Báo cáo chuyên đề mới đây của Chứng khoán Rồng Việt cho biết, nửa đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi và tăng tốc trong tăng trưởng kinh tế thể hiện qua: hoạt động sản xuất công nghiệp tích cực; tiêu dùng và du lịch hồi phục và xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
VDSC dự báo nền kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2022 vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Rồng Việt cho rằng không bi quan song chưa thể “chủ quan” với triển vọng phục hồi kinh tế hiện nay, đặc biệt từ cuối năm 2022 – đầu 2023. Đặt trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng và căng thẳng địa chính trị còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, buộc NHTW tăng lãi suất và khả năng kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngoài ra, khi tín dụng ngân hàng bị hạn chế, sự ách tắc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể ảnh hưởng trầm trọng hơn đến sức khỏe tài chính của các ngành/ doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính. Rủi ro vỡ nợ trái phiếu là hoàn toàn có thể xảy ra và gián tiếp tác động tiêu cực lên thị trường cổ phiếu.
Kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch
Mặc dù giá hàng hóa thế giới tăng cao, lạm phát Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, đà tăng giá xăng dầu đã có phần chững lại.
Về thị trường tiền tệ và thị trường vốn trong nửa đầu năm đã xảy ra các sự kiện như: Lãi suất trong nền kinh tế đã tăng đáng kể, chỉ trừ lãi suất điều hành; Tỷ giá biến động trước áp lực tăng lãi suất của Fed, tiền đồng mất giá so với cuối năm 2021; Tín dụng tăng tốc cùng với sự phục hồi kinh tế với mức tăng 17% so với cùng kỳ, room tín dụng còn lại hạn hẹp; Chính phủ siết chặt quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp và kiểm soát hoạt động thao túng chứng khoán.
Về phía chi ngân sách hỗ trợ sự phục hồi và phát triển kinh tế được giải ngân chậm, vướng nhiều thủ tục quy trình.
Triển vọng kinh tế cuối 2022 – đầu 2023
Rồng Việt kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế sẽ tăng tốc trong quý III/2022 và chững lại từ cuối năm dựa trên cơ sở: mức nền so sánh thấp của cùng kỳ; hoạt động sản xuất công nghiệp tương đối bền bỉ; sự phục hồi của lĩnh vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch trong năm 2021.
Tác động của lạm phát lên giá xăng dầu và các hàng hóa khác sẽ dần hiện rõ. Giá dầu có thể giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao. Tác động vòng hai của giá dầu lên các mặt hàng khác sẽ ảnh hưởng đến lạm phát nửa đầu năm 2023. Hầu hết các dự báo về giá dầu đều kỳ vọng giá dầu sẽ giảm trong năm 2023, tuy nhiên, VDSC lại không quá lạc quan vì cuộc chiến Nga-Ukraine chưa chấm dứt; sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.
Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trong 7 tháng đầu năm khiến kinh tế Việt Nam mất đi một động lực tăng trưởng. VDSC kỳ vọng tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy nhanh vào nửa cuối nắm và góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế đặc biệt là thông qua các gói đầu tư hạ tầng.
Mặt bằng lãi suất huy động ở các NHTM đã tăng lên dù NHNN chưa điều chỉnh lãi suất điều hành. Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, xu hướng tăng lãi suất huy động ở các NHTM sẽ tiếp tục duy trì đầu năm 2023 khi nhu cầu tín dụng cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Trong nửa cuối năm, chúng tôi kỳ vọng NHNN cũng sẽ tăng nhẹ so với cùng kỳ để giảm bớt đà tăng của lạm phát.
Tỷ giá tăng nhẹ nhưng không đáng lo ngại nhờ tỷ lệ lạm phát trong nước thấp. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang suy giảm và triển vọng cán cân thanh toán đã không còn tích cực như trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi. chúng tôi kỳ vọng đà mất giá của tiền VNĐ vẫn sẽ chững lại trong nửa cuối năm 2022 nhưng áp lực có thể trở lại trong đầu năm 2023.
Bức tranh xuất khẩu những tháng cuối năm kém thuận lợi hơn so với những tháng đầu năm. Giải ngân vốn FDI phục hồi đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI. Tuy nhiên, đối với khối doanh nghiệp trong nước, giá trị xuất khẩu còn bấp bênh khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu. Trong năm 2023 được dự báo mức độ suy giảm tăng trưởng kinh tế tại các thị trường xuất khẩu chính sẽ nhẹ hơn thời kỳ 2008 và 2020, đồng thời, khối FDI vẫn có thể đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu chung, do đó, xuất khẩu trong năm 2023 có thể tăng trưởng dương nhưng ở sẽ ở mức thấp.
Về triển vọng ngành, VDSC chấm điểm tích cực cho ngành bất động sản khu công nghiệp, ngành bảo hiểm, ngành CNTT và ngành y tế. Trong khi đó, ngành có triển vọng tiêu cực là ngành liên quan đến hàng hóa và ngành liên quan đến xuất khẩu (may mặc, thủy sản, đồ gỗ, cảng), do nhu cầu toàn cầu suy giảm sẽ có tác động đến các ngành này.
Hồng Nhung