từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng. Xếp sau đó là SHB và HDB với mức tăng lần lượt là 3,7% và 3,3%. Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh nhất tuần qua là NVB với mức giảm 9,1%.
Các nhóm ngành còn lại đều có mức tăng nhẹ, có thể kể đến như tiện ích cộng đồng, dược phẩm và y tế, dịch vụ tiêu dùng, công nghiệp, công nghệ thông tin...
Tựu trung, không có nhóm mã nào thực sự đóng vai trò dẫn dắt chỉ số chung mà đà tăng của thị trường chủ yếu là nhờ các cổ phiếu riêng lẻ.
Trên sàn HoSE, cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh có tuần khởi sắc với 4 trên 5 phiên đều đóng cửa ở mức giá trần, thanh khoản duy trì 50.000-60.000 đơn vị khớp lệnh/phiên. Sau một tuần, mã này có thêm 38%. Một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng riêng lẻ nhận dòng tiền tích cực và có tuần tăng tốt như NHA, CTD, HDC, CKG, CTR… dù gần đây hầu như không có thông tin mới nào đáng kể.
Ở chiều ngược lại, HAI và FLC bị bán mạnh sau khi vào ngày 16/8, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) đã có công văn gửi FLC và HAI về việc sẽ thực hiện xử lý đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu của hai công ty này. Trong đó, HAI mất 16% sau một tuần, là mã có thị giá rớt mạnh nhất sàn HoSE tuần qua.
Cổ phiếu MCG bị bán chốt lời sau khi tuần trước lọt vào top các mã tăng cao nhất. Tuần trước, MCG tăng 13,94%. Tương tự là TGG là cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE tuần trước với mức tăng 24,55% thì sang đến tuần này cũng bị bán mạnh. MCG kết tuần giảm 15,24% còn TGG cũng "bốc hơi" 10%.
Trên sàn HNX, cổ phiếu SCI có tuần vượt trội với chỉ duy nhất phiên 16/8 đứng tham chiếu, còn lại đều tăng, với hai phiên tăng kịch trần. Thanh khoản có sự gia tăng đáng kể so với tuần trước đó. Mã này tăng 27,48% sau một tuần và là mã có biên độ tăng lớn nhất HNX.
Đáng chú ý nhất phải kể đến sàn có biên độ giao dịch lớn như UPCoM, CFV của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi có hiệu suất cao nhất toàn thị trường với mức tăng 93% sau một tuần, song thanh khoản mã này trên thị trường cũng chỉ ở mức thấp.
Khối ngoại mua ròng mạnh trở lại
Thống kê trên sàn HoSE cho thấy khối ngoại đã thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Cụ thể, tuần qua khối ngoại đã mua ròng 25,1 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng hơn 555,8 tỷ đồng, trong khi tuần trước chỉ mua ròng 7,72 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng đạt 93,87 tỷ đồng.
Trên sàn giao dịch chứng khoán HNX, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 2 phiên mua và 3 phiên bán ròng. Trong đó, khối ngoại đã bán ròng 2,4 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng hơn 47,4 tỷ đồng. Tuần trước đó, khối ngoại mua ròng 5,13 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng 101,28 tỷ đồng.
Còn trên thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài thực hiện 4 phiên bán ròng và một phiên mua ròng duy nhất ngày cuối tuần 19/8. Theo đó, khối ngoại đã quay ra bán ròng 3,69 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng hơn 90,2 tỷ đồng. Trong khi tuần trước bán ròng gần 4 triệu đơn vị, với giá trị bán ròng hơn 117,3 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung giao dịch tuần qua trên toàn thị trường, khối ngoại đã mua ròng hơn 19 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt hơn 513 tỷ đồng. HDB tiếp tục là tâm điểm của các nhà đầu tư nước ngoài khi được nhóm này mua ròng 261 tỷ đồng, cao nhất toàn ngành tuần qua. Qua đó, nâng tổng giá trị gom ròng của khối ngoại đối với HDB trong 2 tuần trở lại lên 408 tỷ đồng.
Chứng khoán tuần tới sẽ ra sao?
CTCK MB cho biết thị trường đã có dấu hiệu điều chỉnh trong những phiên gần đây khi tín hiệu từ nhóm midcap và smallcap. Chỉ số VN-Index vẫn tăng một mạch 6 tuần liền. Do vậy, nếu tham chiếu chỉ số chung sẽ không phản ánh đúng diễn biến ở chỉ số. Độ rộng thị trường 3 phiên liên tiếp đều nghiêng về bên bán, điều đó cho thấy dù chỉ số tăng hoặc điều chỉnh nhẹ nhưng giá cổ phiếu giảm nhiều hơn trên diện rộng.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index tiếp tục không vượt cản ở ngưỡng MA100 ngày cũng có thể là tín hiệu điều chỉnh kỹ thuật. Do vậy, nhà đầu tư có thể chốt dần ở các cổ phiếu đã tăng mạnh và cơ cấu danh nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều.
CTCK Tân Việt cho rằng thị trường kết thúc tuần giao dịch với thêm một phiên giảm điểm nữa có mức độ giảm nhẹ ở chỉ số nhưng trong nội tại thị trường áp lực bán mạnh hơn phiên trước.
Diễn biến thị trường cho thấy áp lực và rủi ro ngắn hạn đang ngày một tăng lên khi số lượng cổ phiếu giảm đang áp đảo. Điều này cho thấy các hoạt động giao dịch ngắn hạn T+ đang dần rơi vào tình trạng có lãi ít hoặc thua lỗ nhiều hơn là có lợi nhuận. Nhiều cổ phiếu đã chững lại đà tăng trong thời gian gần đây và áp lực bán khá đều đặn kể cả khi chỉ số tăng điểm. Công ty này cho rằng, những nhà đầu tư ngắn hạn đã giảm tỉ trọng trong tuần này nên tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi thêm trước khi nghĩ tới ý định gia tăng tỉ trọng trở lại.
CTCK Đông Á nhận định thị trường tái diễn hiện tượng "tăng trong phiên sáng, bán trong phiên chiều". Áp lực chốt lời làm chỉ số VN-Index thay đổi từ tăng sang giảm khi đóng cửa phiên giao dịch.
CTCK này cho rằng thà đầu tư nên chốt lời bảo vệ lợi nhuận và chờ đợi thị trường có diễn biến rõ ràng hơn. Trường hợp trong tuần sau thị trường vẫn giằng co dưới mốc VN-Index 1.280 điểm thì có thể chờ đợi kịch bản thị trường điều chỉnh về vùng VN-Index 1.250 điểm. Các trạng thái mở mua mới trong chiến lược giao dịch ngắn hạn chỉ nên thực hiện với tỉ trọng thấp và chưa sử dụng đòn bẩy tài chính để quản trị rủi ro an toàn tài khoản.