Nhiều cán bộ thuế tại TP.HCM "nhúng chàm" tiếp tay cho nhóm bị can buôn lậu - Ảnh: TL
Trong 34 bị can, có 3 bị can là cán bộ các chi cục thuế tại TP.HCM bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ, gồm: Đào Thị Nga - cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 1, Nguyễn Phương Nam - cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 3, Ngô Huỳnh Lũy - cựu cán bộ Chi cục Thuế quận 5.
Kết luận điều tra thể hiện, Lưu Thị Ngát trao đổi và thống nhất với Trịnh Tiến Dũng, Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh về việc lập, sử dụng 17 công ty "ma" để xuất hóa đơn GTGT khống cho 6 công ty trung gian của Trịnh Tiến Dũng.
Các công ty trung gian này lập hồ sơ trực tiếp hoặc gián tiếp xuất hóa đơn GTGT, hợp thức hóa đầu vào cho Thuduc House, Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Hoàng Nam Anh. Phí bán hóa đơn là 0,8%/tổng doanh số của 17 công ty "ma".
Sau khi xuất hóa đơn khống, Ngát lập hồ sơ kê khai khống hàng hóa đầu vào để 17 công ty "ma" được khấu trừ, không phải nộp khoảng 9,9% tiền thuế GTGT.
Trong thời gian từ ngày 8-10-2019 đến ngày 18-4-2020, nhóm Trịnh Tiến Dũng, Trần Hoàn Tiên và Trần Nhất Thanh đã thanh toán cho Ngát 0,8%/tổng doanh số của 17 công ty "ma", tương ứng số tiền 28 tỉ đồng.
Trong đó, Ngát chi tiền cho cán bộ quản lý thuế thuộc các chi cục thuế quận 1, quận 3 và quận 5 khoảng 11 tỉ đồng để các công ty "ma" nêu trên được hoạt động bình thường trên địa bàn quận 1, quận 3 và quận 5.
Tại cơ quan điều tra, bị can Đào Thị Nga khai khoảng đầu năm 2018, Ngát tìm gặp Nga, giới thiệu là kế toán dịch vụ và đặt vấn đề xin chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh của 2 công ty về phường Cầu Ông Lãnh.
Ngát nhờ Nga giúp đỡ giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của công ty, Nga sẽ không tự kiểm tra và không đề xuất cấp trên kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh của 2 công ty này.
Khi phát hiện việc kê khai thuế của các công ty này có dấu hiệu gian lận thuế, có nguy cơ bị đưa vào diện thanh tra, kiểm tra hoặc trong trường hợp chuẩn bị thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo kế hoạch cấp trên, Nga sẽ thông báo cho Ngát biết để Ngát làm thủ tục chuyển địa chỉ đăng ký kinh doanh của công ty đi nơi khác.
Ngát sẽ chi cho Nga số tiền tương ứng với 0,1% tổng doanh số bán ra của 2 công ty. Thực tế, Nga đã nhận từ Ngát tổng số 776 triệu đồng và đã sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân, gia đình.
Tương tự, bị can Nguyễn Phương Nam khai quen biết Ngát từ năm 2018, khi Ngát đăng ký thành lập công ty tại quận 3. Ngát đề nghị Nam giúp đỡ cho 6 công ty khác của Ngát được hoạt động bình thường trên địa bàn Nam quản lý thuế. Ngát chi cho Nam khoảng 0,3%/tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT. Bị can Nam đã nhận tổng số khoảng 6 tỉ đồng từ Ngát.
Ngoài bị can Nga và Nam, Ngát còn hứa chi 0,2%/tổng doanh số xuất hóa đơn GTGT của 7 công ty khác cho bị can Ngô Huỳnh Lũy (cựu cán bộ thuộc Chi cục Thuế quận 5). Đến nay Lũy nhận được 497 triệu đồng.
Quá trình điều tra, bị can Ngát đã chủ động khai báo hành vi đưa tiền cho Đào Thị Nga, Nguyễn Phương Nam, Ngô Huỳnh Lũy trước khi bị phát giác, qua đó cơ quan điều tra phát hiện, điều tra làm rõ hành vi nhận hối lộ của các bị can Nam, Nga, Lũy nên miễn trách nhiệm hình sự đối với hành vi nhận hối lộ của bị can Lưu Thị Ngát.
Theo kết luận điều tra, Trịnh Tiến Dũng và Lưu Thị Ngát (giám đốc Công ty Khánh Hưng) đã thành lập và sử dụng 16 công ty ma, xuất hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Nhà Thủ Đức, Công ty Hoàng Nam Anh để các công ty này xuất khẩu và hoàn thuế GTGT. Sau đó, làm thủ tục kê khai khống hàng hóa đầu vào để các công ty "ma" được khấu trừ, không phải nộp khoảng 9,9% tiền thuế GTGT. Tổng cộng các bị can đã lừa đảo chiếm đoạt của Nhà nước hơn 538 tỉ đồng tiền thuế GTGT.
TTO - Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố 34 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty Thuduc House.