Ngày 4/10, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Nhâm Hoàng Khang (34 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi 'cưỡng đoạt tài sản' và một số dấu hiệu tội phạm khác.
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Lê Thị Thu Nga, Công ty Luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết theo quy định của pháp luật, người nào bị tuyên án tội "Cưỡng đoạt tài sản" có thể bị phạt tù cao nhất là 15 năm.
Cụ thể, Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội cưỡng đoạt tài sản nêu rõ người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo Luật gia Lê Thị Thu Nga, trong thời đại 4.0 hiện nay, những tin tặc "hacker" với kiến thức và kinh nghiệm của mình về hệ thống máy tính, mạng máy tính, có thể viết hay chỉnh sửa phần mềm, phần cứng máy tính để làm thay đổi, chỉnh sửa nó với nhiều mục đích khác nhau. Do đó, họ nên có đạo đức, sử dụng những kỹ năng về lập trình, hiểu biết hệ thống để loại bỏ virus, giúp các tổ chức doanh nghiệp phát hiện ra lỗ hổng trong phần mềm, hệ thống và kịp thời khắc phục, giảm tối đa thiệt hại có thể xảy ra.
Trước đó, cơ quan điều tra nhận được đơn tố cáo cho rằng Khang đã xâm nhập dữ liệu mạng máy tính liên quan đến cờ bạc, sau đó tống tiền hàng trăm triệu đồng. Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an) điều tra. "Khang đã nhận của đường dây này 400 triệu đồng", nguồn tin nói về kết quả điều tra ban đầu.
Nhà chức trách đang mở rộng điều tra hàng loạt dấu hiệu tội phạm khác của Khang và những người liên quan.
Nhâm Hoàng Khang. Ảnh: Facebook nhân vật.
Nhâm Hoàng Khang sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, được biết đến là lập trình viên nổi tiếng với biệt danh 'Cậu IT'. Nhâm Hoàng Khang là một coder lập trình viên đứng sau nhiều ứng dụng khá tiện ích cho người dùng như tiên phong đưa Esim vào iPhone Lock, được giới công nghệ thông tin biết đến khá nhiều.
Gần đây, anh này liên quan việc ồn ào trên mạng xã hội, với những tuyên bố lấy được các sao kê tài khoản ngân hàng của các cá nhân, quỹ từ thiện.
Khoảng 2 tháng trước, Khang công khai giấy mời làm việc của Cục Cảnh sát Hình sự lên Facebook cá nhân, cho là được C02 "đề nghị hợp tác điều tra tội phạm".
Được biết, trước khi bị bắt, Nhâm Hoàng Khang từng đi tù 3 năm tội danh "Tàng trữ trái phép chất ma túy", chấp hành xong án phạt tại Trại giam Thủ Đức (đóng tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) vào năm 2018.
VTV.vn - Nhâm Hoàng Khang được biết đến là lập trình viên nổi tiếng, liên quan đến ồn ào trên MXH khi tuyên bố lấy được sao kê tài khoản ngân hàng của các cá nhân, quỹ từ thiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.41895517150011202-oan-na-cum-iov-neid-iod-gnahk-gnaoh-mahn-ti-uac-ot-iohk-ib/taul-pahp/nv.vtv