Cao tốc A3 đoạn qua Salerno trong thời gian hiện đại hóa - Ảnh: ANAS
Ngày 22-12-2016, Hãng thông tấn ANSA (Ý) đưa tin 55 năm sau khi thi công, đường cao tốc A3 dài 436km nối liền Salerno với Reggio Calabria cuối cùng đã hoàn thành với sự kiện thông xe qua đường hầm Larìa. Đây là công trình thi công đường bộ lâu nhất ở Ý với kinh phí ngốn gần 10 tỉ USD.
Các chuyên gia về giao thông thường nói đùa về "chỉ số bêtông", tức càng sử dụng nhiều bêtông thì mức độ tham nhũng càng cao.
TS kinh tế NIKLAS SIEBER
Chủ thầu, mafia và quan chức
Tại lễ khánh thành có mặt Thủ tướng Paolo Gentiloni và Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và giao thông Graziano Delrio, chủ tịch Công ty Đường bộ quốc gia (ANAS) Gianni Vittorio Armani phát biểu đường cao tốc A3 từ một biểu tượng tiêu cực về con đường "mãi mãi chưa hoàn thành" đã thay đổi thành một ví dụ tích cực về đường cao tốc cửa ngõ du lịch hiện đại. Nhân dịp này, đường cao tốc A3 được đổi tên thành đường cao tốc A2 Địa Trung Hải.
Trước đây, vùng Calabria ở miền Nam Ý bị cô lập do ngọn núi Aspromonte. Ý đã quyết định xây dựng đường cao tốc Salerno-Reggio Calabria nhằm kết nối miền Nam với phần còn lại của đất nước và châu Âu để thúc đẩy xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.
Dự án thi công cao tốc A3 bắt đầu vào ngày 21-1-1962. Công ty Đường bộ quốc gia phụ trách xây dựng và vận hành bởi đường A3 được đầu tư bằng vốn ngân sách do các nhà đầu tư khác sợ thu phí không đủ bù chi.
Năm 1967, 125km đầu tiên hoàn thành. Năm 1974, toàn bộ tuyến được thông xe. Khổ nỗi cao tốc A3 lại không đạt tiêu chuẩn của Ý và cả của châu Âu. A3 có mỗi chiều hai làn xe nhưng lại không có làn dừng khẩn cấp, bởi vậy tai nạn xảy ra liên miên.
Năm 1980, Chính phủ Ý thừa nhận cần phải làm lại cao tốc A3 nhưng nhiều năm sau vẫn chưa làm được. Công trình cải tạo nhằm hiện đại hóa và mở rộng cao tốc A3 bắt đầu vào năm 1997. Song năm 2011, Ý phải trả lại cho EU 382 triệu euro tiền trợ cấp sau khi Đơn vị Chống lừa đảo châu Âu (OLAF trực thuộc Ủy ban châu Âu) phát hiện nhiều bất thường phổ biến.
Theo báo cáo của Ủy ban Chống mafia Quốc hội khóa 15 (năm 2006-2008) được nhật báo Domani (Ý) công bố, từ đầu những năm 1970, các công ty thắng thầu đã bắt tay với bọn mafia về các mặt bảo đảm an toàn, tuyển dụng nhân công, cung cấp vật liệu và đào đắp.
Năm 2002, cuộc điều tra đầu tiên mang tên Tamburo do Văn phòng công tố chống mafia (DDA) tỉnh Catanzaro điều phối đã phát hiện 12 gia tộc mafia can thiệp vào tiến độ thi công. 40 người bị bắt gồm chủ thầu, trùm mafia, quan chức Công ty Đường bộ quốc gia, nhân viên thuộc các công ty xây dựng, cung cấp vật liệu và cho thuê máy móc.
Trong cuộc điều tra tiếp theo mang tên Arca do DDA tỉnh Reggio Calabria điều phối, 15 người bị bắt gồm chủ thầu, trùm mafia và một cán bộ Tổng liên đoàn Lao động Ý (CGIL).
Ủy ban Chống mafia Quốc hội nhận xét hai cuộc điều tra này đã vạch trần lề thói làm ăn móc ngoặc của các nhà thầu và hành vi câu kết của các cơ quan công quyền nhằm can thiệp vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng lớn.
Các gia tộc mafia có đất đai mà cao tốc chạy qua đã thỏa thuận với nhau về thủ tục "biết điều" trước khi làm đường và phân chia các đoạn cao tốc để kiểm soát nhằm tránh tình trạng "đá lộn sân".
Báo cáo nhận xét với cách phân chia các đoạn cao tốc về địa lý của mafia, có thể nói công trình thi công đường A3 diễn ra dưới sự kiểm soát chặt chẽ của mafia và rõ ràng tình trạng này chắc chắn có liên quan đến vấn đề thi công chậm trễ kéo dài và làm tăng thêm chi phí.
