100 cá nhân từ mọi miền Tổ quốc tham gia lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022 - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Hai năm vừa qua, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến công tác vận động và tiếp nhận máu. Tuy nhiên, lượng máu tiếp nhận năm 2021 vẫn đạt gần 1,4 triệu đơn vị, trong đó trên 99% là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu.
Những tháng đầu năm 2022, cả nước vận động và tiếp nhận trên 850.000 đơn vị máu, cao điểm là Chiến dịch hiến máu tình nguyện dịp Tết, Lễ hội Xuân hồng, Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, Chiến dịch Những giọt máu hồng - hè và chương trình Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt.
Phát biểu tại lễ vinh danh, ông Lê Tiến Châu - phó chủ tịch, tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho biết 100 đại biểu tiêu biểu hiến máu ngày hôm nay xứng đáng là những người anh hùng vì mang lại niềm hy vọng sống cho nhiều người.
"Mong rằng các tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong cả nước về dự lễ vinh danh hôm nay sẽ là những hạt nhân nòng cốt cho phong trào hiến máu tình nguyện để chúng ta có thêm hàng ngàn, hàng vạn tấm gương sáng về hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện", ông Châu nói.
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong thời gian tới, ông Châu đề nghị Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ, can chỉ đạo các cấp cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, vận động; nâng cao chất lượng tiếp nhận, sàng lọc, bảo quản các sản phẩm của máu.
Tiếp tục duy trì, phát triển ngân hàng máu sống, câu lạc bộ máu dự bị để luôn chủ động có nguồn máu an toàn sẵn sàng cho cấp cứu và điều trị, dự phòng cho thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có thể xảy ra.
Trao bằng khen, tôn vinh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2022 - Ảnh: NGUYÊN BẢO
102 lần hiến máu
Tham gia lễ vinh danh, hàng trăm cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến máu, vận động hiến máu từ mọi miền Tổ quốc đã mang đến chương trình những câu chuyện đầy ý nghĩa về những tấm lòng cao cả vì cộng đồng.
Từ người sợ máu, trở thành "nghiện" hiến máu, đó chính là câu chuyện của anh Ngô Đặng Dư (48 tuổi, hiện đang là bảo vệ tại TP.HCM).
Anh Dư đã hiến máu 102 lần trong suốt 26 năm, trở thành người có số lần hiến máu nhiều nhất trong danh sách được tôn vinh năm nay. Dù đã có 102 lần hiến máu, nhưng điều bất ngờ là trước kia anh Dư lại có chứng sợ máu.
Anh Ngô Đặng Dư đi từ TP.HCM ra Hà Nội tham dự lễ tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2022 - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Anh Dư chia sẻ từ năm 1995 khi đang chăm sóc một người bạn tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Chứng kiến trường hợp người nhà bệnh nhân cấp cứu chạy đôn đáo tìm máu, lúc ấy rất muốn giúp nhưng lại có chứng sợ máu và chưa biết có bị ảnh hưởng tới sức khỏe sau khi cho máu hay không.
"Sau khi về nhà, lúc nào tôi cũng nghĩ về hình ảnh "người chờ máu". Lương tâm cắn rứt và luôn tự đặt câu hỏi sẽ ra sao nếu người nhà bệnh nhân đó không tìm được người hiến máu? Nếu không có máu để bác sĩ kịp thời cấp cứu thì tính mạng người đó thế nào?…", anh Dư nhớ lại.
Đến năm 1996, anh Dư tham gia công tác chi đoàn dân quân tự vệ tại địa phương, nhờ đó anh biết tới phong trào hiến máu nhân đạo. Anh đã mạnh dạn đăng ký tham gia liên tục cho tới nay.
Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên hiến máu, anh Dư nói: "Khi đó, trong tôi xuất hiện hai luồng cảm xúc. Thứ nhất là hồi hộp, vì tôi rất sợ máu và kim tiêm. Khi thấy bịch đựng máu, tôi bị chóng mặt và muốn bỏ về ngay lập tức. Nhưng khi nghĩ lại trường hợp năm 1995, tôi tự động viên bản thân phải cố gắng vượt qua nỗi sợ, vượt qua chính mình".
Anh Dư cho biết: "Năm 1996, việc vận động người dân tham gia hiến máu gặp rất nhiều khó khăn. Do tôi vận động chủ yếu là các đoàn viên, dân quân tự vệ, đa phần là các bạn thanh niên. Vì vậy nhiều khi mấy bạn có những tâm lý sợ bệnh viện, sợ xét nghiệm… Nên tôi cực kỳ vất vả và khó khăn để đi vận động.
Bản thân khi đó gia đình tôi khi nghe đến hiến máu thì đều có tâm lý rất là sợ. Lúc đó, người ta nghĩ máu lấy đi thì sẽ mất lượng máu đó không thể tái tạo nên đã phản đối rất nhiều. Tôi chỉ còn cách dùng hành động để chứng minh cho lời nói của mình. Cứ 3, 4 tháng, tôi lại đi hiến máu một lần. Sau một khoảng thời gian thì gia đình đã hiểu và ủng hộ tôi".
Trung úy Trần Văn Phú nhận bằng khen tại lễ vinh danh, anh từng vượt 700km để hiến máu cứu người - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Vượt 700km để hiến máu
Khi còn là sinh viên đang học tập tại Bắc Ninh, trung úy công an Trần Văn Phú (32 tuổi, hiện đang công tác tại đội tổng hợp Công an thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) từng vượt 700km vào Huế để kịp thời hiến máu cứu người.
Anh Phú kể: "Hôm ấy, đọc được thông tin trên Facebook về một nạn nhân ở Huế đang nguy kịch vì tai nạn giao thông, cần tiểu cầu nhóm A để cấp cứu. Nghĩ đến tính mạng người bệnh đang ngàn cân treo sợi tóc, lại cùng nhóm máu với mình, tôi đã bắt xe vượt qua quãng đường gần 700km vào Huế".
Sau 14 năm "miệt mài" hiến máu, "gia tài" của anh chính là 60 tờ giấy chứng nhận hiến máu (53 lần hiến máu, 7 lần hiến tiểu cầu).
Anh Phú vẫn nhớ như in lần đầu tiên hiến máu, đó là năm 2008, khi vừa tròn 18 tuổi, anh bắt xe buýt từ Bắc Ninh đến Viện Huyết học - truyền máu trung ương với quãng đường 60km. "Lúc đó hồi hộp, cũng lo lắng nhưng khao khát hơn là muốn được giúp đỡ người bệnh. Từ đó định kỳ 3 tháng 1 lần, tôi lại hiến máu. Chỉ cần nhìn thấy những bệnh nhân đang khỏe lên từng ngày là lòng mình thực sự mãn nguyện", anh Phú nói.
Đó chỉ là hai trong số hàng ngàn câu chuyện hiến máu, vận động hiến máu tình nguyện mà các tình nguyện viên trên khắp cả nước đang thực hiện mỗi ngày. Họ là những tấm gương bền bỉ, thầm lặng hiến máu để mang lại nhịp đập trái tim cho người bệnh, lan tỏa hành động nhân ái cho cộng đồng, xã hội.
TTO - 'Tôi rất vui khi được đóng góp cho sức khỏe cộng đồng. Hiến máu xong cảm thấy khỏe hơn chứ không có ảnh hưởng gì, tôi sẽ tiếp tục tham gia nhiều lần nữa', bà Đặng Thị Dứt nói trong lúc chờ hiến máu tại Trường đại học An Giang sáng 23-7.