Trong khi 1/5 dân số ở Hồng Kông (Trung Quốc) phải vật lộn với vấn đề an ninh lương thực, thì 1/3 tổng số thực phẩm bị bỏ vào thùng rác, 13 triệu bát cơm bị đổ đi mỗi ngày và 40% các bãi rác của Hồng Kông được tạo thành từ rác thải thực phẩm.
Theo số liệu mới nhất, rác thải thực phẩm hiện chiếm khoảng 30% tổng lượng chất thải rắn được chôn lấp ở Hồng Kông, trung bình khoảng 3.200 tấn mỗi ngày vào năm 2020.
Trong số rác thực phẩm được xử lý hàng ngày tại các bãi chôn lấp, khoảng 778 tấn được tạo ra từ các nhà hàng, khách sạn, chợ ẩm thực, công nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm.
Đây là một vấn đề cấp bách, đặc biệt là khi Hồng Kông đang chạy đua để đạt được mức trung tính carbon vào năm 2050.
Để giải quyết thách thức về rác thải thực phẩm, chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) đã ban hành “Kế hoạch về rác thải thực phẩm và rác thải sân vườn Hồng Kông 2014-2022” (Kế hoạch về rác thải thực phẩm) và “Bản kế hoạch về rác thải thực phẩm Hồng Kông đến năm 2035”' (Kế hoạch chi tiết), để vạch ra các chiến lược quản lý rác thải thực phẩm.
Chung tay với chính quyền địa phương, một số công ty khởi nghiệp Hồng Kông cũng đang đưa ra các giải pháp sáng tạo nhằm ngăn tận dụng các loại thực phẩm thừa thay vì để chúng bị vứt vào bãi rác.
Biến bánh mỳ thành bia
Năm 2020, Anushka Purohit, Naman Tekriwal, Deevansh Gupta and Suyash Mohan, 4 sinh viên trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông đứng ra thành lập Breer, một công ty chuyên sản xuất bia từ bánh mì. Breer chuyên thu thập các sản phẩm bánh mì dư thừa từ các nhà bán lẻ, sau đó giao chúng cho các nhà máy bia địa phương mà công ty cấp phép.
Cô Anushka đã nung nấu ý tưởng làm gì đó để tận dụng rác thải thực phẩm từ năm 10 tuổi, khi cô chứng kiến nhân viên một cửa hàng Starbucks vứt những chiếc bánh ngọt không bán được vào những túi rác màu đen.
Cô Anushka cho biết, mặc dù Hồng Kông có nhiều chương trình để cung cấp bánh mì dư thừa cho những người đói ăn, nhưng gần 1/3 số đó vẫn bị vứt đi.
Công ty Breer của cô Anushka mới chỉ đi vào hoạt động hết công suất được một năm nay, nhưng đã tạo được tiếng vang khá lớn. Thông qua việc hợp tác với các công ty lớn như Maxim’s Caterers và Jardine Restaurant, sản phẩm của họ đã có mặt tại hơn 150 cửa hàng địa phương.
Theo cô Anushka, chi phí duy nhất mà công ty phải bỏ ra đó là chi phí thuê kho lạnh. Mô hình này giúp giảm chi phí trong khi tối đa hóa tác động xã hội, cô cho biết.
Chỉ trong 4 tháng qua, Breer đã thu về hơn 314.000 đô la Hồng Kông (HKD), tương đương 40.000 USD. Số tiền này, cùng với khoảng 4 triệu HKD mà họ đã huy động được thông qua các cuộc thi và các nhà tài trợ kể từ năm 2020, được dùng để tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh của công ty, Anushka cho biết.
Upcycling - quá trình biến đổi những vật liệu bỏ đi hoặc không sử dụng thành những sản phẩm có chất lượng cao hơn, đã phổ biến trong giới thời trang và phụ kiện mấy năm nay. Tuy nhiên, nó chỉ mới được ứng dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm thời gian gần đây.
