Rác thải lấp cống thoát nước trên đường Trường Sa, quận 3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Riêng hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện) không đúng nơi quy định thì mức phạt 150.000 - 250.000 đồng có thể thay đổi được thực tế nạn "tiểu bậy" hay không?
Nạn đụng đâu "xả" đó là nỗi niềm người đô thị. Hành vi xấu xí, phản cảm này bị lên án gay gắt hơn cả chuyện xả rác, hút thuốc nơi công cộng. Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định mức phạt tiền hành vi này từ 100.000 - 300.000 đồng. Điều 20 nghị định số 155/2016 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) quy định mức phạt 1-3 triệu đồng cùng yêu cầu bắt buộc "khắc phục hậu quả".
Trong nghị định mới, mức phạt chỉ bằng 1/10 so với quy định trước đây. Mức phạt này liệu có thể thay đổi được một thói quen xấu diễn ra "mọi lúc mọi nơi", phạt trực tiếp không xuể, phạt nguội lại không dễ có chứng cứ.
Phạt cũng chỉ là một phần câu chuyện. Ở TP.HCM tìm "đỏ mắt" mới có nhà vệ sinh công cộng, đa số được xây dựng trong các công viên, khu vui chơi, giải trí, tập thể dục thể thao. Rất khó tìm ra những nhà vệ sinh công cộng dọc đường, nhà chờ xe buýt không có nhà vệ sinh công cộng, cả bến xe buýt cũng thiếu nơi vệ sinh lịch sự.
Nhiều người thường phải ghé vào chợ hay siêu thị, chấp nhận tốn tiền gửi xe. Với khách vãng lai, tìm nơi "trút bầu tâm sự" quả thật "trần ai khoai củ". Góc tường, bờ kênh, gầm cầu bất đắc dĩ phải hứng chịu xú uế. Nhiều công viên để hóng mát, dạo chơi thoang thoảng cái mùi lưu niên.
Đầu tư thêm hệ thống nhà vệ sinh công cộng, đưa lên ứng dụng (app) giúp người dùng dễ tìm nơi gần nhất, tại sao lại không khi đây cũng là nhu cầu "thiết yếu"? Khi có nhà vệ sinh công cộng rồi, ai đó cố tình không vào thì mức phạt nặng cũng phải tâm phục khẩu phục.
Những quán ăn uống, khách sạn bên đường cũng cần tham khảo phong cách thân thiện như nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng, Hội An khi họ sẵn sàng đón khách lỡ đường vào nhà vệ sinh và không thu phí và "thoải mái như ở nhà". Nhiều cửa hàng xăng dầu dọc các tuyến quốc lộ cũng vui vẻ phục vụ khách có nhu cầu dù họ không mua xăng.
Một số hành vi gây hại môi trường khác cũng cần xử lý đến nơi đến chốn. Như chuyện quán trút thức ăn thừa ra đường hoặc xuống miệng cống, tiệm sửa xe máy đổ nhớt thải thẳng xuống hố ga, hộ dân xả nước ra đường. Lực lượng chấp pháp đừng ngần ngại, không nhân nhượng trước thói hư tật xấu.
Đừng để bị phạt!
Nghị định 45/2022 có hiệu lực từ ngày 25-8 có quy định các mức phạt như sau:
* Vứt bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng): phạt tiền 100.000 - 150.000 đồng.
* Vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định: phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng.
* Bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định: phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng.
* Vứt, bỏ rác trên vỉa hè, lòng đường, hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường; xả chất thải nhựa vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển... phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng.
* Chở nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường: phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.
T.MAI
TTO - Ông Nguyễn Minh Nhựt, phó Ban đô thị HĐND TP.HCM, nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước" theo chỉ thị 19 của Thành ủy.
Xem thêm: mth.90114732252802202-ud-auhc-ioht-tahp-od-ax-uad-gnud-noub-ion/nv.ertiout