Hình ảnh minh họa cách thức di chuyển của loài Sahelanthropus tchadensis - Ảnh: AFP
Năm 2001, các nhà khoa học đã phát hiện hóa thạch hộp sọ có niên đại khoảng 7 triệu năm trước đây của Sahelanthropus tchadensis - một loài tuyệt chủng thuộc họ Homininae (vượn người châu Phi) tại Cộng hòa Chad.
Hóa thạch được đặt tên là "Toumai", là hộp sọ gần như hoàn chỉnh và có những dấu hiệu cho thấy loài này đi bằng hai chân căn cứ vị trí cột sống và các yếu tố khác. Chủ đề này đã gây ra cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà khoa học. Một số ý kiến cho rằng Toumai không phải là họ hàng của con người, mà chỉ là một loài vượn cổ.
Thời điểm đó, các nhà khoa học cũng đã tìm thấy hóa thạch xương chân và xương cánh tay cùng với hàng nghìn hóa thạch khác nhưng không thể xác nhận thuộc về cùng một cá thể với hộp sọ Toumai.
Sau nhiều năm kiểm tra và đo đạc xương, các nhà khoa học đã xác định được 23 đặc điểm và so sánh với Homini - loài có quan hệ họ hàng gần với con người hơn là tinh tinh. Sau khi so sánh, tác giả chính của nghiên cứu Guillaume Daver cho biết nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận "những đặc điểm này gần với những gì thấy ở Homini hơn bất kỳ loài linh trưởng nào khác".
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng cho thấy Sahelanthropus tchadensis không chống mu bàn tay như khỉ đột và tinh tinh. Nơi sống của loài này có sự kết hợp của rừng, lùm cọ và thảo nguyên, có nghĩa là vừa đi bằng hai chân vừa leo cây sẽ là một lợi thế.
Nhà cổ sinh vật học Franck Guy, một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Hộp sọ cho chúng ta biết rằng Sahelanthropus tchadensis là một phần của dòng dõi loài người. Nghiên cứu mới về xương chi chứng minh rằng đi bằng hai chân là phương thức di chuyển ưa thích của loài này, tùy thuộc vào tình huống, nhưng đôi khi cũng di chuyển qua những cái cây".
Một phần hộp sọ của loài Sahelanthropus tchadensis được gọi là "Toumai", được phát hiện ở Chad vào năm 2001 - Ảnh: AFP
Trong khi đó, nhà cổ sinh vật học Jean-Renaud Boisserie cho biết: "Việc đi bằng hai chân không phải là một đặc điểm thần kỳ xác định chính xác loài người. Đó là một đặc điểm mà chúng tôi tìm thấy ở tất cả các đại diện của nhân loại".
Đánh giá cao về kết quả nghiên cứu, nhà cổ nhân học Antoine Balzeau thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp cho biết nghiên cứu "cực kỳ quan trọng", mang lại "hình ảnh đầy đủ hơn về Toumai và cũng là về những con người đầu tiên".
Tác giả của nghiên cứu trên gồm các nhà nghiên cứu từ Viện Cổ sinh vật học PALEVOPRIM, Trung tâm nghiên cứu CNRS của Pháp, Đại học Poitiers và các nhà khoa học ở Cộng hòa Chad.
TTO - Một bộ xương hàm hóa thạch vừa tìm thấy ở Israel cho thấy người hiện đại rất có thể đã rời châu Phi sớm trước cả 100.000 năm so với chúng ta vẫn nghĩ.