vĐồng tin tức tài chính 365

Một trường đại học Mỹ kiếm 6 triệu USD mỗi ngày nhờ dầu mỏ

2022-08-27 11:51

Theo Bloomberg, mỗi ngày, hệ thống Đại học Texas (University of Texas System) kiếm được khoảng 6 triệu USD từ một vùng đất giàu khoáng sản mà họ quản lý tại mỏ dầu lớn nhất của Mỹ.

Đại học Texas quản lý 850.000 ha đất trong lưu vực Permian. Họ đang cho các công ty gồm ConocoPhillips, Continental Resources và gần 250 nhà khai thác khác thuê đất. Năm 2022, doanh thu từ nguồn này đang trên đà tốt nhất từ trước đến nay nhờ giá dầu tăng cao và sản lượng khai thác tốt ở lưu vực Permian.

Dầu đạt mức cao 120 USD mỗi thùng vào đầu năm nay do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng năng lượng sau khi xảy ra chiến sự tại Ukraine. Đến nay, giá dầu WTI hạ nhiệt nhưng vẫn duy trì mức trên 90 USD mỗi thùng và OPEC+ còn định giảm sản lượng để kéo giá dầu lên thêm.

Tính đến tháng 6/2021, Harvard là đại học giàu nhất ở Mỹ với nguồn thu 53,2 tỷ USD còn Texas đứng nhì với 42,9 tỷ USD. Kinh doanh phát đạt năm nay có khả năng giúp Đại học Texas vượt mặt Harvard về độ giàu có.

Một điểm khai thác dầu mỏ nằm trên đất của Đại học Texas ở lưu vực Permian. Ảnh: Bloomberg

Một điểm khai thác dầu mỏ nằm trên đất của Đại học Texas ở lưu vực Permian. Ảnh: Bloomberg

William Goetzmann, Giáo sư nghiên cứu tài chính và quản lý tại Trường Quản lý của Đại học Yale, cho biết Đại học Texas đứng trước thách thức về cuộc khủng hoảng tiền mặt khi điều chỉnh danh mục đầu tư theo các mối quan tâm của xã hội. Tuy nhiên, doanh thu từ dầu khí sẽ giúp trường này thoát khỏi nguy cơ đó. Theo ông, nguồn tiền này giúp các nhà quản lý đầu tư của trường có thanh khoản và đủ tiềm mặt để tìm kiếm các thương vụ trong thị trường giá xuống.

Đây cũng là nguồn tiền mặt linh hoạt, thay vì bị ràng buộc trong các khoản đầu tư như vốn cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm - vốn là nguồn thu chính mang lại lợi nhuận kỷ lục của Đại học Harvard vào năm ngoái. Do vậy, ngay cả khi Đại học Texas đầu tư lỗ, doanh thu từ dầu mỏ có thể bảo vệ giá trị tài sản của họ.

Trong khi đó, có khả năng nguồn thu của Harvard sẽ giảm. Theo dữ liệu của Bloomberg, lợi nhuận trong 10 năm của trường tính đến tháng 6/2021 thuộc hàng thấp nhất so với các trường khác trong nhóm Ivy League gồm 8 trường. Trong khi từ 2018, Đại học Texas vượt Yale với tư cách là trường đại học giàu thứ hai của Mỹ nhờ giá dầu tăng.

Nhưng với việc thế giới đang tiến tới sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn để giảm thiểu biến đổi khí hậu, có một số hoài nghi về việc Đại học Texas có thể trông chờ vào dòng tiền từ dầu mỏ này trong bao lâu nữa.

Ở bang Texas, nơi năng lượng là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất, môi trường cũng bị tàn phá nghiêm trọng. Ngoài hoạt động gây ô nhiễm của công nghiệp khí đốt, bang này còn chịu tác động của quá trình xử lý nước thải mỏ dầu.

"Chúng tôi nhận thấy đây là một nguồn doanh thu khổng lồ cho Đại học Texas và giáo dục đại học rất cần thiết. Nhưng với chi phí nào?", Luke Metzger, Giám đốc điều hành của nhóm vận động Môi trường Texas nói. Theo ông, cái giá là bang đang trải qua một số tác động tồi tệ của nóng lên toàn cầu với nhiệt độ cao kỷ lục, cháy rừng và hạn hán.

Đại học Texas cho hay đã dành một diện tích đất lớn cho các dự án năng lượng tái tạo. "Những vùng đất này có khả năng tạo ra năng lượng mặt trời và gió đáng kể", William R. Murphy, Giám đốc điều hành University Lands, một bộ phận của Đại học Texas phụ trách quản lý đất đai, cho biết. Theo ông, trường mong đợi sự tăng trưởng đáng kể trong các lĩnh vực này và các năng lượng mới nổi khác.

Ngoài Texas, một số trường đại học ở Mỹ cũng có những tài sản riêng. Ví dụ Đại học Emory sở hữu cổ phiếu của Coca-Cola; Đại học Northwestern có thuốc Lyrica; Đại học George Washington nắm nhiều bất động sản. Harvard thì được biết đến trong lịch sử về quản lý đầu tư và gây quỹ dài hạn - ít nhất một tỷ USD mỗi năm kể từ năm tài chính 2014.

