Vẻ đẹp siêu thực của sao Mộc do kính thiên văn không gian James Webb chụp - Ảnh: AP
Theo báo Guardian, các nhà khoa học đã công bố bức ảnh mới nhất về hành tinh lớn nhất hệ Mặt trời vào ngày 22-8.
Kính viễn vọng không gian James Webb chụp bức ảnh này vào tháng 7, ghi lại những khung cảnh chưa từng có về ánh sáng phía bắc và phía nam của sao Mộc cũng như mây mù ở vùng cực.
Tấm hình cho thấy vô số cơn bão nhỏ vây quanh Vết Đỏ Lớn (Great Red Spot) của sao Mộc. Vết Đỏ Lớn trong các tấm hình mới nhất là một đốm trắng nổi bật. Nó là một cơn bão với xoáy nghịch đã kéo dài 340 năm và đủ lớn để nuốt chửng Trái đất.
Bức ảnh đặc biệt ấn tượng vì cho thấy các vành đai mờ xung quanh hành tinh, cũng như 2 Mặt trăng nhỏ trên nền lấp lánh của các thiên hà.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy sao Mộc như thế này. Tất cả đều khó tin. Thành thật mà nói, chúng tôi đã không thực sự mong đợi kết quả sẽ tốt như thế này", nhà thiên văn hành tinh Imke de Pater thuộc Đại học California, Berkeley, cho biết.
Theo nhóm nghiên cứu, các hình ảnh hồng ngoại do Webb chụp đã được tạo màu nhân tạo với màu xanh lam, trắng, xanh lá cây, vàng và cam để làm nổi bật các đặc điểm của sao Mộc.
Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phóng Webb, thiết bị "kế nhiệm" kính viễn vọng không gian Hubble, vào vũ trụ từ cuối năm ngoái. Thiết bị trị giá 10 tỉ USD đã giúp các nhà khoa học quan sát vũ trụ kể từ mùa hè.
Giới khoa học hy vọng có thể nhìn thấy bình minh của vũ trụ với Webb, thời điểm các ngôi sao và thiên hà hình thành lần đầu tiên cách đây 13,7 tỉ năm. Webb đang ở cách Trái đất 1,6 triệu km.
TTO - Kể từ năm 1948, các nhà khoa học đã gửi nhiều sinh vật sống lên không gian, bao gồm chó, vượn, bò sát, côn trùng, thực vật và các vi sinh vật khác nhau... để phục vụ nghiên cứu.
Xem thêm: mth.10630829032802202-gnagn-ogn-ped-com-oas-hna-puhc-bbew-semaj-nav-neiht-hnik/nv.ertiout