Vị trí xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (ngay chân cầu Thủ Thiêm 2) - Ảnh: TỰ TRUNG
Tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP.HCM về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn, UBND TP đã cho biết tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP.
Theo báo cáo, TP.HCM có 676 công trình, dự án triển khai chậm tiến độ và 2 công trình, dự án phải ngừng thực hiện, gồm: dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại Thủ Thiêm và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường vành đai 2.
Dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại Thủ Thiêm được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 10-2018. Đây là dự án đầu tư công nhóm A sử dụng nguồn vốn ngân sách TP, với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm này, dự án chưa có quyết định phê duyệt dự án, chưa có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Về nguyên nhân chậm trễ, UBND TP nhận định tiến độ tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình chậm do thời gian thẩm định, góp ý của các sở, ngành và các đơn vị có liên quan đối với nhiệm vụ thiết kế, kế hoạch và dự toán tổ chức thi tuyển kéo dài.
Bên cạnh đó là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm thời gian bắt đầu tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình chậm hơn so với dự kiến.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM, dự án này chưa bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 để tập trung các nguồn lực đầu tư cho các công trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch với nguồn vốn đầu tư là hơn 1.500 tỉ đồng, lấy từ ngân sách TP. Dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách TP là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1).
Đến tháng 5-2021, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM đề xuất UBND TP tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỉ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2018-2024.
Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Cuối năm 2021, chủ đầu tư đã trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho 2 đơn vị tham gia cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình nhà hát.
TTO - Các đơn vị tư vấn thiết kế Việt Nam "tâm tư" khi chủ đầu tư trình kế hoạch mời 10 đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài dự thi tuyển phương án thiết kế Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Xem thêm: mth.63601330242802202-meiht-uht-o-it-005-1-noh-tah-ahn-na-ud-ut-uad-gnud-mat-mch-pt/nv.ertiout