Không ít nhà đầu tư kỳ vọng vào "game" tăng vốn của KPF. Tuy nhiên, khi đi sâu vào bản chất của kế hoạch tăng vốn này, chắc hẳn sẽ có những nhà đầu tư thất vọng phần nào.
Tăng giá 75% chỉ trong 2 tuần
Cổ phiếu KPF của CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh kết phiên 24/8 tăng 6,32% lên 18.500 đồng/CP. Đây là mã cổ phiếu đang thu hút sự chú ý lớn của giới đầu tư chứng khoán với đà tăng rất mạnh thời gian qua.
Cụ thể, từ mức 10.600 đồng/CP chốt phiên 10/8, KPF bắt đầu bật mạnh, tăng trần phiên 15/8, tiếp tục tăng hết biên độ trong 3 phiên tiếp theo, trước khi "chỉ" tăng 5,9% ở phiên 19/8, vừa đủ để không phải giải trình theo quy định hiện hành. KPF tiếp tục hành trình "leo núi" sau đó với 2 phiên tăng trần cùng phiên tăng gần trần hôm 24/8.
Chỉ sau tròn 2 tuần, KPF đã tăng tới 75%, và là cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất trên sàn HoSE thời gian qua. Đà tăng đột biến đi kèm khối lượng giao dịch tăng mạnh. So với chỉ vài nghìn đơn vị mỗi phiên trong nhiều tháng qua, KPF dậy sóng với khối lượng giao dịch lên tới hàng chục, cả trăm nghìn, đỉnh điểm là phiên 19/8 lên tới 690.400 đơn vị.
KPF tăng đột biến trong bối cảnh không có thông tin chính thống hỗ trợ. Trên website doanh nghiệp lẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng không có thông tin mới về hoạt động của KPF.
Nửa đầu năm nay, KPF chỉ đạt doanh thu hợp nhất 8 tỷ đồng, giảm tới 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh, KPF vẫn duy trì được chỉ tiêu lãi sau thuế dương 23 tỷ đồng, dù đã giảm non nửa so với cùng kỳ. So với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua vào cuối tháng 3/2022 (doanh thu 450 tỷ đồng, lãi sau thuế 205 tỷ đồng), KPF sau 6 tháng mới hoàn thành được 1,7% kế hoạch doanh thu và 11,1% kế hoạch lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh không mấy khả quan, thiếu vắng tin tức hỗ trợ, vậy KPF tăng mạnh trong thời gian ngắn do đâu, và những nhà đầu tư đã rót tiền kỳ vọng gì vào mã cổ phiếu này?
Sức hấp dẫn của game tăng vốn
Theo quan sát của Người Đưa Tin, sức hấp dẫn lớn nhất của KPF ở thời điểm hiện tại là "game" tăng vốn mà doanh nghiệp này đang triển khai.
Cụ thể, HĐQT KPF ngày 20/6/2022 đã có Nghị quyết triển khai chào bán riêng lẻ 47,27 triệu cổ phần cho 3 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, với giá 13.000 đồng/CP.
3 nhà đầu tư lần lượt là CTCP VN Stock (22,5 triệu cổ phần), CTCP VN Value (23,6 triệu cổ phần) và nhà đầu tư cá nhân nước ngoài Lin Yi Huang (1,05%). Nếu phát hành thành công, các cổ đông này sẽ sở hữu tổng cộng 43,71% cổ phần KPF, với tỉ lệ lần lượt là 20,81%, 21,86% và 1,05%.
Nguồn vốn thu về, 614,5 tỷ đồng sẽ được dùng để mua cổ phần trong CTCP Tri Việt Hội An (245 tỷ đồng) và mua 199 căn hộ tại dự án Silk Tower của Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng (369,5 tỷ đồng).
Ngoại trừ nhà đầu tư ngoại thiểu số, thì 2 pháp nhân còn lại đều có liên hệ tới bà Trần Thị Dịu Hoà (SN 1982) - Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Central Capital - tập đoàn được cho là đứng sau KPF.
Có nhiều dấu gạch nối giữa các cổ đông mới và KPF, đơn cử như việc bà Dịu Hoà từng là Tổng Giám đốc CTCP VN Value, trước khi nhường vai trò này cho một doanh nhân trẻ, bà Phan Thị Ngọc Anh (SN 1994) vào tháng 11/2021.
Còn ở CTCP VN Stock, công ty này đăng ký email là ctyatypemachine@gmail.com. Địa chỉ thư điện tử này lại tương đồng với Công ty TNHH A Type Machine - doanh nghiệp do ông Trần Đức Vinh đứng tên.
Ông Vinh sinh năm 1980, chính là anh trai của bà Dịu Hoà. Ở một dữ liệu tường minh hơn, cựu CEO VN Stock Dương Thuỳ Linh từng có thời gian vài năm làm việc với vai trò nhân viên tại một số doanh nghiệp trong hệ thống Central Capital, như CTCP Tri Việt Hội An, Công ty TNHH New World Capital, hay chính Công ty TNHH A Type Machine.