Thi công đoạn qua cầu Bagnara mới (cầu cạn Sfalassà) - Ảnh: ANAS
Giai đoạn nào cũng có thể xảy ra tham nhũng
TS kinh tế Niklas Sieber (Đức) phân tích có nhiều thủ đoạn để tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng đường sá.
- Thẩm định dự án: Giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và khả thi thường được giao cho các nhà tư vấn và liên quan đến nhiều số liệu về lưu lượng giao thông, mô hình vận tải, đánh giá tác động môi trường... Nếu không phải chuyên gia thì không thể hiểu, vậy nên mở ra nhiều cơ hội tham nhũng.
- Thiết kế chi tiết: Các kỹ sư có thể chọn thiết kế, vật liệu và phương pháp xây dựng áp dụng kỹ thuật cao hoặc không cần thiết (để che giấu các khoản hối lộ và kê khống) hoặc không đạt chất lượng (để giảm chi phí và tối ưu hóa giá hợp đồng).
Họ có thể lập sai thiết kế và phương pháp xây dựng theo ý nhà thầu đưa hối lộ hay cánh hẩu của quan chức, hoặc chọn vật liệu theo ý nhà cung cấp. Thiết kế chưa hoàn thiện còn là chiêu chừa chỗ sau này sửa đường.
- Đấu thầu xây dựng: Có nhiều chiêu móc ngoặc trong đấu thầu: các tiêu chí đấu thầu bị bóp méo hoặc thông tin bị rò rỉ có lợi cho nhà thầu "ruột", thông thầu giữa các nhà thầu của từng dự án riêng, nhà thầu hối lộ cho đại diện chủ dự án và/hoặc kỹ sư, đại diện chủ dự án và/hoặc kỹ sư làm tiền nhà thầu.
Nhà thầu có nhiều đối tác, nhà thầu phụ, công ty tư vấn, đại lý và có thể đưa hối lộ cho bất kỳ ai. Nhà thầu có thể chọn cánh hẩu của quan chức làm nhà thầu phụ và các cánh hẩu này "lót tay" cho quan chức.
- Thi công: Nhà cung cấp lem nhem có thể hối lộ nhân viên kiểm tra vật liệu vì giao vật liệu không đạt hoặc không lập hóa đơn. Đối với nhà cung cấp đàng hoàng, nhân viên này có thể đòi hối lộ mới chịu kiểm tra đúng. Ngoài ra, có thể xảy ra hối lộ hoặc đe dọa để lập hóa đơn khống đối với máy móc, thiết bị thuê ngoài.
Các khiếm khuyết do tham nhũng có thể được lấp liếm như thi công không đúng kỹ thuật, sử dụng vật liệu không phù hợp. Nhà thầu có thể bị vòi vĩnh từ quan chức đại diện cho chủ dự án và/hoặc cán bộ xác nhận trong khâu thanh toán hoặc khâu cấp giấy phép. Quan chức hoặc các băng nhóm địa phương có thể đe dọa nhà thầu chung chung để làm gián đoạn dự án, trừ khi có "phong bì".
Theo TS Niklas Sieber, trong phần lớn trường hợp nêu trên, tham nhũng rất khó phát hiện vì nhiều việc xảy ra cùng lúc nên khó giám sát. Hành vi tham nhũng còn có thể bị che giấu bằng các hồ sơ, giấy tờ chứng nhận và phê duyệt khống, hoặc đơn giản là có người sợ tố cáo.
Vì sao làm đường dễ tham nhũng?
Dự án cơ sở hạ tầng thường dễ che giấu các khoản hối lộ và kê khống vì có quy mô lớn, mức độ phức tạp nhiều, dự án chỉ làm một lần nên khó so sánh chi phí. Nhà thầu sẵn sàng "lót tay" đổi lấy hợp đồng vì số lượng hợp đồng nhiều và dự án lớn không phải lúc nào cũng có.
Dự án gồm nhiều giai đoạn liên quan đến nhiều nhóm quản lý khác nhau, vì vậy công tác giám sát khó khăn hơn. Chỉ một số công ty đáp ứng yêu cầu chuyên môn hóa của dự án, do đó dễ hình thành cánh hẩu trong đấu thầu. Các quan chức càng dễ nhận hối lộ một khi công tác kiểm soát không đầy đủ kết hợp với tính chất phức tạp của dự án.
Đường cao tốc đã có, vậy làm thế nào thúc đẩy kinh tế các địa phương ven đường? Cao tốc A75 trên cao nguyên lộng gió Massif Central ở Pháp là kinh nghiệm đáng tham khảo.
Kỳ tới: Điểm dừng ở xã và mạng lưới "Ngọc trai xanh"
TTO - Đầu năm 2011, vào thời điểm đường cao tốc liên biển phía Nam (Interoceánica Sur) giữa Peru và Brazil sắp hoàn thành, người dân Peru vui mừng với triển vọng thương mại hai nước đang đến gần.