Học sinh khối 1 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) tựu trường vào sáng 22-8 - Ảnh: D.PHAN
Tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TP.HCM), ngay từ sáng sớm, nhà trường đã tổ chức buổi hoạt náo để đón học sinh lớp 1 với các điệu nhảy và trò chơi để giao lưu với các em học sinh.
Nhiều trò chơi, hoạt động
"Tôi tổ chức cho tất cả khoảng 230 học sinh lớp 1 nhảy theo điệu nhạc và chơi các trò chơi để các em hòa mình vào không khí của trường lớp trong buổi đầu đến trường trước khi các em lên lớp để làm quen bạn bè, biết thêm về nội quy, quy định ở trường" - thầy Nguyễn Văn Dũng, giáo viên tham gia hoạt náo, cho biết.
Theo cô Trần Thị Thu Hương, hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, nhà trường dành ngày 22 và 23 để đón riêng học sinh lớp 1 và có các hoạt động vui chơi để các em làm quen với trường lớp và các phòng chức năng của trường. "Trường đã tập huấn cho giáo viên lớp 1 đón các em nhỏ tuổi nhất trường nhưng các cô thầy cũng rất sáng tạo trong việc giúp các em làm quen với môi trường mới. Nhờ vậy sáng nay không có học sinh lớp 1 nào khóc, mè nheo đòi về hoặc nhõng nhẽo" - cô Thu Hương chia sẻ.
Tương tự, tại Trường tiểu học Phú Thọ (quận 11, TP.HCM), bắt đầu từ đầu giờ sáng 22-8, một nhân viên của trường trong vai bác gấu ra tận cổng đón các em lớp 1 và sau đó hoạt náo để các em vui đùa, quen với môi trường mới, bạn mới, thầy cô mới. Các học sinh lớp 1 còn được tặng một chú gấu bông xinh xắn, nhận huy chương vàng...
"Thời khắc đầu tiên học sinh đến trường là thời khắc các em có cảm nhận sâu sắc với môi trường nên nhà trường đã chuẩn bị chu đáo để đón các em, để các em thấy mình được chào đón và sự thân thiện của ngôi trường mới dù hôm nay không phải là ngày khai giảng. Các hoạt động này đều là các thầy cô, nhân viên nhà trường tự biên tự diễn nên cũng không tốn kém gì nhiều mà học sinh lại vui, đi học không khóc, nhanh chóng quen với lớp, với trường" - cô Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Thọ, thông tin.
Không vội chạy chương trình
"Ngày tựu trường năm nay chúng tôi gặp thuận lợi là không có bé lớp 1 nào khóc nhè khi rời xa vòng tay cha mẹ. Tôi hiểu đặc điểm tâm lý của học sinh: các em mới chuyển từ bậc mầm non với các hoạt động vui chơi là chủ yếu, giờ lên lớp 1 thì các hoạt động học tập là chủ yếu. Do đó, điều quan trọng nhất đối với giáo viên chúng tôi là phải rèn đạo đức, nề nếp cho học sinh ngay từ đầu năm" - cô Trần Nguyễn Phương Linh, khối trưởng khối 1 Trường tiểu học Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM), cho biết.
Cũng theo cô Linh: "Tôi không quá vội vàng để dạy ngay chương trình lớp 1 mà trước tiên tôi rèn cho các em biết cách chào hỏi, biết ngồi im lặng lắng nghe khi cô giáo giảng bài, biết giơ tay khi cần phát biểu, biết nhận lỗi khi có lỗi, biết làm theo hiệu lệnh của cô trong tiết học... Với học sinh lớp 1, khi chưa rèn được nề nếp thì khó có thể dạy học hiệu quả".
Trong khi đó, nhiều phụ huynh có con vào lớp 1 lại lo lắng trẻ chưa đi học chữ trước thì có theo kịp chương trình hay không? Chị L.Th., phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn (quận 3), tâm sự: "Tôi quan niệm rằng trẻ tiểu học chỉ cần biết đọc, biết viết, biết làm toán chứ không nhất thiết phải đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Vì vậy, thay vì cho con đi học chữ trước từ khi bé 5 tuổi thì tôi cho con đi học kỹ năng sống và chơi thể thao. Thế nhưng, trong buổi dẫn con đi tựu trường, tôi hỏi chuyện thì được biết đa số các bé cùng lớp với con tôi đều đã biết đọc biết viết rồi. Như vậy thì giáo viên sẽ giảng bài như thế nào, các bé chưa biết chữ có được cô giáo quan tâm hay không?".
Trả lời vấn đề trên, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định: "Nhiều năm nay, sở luôn chỉ đạo các trường tiểu học là dạy học theo hướng cá thể hóa, tức là dạy học theo trình độ của học sinh. Các tiết dạy sẽ được chuyển tải theo đúng chương trình để học sinh nắm được bài. Tuy nhiên, đến phần giao bài tập, củng cố kiến thức thì phải giao theo năng lực của từng em. Những học sinh giỏi sẽ được giao bài tập khó hơn, những học sinh trung bình sẽ được giao bài ở mức độ trung bình. Không thể vì cả lớp biết chữ rồi mà giáo viên được phép dạy lướt, dạy nâng cao".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều hiệu trưởng trường tiểu học ở TP.HCM chia sẻ rằng điểm mới trong buổi họp phụ huynh lớp 1 năm nay là có khá nhiều ý kiến thắc mắc về việc nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh hoạt động trải nghiệm ra sao, việc đổi mới phương pháp dạy học sẽ thực hiện cụ thể như thế nào...
"Trước đây, đa số các phụ huynh chỉ tập trung vào việc làm sao để con em họ học giỏi, đạt điểm cao thì nay họ thắc mắc làm sao để con em họ mạnh dạn, tự tin, năng động. Đây là tín hiệu tích cực nhưng cũng là thách thức đối với nhà trường" - hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tân Bình cho hay.
Sáng nay (22-8), học sinh lớp 1 tại các quận, huyện của Hà Nội đã bắt đầu tới trường theo kế hoạch của Sở GD-ĐT. Theo đó, năm học mới này, học sinh lớp 1 tựu trường sớm nhất vào 22-8, các khối lớp khác sớm nhất 29-8. Theo khung kế hoạch của Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 29-8, riêng học sinh lớp 1 sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 22-8, trước khai giảng năm học mới 2 tuần.
Tựu trường từ nay tới 31-8
Học sinh các cấp từ tiểu học đến THPT, kể cả hệ giáo dục thường xuyên, sẽ tựu trường trong khoảng thời gian từ ngày 22-8 đến 31-8 tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của từng đơn vị. Riêng học sinh mầm non sẽ tựu trường ngày 31-8. Các trường từ mầm non đến THPT, kể cả hệ giáo dục thường xuyên, đều tổ chức khai giảng vào ngày 5-9. Thời gian thực học của học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 bắt đầu từ 5-9.
TTO - Sáng nay 22-8, học sinh lớp 1 tại các quận, huyện của Hà Nội đã bắt đầu tới trường theo kế hoạch của Sở Giáo dục và đào tạo.
Xem thêm: mth.49830431222802202-uhc-coh-ihk-court-pen-en-ner-gnourt-uut-1-pol-hnis-coh/nv.ertiout