Không chỉ nguồn tiền vào, dòng tiền ra theo kế hoạch của đợt tăng vốn cũng mang nặng màu sắc "thân hữu". Những CTCP Tri Việt Hội An hay Công ty TNHH Đầu tư Tháp lụa Đà Nẵng, nên biết, cũng là các pháp nhân có liên hệ mật thiết tới nhóm Central Capital.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Công ty TNHH Đầu tư Tháp Lụa Đà Nẵng được nhóm Central Capital mua lại từ đầu năm ngoái. Trong khi đó, CTCP Tri Việt Hội An là chủ đầu tư dự án The Pearl Hội An quy mô 8,78ha ở Tp.Hội An, Quảng Nam, được nhóm Central Capital mua lại từ đại gia Trịnh Thanh Huy từ khoảng năm 2018.
99% tài sản liên quan nhóm Central Capital
Nói cách khác, về bản chất, đây gần như là nghiệp vụ "niêm yết cửa sau" các tài sản của nhóm Central Capial lên sàn HoSE, mà không cần thông qua các quy định, điều kiện khắt khe đối với một doanh nghiệp bình thường. Việc KPF có lợi hay không từ thương vụ này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ban lãnh đạo doanh nghiệp, khi chính họ quyết định giá bán cổ phần cũng như các tài sản mục tiêu.
Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vừa qua, sau khi hoàn tất chào bán riêng lẻ, KPF sẽ tiếp tục tăng vốn lên mức 2.611 tỷ đồng thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 5% và phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/CP.
Nhìn lại quá khứ, cổ đông KPF có lý do để băn khoăn về chất lượng các đợt tăng vốn của doanh nghiệp này.
Năm 2017, năm đầu tiên hoạt động sau khi về tay nhóm Central Capital, KPF chi 67,5 tỷ đồng mua 45% cổ phần Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm - chủ đầu tư dự án Prime Resort & Hotels Cam Ranh (13,08ha). Tỉ lệ sở hữu được nâng lên 93%, tương ứng vốn đầu tư 139,5 tỷ đồng tới cuối tháng 6/2018. Bên bán chính là nhóm chủ Central Capital.
4 năm sau, KPF năm 2021 hoàn tất tăng vốn từ 180,2 tỷ đồng lên 579,7 tỷ đồng thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu. Báo cáo tài chính thể hiện doanh nghiệp này đã dùng 294 tỷ đồng mua 98% cổ phần CTCP TTC Deluxe Sài Gòn, chủ đầu tư dự án 20-22-24 Đông Du (Quận 1, Tp.HCM). Bên bán tiếp tục là những cá nhân trong hệ thống Central Capital. Ngoài ra, KPF còn chi ra 364 tỷ đồng cho vay nhóm doanh nghiệp Central Capital, gồm Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (245,7 tỷ đồng), Công ty TNHH New World Capital (26,4 tỷ đồng), và cả Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (91,9 tỷ đồng).
Tới cuối tháng 6/2022, cán cân tài chính của KPF không có nhiều tiến triển. Trong số 780 tỷ đồng tổng tài sản hợp nhất, có tới 72% tổng tài sản, tương đương 561 tỷ đồng là các khoản công nợ với các pháp nhân có liên hệ tới Central Capital.
Chẳng hạn các khoản cho vay với Công ty TNHH Cam Lâm (91,9 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (95 tỷ đồng), Công ty TNHH New World Capital (26,4 tỷ đồng), Công ty TNHH The Alcove (10,3 tỷ đồng). Cùng với đó là 167,36 tỷ đồng mua trái phiếu của Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (94,38 tỷ đồng) và CTCP Đầu tư Nông nghiệp sách Phú Sơn (72,98 tỷ đồng).
Ngoài ra, trong kỳ KPF còn xuất hiện khoản phải thu 152,64 tỷ đồng với Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Sakiland theo hợp đồng bán cổ phần CTCP TTC Deluxe Sài Gòn.
Hợp đồng chuyển nhượng được ký vào ngày cuối cùng của quý, ngày 30/6/2022, giúp KPF ghi nhận 9 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư, và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung của doanh nghiệp này trong nửa đầu năm.
Sẽ không có gì đáng bàn nếu đây là một thương vụ mua bán cổ phần bình thường. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là Sakiland thuộc sở hữu chi phối (95%) của ông Đặng Phúc Vĩnh - một trong những nhà đầu tư đã mua 34,8 triệu cổ phiếu "ế" của chính KPF trong đợt phân phối đầu năm 2021. Ở vòng chào bán cho cổ đông hiện hữu trước đó, KPF chỉ bán thành công 1,2 triệu cổ phần trên tổng số 36 triệu cổ phần chào bán.
Trở lại với cơ cấu tài sản của KPF, nếu cộng cả khoản đầu tư 212,6 tỷ đồng vào các công ty liên kết CTCP TTC Deluxe Sài Gòn và Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm, thì các tài sản có liên hệ tới nhóm Central Capital lên tới 773 tỷ đồng, chiếm đến 99% tổng tài sản KPF.
So với số dư 3,2 tỷ đồng đầu năm, tiền và tương đương của KPF tới cuối tháng 6/2022 chỉ còn vỏn vẹn...48,9 triệu đồng; dòng tiền kinh doanh trong nửa đầu năm âm kỷ lục 434,7 tỷ đồng. Cùng với chất lượng tài sản đã được phân tích ở trên, đây là những con số chắc hẳn sẽ khiến những nhà đầu tư đã "đu lệnh", FOMO theo đà tăng dựng đứng của KPF thời gian qua cân nhắc lại quyết định của mình.
Hoa Liên