Tình trạng hết xăng vừa diễn ra tại Đồng Tháp vào tháng 8 vừa qua do những bất cập trong việc nhập hàng từ các đơn vị - Ảnh cơ quan chức năng kiểm tra cung cấp
Trên trang Facebook Diễn đàn Xăng dầu có gần 29.000 thành viên, xuất hiện hàng loạt lời chia sẻ như "tất cả các cửa hàng bán lẻ đồng loạt làm đơn xin tạm thời nghỉ bán gửi Sở Công thương"; hay "ôm hàng khó khăn", "đại lý không mua được hàng"; chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm…
Theo một số ý kiến, hầu hết các cửa hàng kinh doanh đều có tâm lý lo ngại nếu thông báo đóng cửa mà không kịp báo cáo cơ quan chức năng, thì không những bị kiểm tra, xử phạt, mà còn bị mất khách… Vì vậy, có đơn vị ngậm ngùi chấp nhận mua giá cao hơn, bán lỗ.
Ngay trong chiều 25-8, Bộ Công thương vừa có văn bản gửi thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu. Để đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho thị trường, Bộ Công thương yêu cầu đầu mối và thương nhân phân phối chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu để đảm bảo cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường.
Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống.
Chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, khách hàng một cách hợp lý để đảm bảo không gián đoạn cung ứng. Bộ cũng yêu cầu các thương nhân thực hiện nghiêm các quy định của nghị định 83, nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Trong trường hợp có khó khăn vướng mắc, cần báo cáo kịp thời về Bộ Công thương để phối hợp xử lý.
TTO - Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định quan điểm các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đảm bảo cung ứng xăng dầu, trường hợp phát hiện vi phạm như găm hàng sẽ rút giấy phép.