Doanh thu top 3 đại học giàu nhất ở Mỹ. Đồ họa: Bloomberg

Doanh thu top 3 đại học giàu nhất ở Mỹ. Đồ họa: Bloomberg

Tuy nhiên, với Đại học Texas, dầu mỏ là một sự tình cờ. Vào những năm 1800, bang Texas đã dùng đất giúp tài trợ cho giáo dục đại học công lập. Thoạt đầu, nó có vẻ như là một món quà vô giá trị vì những mảnh đất đó khô cằn. Chúng được trao tặng để kỳ vọng kiếm nguồn thu từ chăn thả gia súc.

Nhưng điều đó thay đổi từ tháng 5/1923, khi dầu mỏ được phát hiện. Giờ đây, các giàn khoan nằm rải rác trên khu đất phẳng màu nâu, có kích thước hơn 600 km từ Đông sang Tây và 185 km từ Bắc xuống Nam.

Khai thác dầu đang trên đà đạt đỉnh. "Trong sáu năm qua, University Lands đã thu hút các nhóm kỹ sư, nhà địa chất, địa vật lý và các chuyên gia khác để khai thác hiệu quả nhất có thể", ông Murphy nói.

Dầu không cần phải là 100 USD một thùng để trường tạo ra doanh thu. Họ thu tiền quyền khai thác, trung bình là 22,3% mỗi thùng. Theo công ty dữ liệu năng lượng Enverus, vùng đất này sản xuất tương đương khoảng 300.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tức gần một phần năm lượng dầu mà Exxon Mobil Corp cung cấp trên toàn thế giới.

Doanh thu từ dầu và khí đốt của trường chảy vào Quỹ Đại học Thường trực (PUF). Số tiền đó từ năm 1996 đã được quản lý chuyên nghiệp bởi Công ty Quản lý Đầu tư A&M của Đại học Texas gọi là UTIMCO. Hai phần ba số tiền của PUF dành cho hệ thống Đại học Texas, một phần ba dành cho hệ thống Đại học Texas A&M, hỗ trợ tổng hợp 27 tổ chức và gần 350.000 sinh viên.

Kenneth Medlock, Nhà kinh tế và Giám đốc cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng tại Đại học Rice (Houston), cho biết tất cả những lo lắng rằng dầu đang bị gạt sang một bên để có năng lượng sạch hơn, nhiên liệu hóa thạch sẽ cần thiết trong ít nhất ba thập kỷ nữa.

University Lands xác định lượng dầu và khí đốt tự nhiên của họ tương đương 326 triệu thùng dầu thô. Quy mô này ngang bằng với một số công ty dầu khí đang niêm yết như Laredo Petroleum và Matador Resources.

Trường cũng đã xác định được khoảng 25.000 địa điểm có thể khoan các giếng mới. Từ đó, họ có thể tiếp cận được 1,7 tỷ thùng mà không tính đến những cải tiến trong công nghệ khoan dầu tương lai. Một số công ty lớn như Chevron, Exxon, Occidental Petroleum và Pioneer Natural Resources đều đã cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính của họ xuống 0 trong ba thập kỷ tới. Các nhà phê bình cho rằng trường cần bổ sung các điều kiện chặt chẽ hơn cho việc thuê đất.

"Chúng tôi đang tích cực giảm lượng khí thải mêtan và tiến hành hàng trăm cuộc kiểm tra khí thải hàng năm. Chúng tôi cũng đã đầu tư các nguồn lực đáng kể vào chiến lược bảo tồn nước ngầm", ông Murphy cho biết.

Với quỹ đất của mình, Hệ thống Đại học Texas đã sẵn sàng tìm các nguồn doanh thu khác khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hơn. Bang Texas vốn đứng số một về năng lượng gió và số hai về năng lượng mặt trời, theo báo cáo thường niên năm 2021 của Hiệp hội Điện sạch Mỹ.

University Lands có 8 hợp đồng thuê và cho thuê trước năng lượng mặt trời với diện tích khoảng 9.700 ha và 7 hợp đồng thuê và cho thuê trước điện gió với diện tích gần 69.000 ha. Doanh thu từ năng lượng tái tạo dự kiến đạt 5,2 triệu USD trong năm tài chính này, tăng từ 281.000 USD một thập kỷ trước.

"Chúng tôi đang kinh doanh năng lượng. Chúng tôi đang đi đúng hướng để trở nên thông minh với điện gió, mặt trời, địa nhiệt và hydro như chúng tôi đang làm với dầu và khí đốt", Murphy nói. Tiền từ việc cho thuê năng lượng mặt trời và gió chảy vào Available University Fund.

Phiên An (theo Bloomberg)

Xem thêm: lmth.8692054-om-uad-ohn-yagn-iom-dsu-ueirt-6-meik-ym-coh-iad-gnourt-tom/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Một trường đại học Mỹ kiếm 6 triệu USD mỗi ngày nhờ dầu mỏ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools