Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tại ngày 30/6/2022, tiền gửi của khách hàng đạt hơn 11,46 triệu tỷ đồng, tăng thêm hơn 92.400 tỷ đồng so với cuối tháng 5/2022 và tăng hơn 522.500 tỷ so với cuối năm 2021.
Trong đó, tiền gửi của khách hàng là tổ chức kinh tế đạt gần 5,85 triệu tỷ đồng, tăng gần 42.000 tỷ đồng trong tháng 6 và tăng hơn 200.000 tỷ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tiền gửi của dân cư tăng trưởng mạnh hơn, đạt hơn 5,6 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng hơn 50.000 tỷ đồng trong tháng 6 và tăng gần 320.000 tỷ trong nửa đầu năm. Tính bình quân, mỗi ngày người dân mang thêm khoảng 1.770 tỷ đồng gửi vào ngân hàng.
Việc dịch Covid-19 được kiểm soát sau 2 năm và lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng trên diện rộng từ đầu năm là nguyên nhân khiến dòng tiền gửi của người dân và các doanh nghiệp chảy vào kênh gửi ngân hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các ngân hàng thương mại ở mức 3,3-3,6%/năm, tăng 0,1 điểm % so với cuối năm 2021. Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng đạt 5,1-5,9%/năm, tăng 0,2 điểm %; kỳ hạn trên 12 tháng đến 24 tháng phổ biến ở mức 5,4-6,6%/năm, tăng 0,1 điểm % và tiền gửi kỳ hạn trên 24 tháng là 6,3-6,7%/năm, tăng 0,2 điểm %.
Công ty Chứng khoán VNDirect ước tính đến cuối tháng 7, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng tư nhân đã tăng 0,09 và 0,16 điểm % so với tháng trước và tăng 0,38 và 0,44 điểm % so với đầu năm. Tương tự, lãi suất tiền gửi cùng kỳ hạn của các ngân hàng thương mại quốc doanh đã tăng 0,03 và 0,07 điểm % so với đầu năm.
Còn trên thực tế, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã tăng tới vài điểm % so với đầu năm. Theo khảo sát của Nguoiduatin, chỉ trong tháng 8, có khoảng 14 ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất. Sóng tăng lãi suất được VNDirect nhận xét đã quay trở lại kể từ tháng 5. Song đến tháng 8 vừa rồi là thời điểm mà nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất nhất. các ngân hàng tăng lãi suất ở tất cả kỳ hạn, phổ biến với biên độ trên 0,2% một năm.
Nhiều nhà băng điều chỉnh mạnh 0,5% một năm như ABBank, ACB, Sacombank... KienlongBank tăng đến 0,6% một năm cho tiền gửi một tháng tại quầy, mức tăng tương tự cũng được Techcombank áp cho kỳ hạn 6 và 9 tháng... Ngân hàng có mức tăng lãi suất tiết kiệm mạnh nhất hiện nay là Sacombank khi cộng thêm 0,65% một năm cho tiền gửi 9 tháng tại quầy và online.
CBBank đang dẫn đầu thị trường khi trả 7,45% cho tiền gửi 12 tháng tại quầy và 7,5% cho khách hàng gửi tiết kiệm online, tăng 0,3% so với trước. Trước đó, SCB là nhà băng dẫn đầu thị trường khi trả lãi 7,3%.
Trước đó, dịch Covid-19 khiến môi trường lãi suất thấp, tiền gửi ngân hàng kém cạnh tranh hơn các kênh đầu tư khác khiến người dân rút tiền để rót vào chứng khoán, bất động sản. Trong khi đó, tiền gửi của các doanh nghiệp lại tăng mạnh do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến họ không dám mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tình thế đã thay đổi, mức tăng số dư tiền gửi 6 tháng đầu năm nay của người dân đã cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 30% so với năm 2020.
Công ty Chứng khoán VNDirect nhận xét lãi suất huy động dần thiết lập mặt bằng mới, nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng.
VNDirect nhận định nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối có mức tăng không đáng kể, hiện vẫn duy trì lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường khi lãi suất kỳ ngắn dưới 12 tháng không vượt quá 4%/năm, các kỳ hạn dài cũng chỉ dao động trong khoảng 5,3-5,6%/năm.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân có mức tăng mạnh hơn, khi mức lãi suất cao nhất đã tăng trên 7%/năm ở một số kỳ hạn dài.
Công ty Chứng khoán dự báo lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý IV. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm, dù vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.