Xu hướng này đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Năm 2021, Whole Foods, chuỗi siêu thị cao cấp của Amazon, tuyên bố rằng các sản phẩm thực phẩm tái chế là một trong 10 loại thực phẩm được mong đợi nhất của họ, dựa trên ý kiến đóng góp từ khách hàng toàn cầu và các chuyên gia ẩm thực của công ty.
Thêm vào đó, thị trường các sản phẩm thực phẩm tái chế dự kiến sẽ tăng 57% từ 52,91 tỷ USD lên 83,26 tỷ USD vào năm 2032, theo dữ liệu được công bố bởi Future Market Insights và tổng hợp bởi ReFED, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ tập trung vào việc giảm thất thoát và lãng phí lương thực.
Giải cứu thực phẩm
Tái chế thực phẩm không phải là cách duy nhất mà các công ty khởi nghiệp ở Hồng Kông đang làm để giảm lãng phí thực phẩm.
Tháng 8/2021, một ứng dụng cho phép người dùng mua những hộp thực phẩm chưa bán được từ các nhà hàng với giá ưu đãi mang tên Chomp ra đời.
Đây là một ứng dụng mới được thiết kế để thay đổi quan điểm về tiêu thụ thực phẩm và tính bền vững ở Hồng Kông. Ứng dụng này kết nối khách hàng với các doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhỏ và lớn, trong khu vực có thực phẩm dư thừa. CHOMP gọi quá trình này là “giải cứu” thực phẩm. Sau một năm, công ty có 88 nhà hàng tham gia và khoảng 4.000 người dùng đăng ký.
Carla Martinesi, 26 tuổi và Chris Wettling, 27 tuổi là những người đã phát triển ứng dụng. Sau khi du học ở Thụy Sĩ và trở về Hồng Kông, họ cảm thấy nơi này đang tụt hậu so với các địa phương khác trong việc giải quyết vấn đề rác thải thực phẩm.
Khó khăn về tài chính
Theo ông Donny Siu Koon-ming, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, các doanh nhân trẻ không phải lo lắng về vấn đề tài chính để biến ý tưởng của họ thành hiện thực.
Theo ông, nhiều tổ chức từ thiện và vườn ươm tập trung hiện đang tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp bền vững, và các nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này.
Tuy nhiên, đối với Chomp, việc thu hút các nhà đầu tư tham gia vào nền tảng này là một thách thức trong những ngày đầu. Do đó, Martinesi và Wettling phải dựa vào gia đình, bạn bè và các khoản trợ cấp mà họ nhận được từ các chương trình được chính hỗ trợ như Cyberport.
Breer cũng chủ yếu dựa vào doanh số bán bia, tài trợ và tiền thưởng từ các cuộc thi kinh doanh để hoạt động. Anushka cho biết, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến công nghệ thực phẩm như protein thay thế hơn là thực phẩm tái chế.
Bà Poman Lo, Phó Chủ tịch Century City International Holdings và Giám đốc điều hành của Regal Hotels International, cho rằng các mục tiêu bền vững nên được coi là một cơ hội kinh tế hơn là gánh nặng cho các công ty khởi nghiệp và các nhà đầu tư.
Đối với cô Anushka, thành công của Breer cuối cùng được đo lường bằng tác động môi trường hơn là lợi nhuận tài chính.
Cô ước tính rằng kể từ khi Breer bắt đầu sản xuất hết công suất vào một năm trước, họ đã tiết kiệm được hơn 120.000 lít nước và tiêu thụ được 10.000kg bánh mì thay vì để người ta đưa chúng ra bãi rác.
“Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành chuỗi cung ứng. Khi sản xuất bia, rất nhiều loại hạt đã qua sử dụng bị coi là rác và bị vứt đi, nhưng gần 50% trong số đó có thể được tái sử dụng để nướng bánh mì”, những người đồng sáng lập công ty Breer cho biết.
Nguyễn Tuyết (Theo South China Morning Post, epd.gov.hk)