Các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác điều tra để tránh yếu tố bất lợi - Ảnh: H.QUÂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại diện của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay ngành gỗ Việt Nam đang đối diện với hai vụ việc điều tra chống lẩn tránh từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) với sản phẩm gỗ dán và tủ gỗ (tủ bếp).
Trong đó, với vụ việc điều tra chống lẩn tránh sản phẩm gỗ dán sử dụng nguyên liệu gỗ cứng nhập khẩu từ Việt Nam, phía Hoa Kỳ đã có kết luận sơ bộ và dự kiến có kết luận cuối cùng vào ngày 17-10 tới.
Trong quá trình điều tra và kết luận sơ bộ, có 36 doanh nghiệp không hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin không nhất quán. Còn lại các doanh nghiệp khác cung cấp được tài liệu giải trình không sử dụng nguồn nguyên liệu của Trung Quốc (chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu gỗ dán trong giai đoạn điều tra) thì vẫn được cơ chế chứng nhận để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và không bị áp thuế chống lẩn tránh.
Vụ việc thứ hai, tháng 6-2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế tủ gỗ, tủ bếp nhập khẩu từ Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp quan tâm gửi bình luận, thì có 40 doanh nghiệp gửi quá thời hạn quy định. Dẫn tới DOC không tiếp cận và yêu cầu các doanh nghiệp này gỡ nội dung, tránh lưu quá nhiều tài liệu sẽ ảnh hưởng đến quá trình xem xét.
"DOC không xác nhận các doanh nghiệp này có vấn đề, hoặc là không tuân thủ quy định, mà là gửi quá thời hạn. Tới đây, DOC sẽ gửi bảng câu hỏi điều tra và vẫn chọn trong số 40 doanh nghiệp này để gửi bảng câu hỏi. Do đó, nếu doanh nghiệp vẫn trả lời đầy đủ thì được coi là hợp tác" - đại diện cục này cho hay.
Nêu lý do khiến cho doanh nghiệp bị từ chối tiếp nhận giải trình, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay khi công bố điều tra, phía Hoa Kỳ sẽ tiếp nhận giải trình, ý kiến của các bên liên quan trên Cổng thông tin phòng vệ thương mại. Các thông tin này sẽ được ghi nhận và xem xét trong quá trình điều tra, là một trong những cơ sở ra kết luận theo quy định của WTO nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch.
"Việc đăng ý kiến, bình luận trên Cổng thông tin điện tử của Hoa Kỳ là bằng tiếng Anh, hệ thống khá là phức tạp. Trong quá trình doanh nghiệp nộp ban đầu có thể đúng hạn, nhưng nếu nộp sát quá, khi đăng lên nếu trường hợp bị lỗi hệ thống, không đúng quy định có thể bị trả lại, vì liên quan tới kỹ thuật" - vị này cho hay.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại cho biết đã phối hợp Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, hiệp hội ngành gỗ địa phương tổ chức hội thảo phổ biến cho doanh nghiệp về các rủi ro và quy định mới về điều tra chống lẩn tránh của Hoa Kỳ để cập nhật.
Đặc biệt, hiện cơ quan chức năng của Việt Nam đã có thư gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ đề nghị xem xét cho 36 doanh nghiệp trong vụ gỗ dán có cơ hội giải trình, làm rõ tại sao trong quá trình đó lại không cung cấp thông tin không nhất quán. Đồng thời đề nghị Hoa Kỳ xem xét thẩm tra trực tiếp tại Việt Nam để hiểu hơn tình hình doanh nghiệp gỗ, tổ chức các phiên điều trần để các doanh nghiệp này có cơ hội trình bày lý do.
Với kinh nghiệm "xương máu" từ vụ điều tra chống lẩn tránh sản phẩm gỗ dán, đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay quan trọng nhất là doanh nghiệp phải cung cấp thông tin đầy đủ chính xác, có dẫn chứng, nhất quán, tránh lúc đầu cung cấp thông tin và lại bổ sung thêm sẽ bị bất lợi.
Đồng thời doanh nghiệp cần chủ động hợp tác điều tra, phối hợp với các cơ quan chức năng để gửi các bản bình luận, giải trình đúng hạn, đúng quy định, tránh bị đưa vào danh sách không tiếp nhận gây ảnh hưởng quá trình điều tra vụ việc.
TTO - Liên quan đến việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) từ chối bản bình luận của 40 doanh nghiệp tủ bếp - tủ nhà tắm, các doanh nghiệp cho biết điều này không có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam bị sai phạm hay sẽ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ.