Môi trường kinh doanh thuận lợi, sự nhất quán trong chính sách phục hồi kinh tế và nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn ở châu Á. Đây là đánh giá chung của nhiều nhà đầu tư và tổ chức quốc tế khi nói về nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Theo số liệu từ ngân hàng đầu tư Maybank, tăng trưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 10 năm qua cao hơn hầu hết các nước Đông Nam Á. Điều này cho thấy Việt Nam đã nâng cao vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.
"Việt Nam đã công nghệ hóa một cách nhanh chóng và trở thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Kết quả đó là nhờ sự thành công trong thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nước ngoài. Công thức thành công của Việt Nam được tạo nên từ 3 yếu tố chính. Đầu tiên, đó là một môi trường kinh doanh thuận lợi, có sự ổn định chính trị, đảm bảo sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế và nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại song song với đó là cải cách đầu tư. Thứ hai, đó là chi phí lao động cạnh tranh. Thứ ba, là vị trí địa lý đắc địa với khả năng kết nối với các nền kinh tế lớn nhất thế giới", ông Brian Lee Shun Rong, nhà nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng đầu tư Maybank, nhấn mạnh.
Dù đơn đặt hàng mới giảm, nhưng Việt Nam vẫn chứng kiến hoạt động sản xuất tăng trưởng tốt hơn hầu hết các nước trong khu vực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Từ đầu năm đến nay, cả nước xuất siêu gần 1,4 tỷ USD. Theo báo cáo của HSBC, dù đơn đặt hàng mới giảm, nhưng Việt Nam vẫn chứng kiến hoạt động sản xuất tăng trưởng tốt hơn hầu hết các nước trong khu vực. Báo cáo khẳng định: "Bất chấp bức tranh bên ngoài kém tươi sáng, nền kinh tế trong nước tiếp tục gặt hái thành công nhất định".
"Chúng tôi vẫn đánh giá tích cực những mặt hàng thiết yếu, phổ thông như dệt may, da giày, nông sản thế mạnh của Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng ít nhất là sang tới quý 3", ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, nhận định.
"Tôi hy vọng rằng xuất khẩu của Việt Nam không chỉ tăng trưởng và tăng năng suất, mà còn dẫn đường cho việc cải thiện tính bền vững và tuân thủ các biện pháp an toàn về môi trường và xã hội, từ đó trở thành một nền kinh tế xanh hơn", bà Sibylle Bachmann, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thụy Sĩ tại Việt Nam, cho hay.
85% doanh nghiệp tin rằng triển vọng kinh doanh trong quý 3 này sẽ bằng hoặc tốt hơn hiện nay. Kết quả này cao hơn so với mức 78% được khảo sát vào quý trước đó của Tổng cục Thống kê.
VTV.vn - Việt Nam đang dần trở thành cái tên được tìm kiếm của các nhà đầu tư, đặc biệt là trong tầm ngắm của các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghệ trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.23844330232802202-a-uahc-o-nad-pah-ut-uad-ned-meid-man-teiv/et-hnik/nv.vtv