Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) thông báo hoàn tất lấy kiến cổ đông bằng văn bản, quyết định thông qua phương án tăng vốn từ 1.126 tỷ đồng lên gần 9.250 tỷ đồng, bằng phương thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ cùng loạt phương án chia cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, TCBS sẽ chào bán riêng lẻ cho 31 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để thu về 835,5 triệu đồng.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư của TCBS là thành viên Ban Giám đốc, Giám đốc các mảng chức năng, các chức danh trọng yếu, khó tuyển dụng đã/sẽ đóng góp quan trọng vào quá trình thực hiện chiến lược của công ty và đạt A2 trở lên cho năm xét điều kiện tham gia. Hoặc các tổ chức/cá nhân là đối tác quan trọng có đóng góp to lớn cho sự phát triển của TCBS do Chủ tịch HĐQT đề xuất cũng được mua cổ phần trong đợt chào bán riêng lẻ của công ty.
Công ty cũng sẽ dùng 112,36 tỷ đồng của Quỹ dự trữ bổ sung điều lệ và 112,36 tỷ đồng của Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp thực hiện bổ sung vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Thêm vào đó, công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2022 từ nguồn vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ lên thêm 8.122,8 tỷ đồng.
Nguồn vốn cho đợt tăng vốn lên gấp hơn 8 lần này chủ yếu đến từ vốn của chính TCBS, chưa đến một tỷ đồng là từ bên ngoài.
Phương án tăng vốn trên đã tạo ra thay đổi lớn trong bảng xếp hạng vốn điều lệ các công ty chứng khoán. Theo đó, TCBS đã vượt Chứng khoán VPBank với quy mô 8.920 tỷ đồng, để trở thành công ty có vốn điều lệ lớn thứ 3 trong ngành, chỉ đứng sau SSI và VNDirect.
Bảng xếp hạng quy mô vốn điều lệ các công ty chứng khoán trên thị trường lần lượt là SSI (14.911 tỷ đồng), VNDirect (12.178 tỷ đồng), TCBS (9.250 tỷ đồng), Chứng khoán VPBank (8.920 tỷ đồng), Mirae Asset (6.591 tỷ đồng), SHS (6.505 tỷ đồng), VPS (5.700 tỷ đồng), VIX (5.492 tỷ đồng)...
Về kết quả kinh doanh, trong quý II/2022, doanh thu của TCBS đạt gần 1.350 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước con số này đạt 1.288 tỷ đồng. Trong đó, lãi từ các tài sản chính thông qua lãi/lỗ đạt 326 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 407 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước. Lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) là 6,6 tỷ đồng. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu tăng mạnh từ 184 tỷ đồng quý II/2021 lên hơn 407 tỷ đồng. Đây cũng là mục đem lại cho TCBS nhiều doanh thu nhất.
Ngoài ra, doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán của TCBS trong quý II/2022 đạt 219,4 tỷ đồng, tăng gần 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nghiệp vụ bảo lãnh, phát hành chứng khoán cũng đem về cho TCBS doanh thu khổng lồ, lên tới 334 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong quý II của TCBS cũng tăng từ 136 tỷ đồng lên 221 tỷ đồng. Chi phí tài chính của TCBS tăng từ 65 tỷ đồng lên tới gần 200 tỷ đồng. Chi phí quản lý chứng khoán cũng tăng theo, từ mức 87,7 tỷ đồng lên 127,2 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng song các chi phí cũng tăng lên mạnh. Điều này làm tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của TCBS chỉ đạt 831 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 1.000 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của TCBS đạt lần lượt là 3.043 tỷ đồng và 2.008 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 32% và 9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 6 tháng đầu năm, TCBS đã phân phối 21.250 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp iBond, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, thu hút gần 80.000 khách hàng tham gia đầu tư.
Lãi từ khoản cho vay tăng 164% so với cùng kỳ lên mức xấp xỉ 800 tỷ đồng. TCBS đang giữ vị trí thứ 5 về mảng cho vay ký quỹ trên thị trường với dư nợ cho vay margin cuối quý II/2022 đạt 13.900 tỷ đồng, hiện có hạn mức cho vay ký quỹ sẵn sàng giải ngân khoảng 6.480 tỷ đồng.