Theo chia sẻ của anh Phương, khi kinh doanh máy tính, điện thoại, anh bị khách "bùng" 5 tỷ đồng tiền hàng. Anh muốn ký hợp đồng với các công ty mua bán nợ, song vợ anh lo ngại các công ty này chỉ là hội "đòi nợ thuê", nếu có vấn đề gì sẽ rất phức tạp.
Anh Phương thắc mắc, bản chất các công ty mua bán nợ là gì, có được pháp luật cho phép? Nếu ký hợp đồng mua bán nợ với các công ty này, anh nên chú ý điều gì?
Trong số 777 độc giả nêu quan điểm về vấn đề của anh Phương trên VnExpress, 212 người (tương ứng 27%) khuyên nên ký hợp đồng với công ty mua bán nợ. Độc giả phanthey1992 nhận định, khi bán nợ cho công ty mua bán nợ, "5 tỷ của bạn công ty sẽ mua với giá là 2ty3 hoặc 2ty5, công ty mua bán nợ sẽ có nhiệm vụ thu nợ , còn bạn chắc chắn có 49-50% số tiền".
Độc giả này cũng lưu ý anh Phương cần làm hợp đồng "vì lỡ có vấn đề pháp lý là công ty bên kia chịu".
Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho biết, theo Luật Đầu tư 2020, hoạt động kinh doanh mua bán nợ được pháp luật ghi nhận giống như các ngành nghề kinh doanh dịch vụ thông thường, theo quy định hiện hành (không có hạn chế đối với ngành nghề này).
Để tránh phiền phức khi ký hợp đồng mua bán nợ cũng như để hợp đồng mua, bán nợ có giá trị pháp lý và đảm bảo các quyền và nghĩa vụ được thực thi, luật sư Bình khuyên anh Dũng Phương cần lưu ý các quy định về hợp đồng mua, bán nợ như sau:
Thứ nhất, xét về quyền giao kết hợp đồng mua bán nợ
Theo quy định của Bộ luật Dân sự quy định về mua bán quyền tài sản có đề cập đến quyền tài sản là quyền đòi nợ. Lúc này, nợ trở thành đối tượng của hợp đồng mà các bên có thể chuyển giao như đối với một loại tài sản đặc biệt. Ngoài ra, hợp đồng mua, bán nợ nhằm mục đích chuyển quyền sở hữu đối với khoản nợ và đồng thời chuyển nghĩa vụ của bên bán nợ cho bên mua nợ.
Đây là giao dịch hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nợ. Do đó, các bên có thể giao hợp đồng mua, bán nợ mà không cần có sự đồng ý của bên nợ.
Thứ hai, về mặt hình thức của hợp đồng mua, bán nợ
Căn cứ quy định mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì mua, bán nợ là thỏa thuận bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ đối với khoản nợ phát sinh từ nghiệp vụ cho vay, khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh. Theo đó bên bán nợ chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ cho bên mua nợ và nhận tiền thanh toán từ bên mua nợ. Hợp đồng mua, bán nợ phải được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của các bên mua, bán nợ.
Vì vậy, theo quy định này, hợp đồng mua, bán nợ không bắt buộc các bên phải công chứng hoặc chứng thực. Tuy nhiên, nếu xét thấy cần thiết các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc công chứng hoặc chứng thực Hợp đồng mua, bán nợ. Như vậy, hợp đồng mua, bán nợ phải bắt buộc được lập thành văn bản và không bắt buộc phải công chứng.
Thứ ba, về nội dung của hợp đồng mua, bán nợ
Hợp đồng mua, bán nợ phải có những nội dung chủ yếu sau:
- Thời gian ký kết hợp đồng mua, bán nợ;
- Tên, địa chỉ của các bên tham gia ký kết hợp đồng mua, bán nợ;
- Tên, chức danh người đại diện các bên tham gia ký kết hợp đồng mua bán nợ;
- Tên, địa chỉ của bên nợ và các bên có liên quan (nếu có) tới khoản nợ được mua, bán;
- Chi tiết khoản nợ mua, bán: Số tiền vay, thời gian vay, mục đích giá trị ghi sổ của khoản nợ đến thời điểm thực hiện mua, bán nợ;
- Các biện pháp bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán của bên nợ đối khoản nợ được mua, bán (nếu có);
- Giá bán nợ, phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán;
- Thời điểm, phương thức và thủ tục chuyển giao hồ sơ, chứng từ khoản nợ, bao gồm cả hồ sơ, tài liệu về tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có);
- Thời điểm bên mua nợ trở thành người thế quyền, nghĩa vụ đối với khoản nợ của bên bán nợ;
- Quyền và nghĩa vụ của bên bán nợ, bên mua nợ;
- Trách nhiệm của các bên do vi phạm hợp đồng;
- Giải quyết tranh chấp phát sinh.
Đây là những nội dung cơ bản, bắt buộc phải có đối với hợp đồng mua, bán nợ. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận các nội dung khác nếu không trái với quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng mua, bán nợ, pháp luật cho phép các bên thỏa thuận tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, việc quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ phải dựa trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Như vậy, việc xác lập hợp đồng mua, bán nợ về cơ bản cũng giống như các giao dịch chuyển quyền tài sản khác. Tuy nhiên, luật sư Bình lưu ý, nợ là đối tượng đặc biệt của quyền tài sản, do vậy các bên cần tìm hiểu và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về nội dung và hình thức của hợp đồng để đảm bảo tính pháp lý cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên.
Ngoài ra, cũng cần lựa chọn, giao dịch với các công ty mua bán nợ đã hoạt động lâu năm, có uy tín để tránh những rắc rối về mặt pháp lý có thể xảy ra, luật sư nêu.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.7732054-iod-nac-on-naohk-ial-nab-ihk-cuhp-neihp-hnart-ed-y-uul-ueid-ab/ten.sserpxenv