Để lập lại trật tự an toàn giao thông, mới đây, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với CSGT và các quận, huyện tổ chức xử lý nạn "xe dù, bến cóc". Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều tuyến đường trên địa bàn TPHCM cho thấy, tình trạng "xe dù, bến cóc" vẫn hoạt động khá bát nháo, gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn và khiến nhiều bến xe lâm vào cảnh ế ẩm.
Dài chỉ hơn 500m nhưng đường Phó Cơ Điều, Q5, có tới 3 nhà xe, gồm: nhà xe H., nhà xe Hùng C. và nhà xe Kim C. đặt văn phòng. Mỗi ngày, tuyến đường này có hàng chục xe trung chuyển, xe khách chất lượng cao (CLC) hoạt động rầm rộ từ sáng tới tối. Xe cộ ra vào liên tục khiến đường Phó Cơ Điều vốn chật hẹp lại càng thêm bí bách. Để nhắc nhở khách, một số nhà xe "yêu cầu khách để xe trên vỉa hè để khỏi bị phạt", thế nhưng chính bản thân những nhà xe này lại cho những chiếc xe "khủng" của mình ngang nhiên đỗ ngay trên lòng, lề đường. Mỗi khi xe dừng đón - trả khách, bốc dỡ hàng hóa, đường Phó Cơ Điều bị "bóp" lại thành một lối nhỏ khiến các phương tiện khác bị dồn "thành cục".
Không chỉ bị hàng rong, bãi giữ xe tự phát chiếm dụng, hàng trăm mét vỉa hè đường Phạm Hữu Chí, Q5 còn bị nhà xe Quốc H. "phù phép" thành nơi đón - trả khách, tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa khiến đường Phạm Hữu Chí bị bóp nghẹt gần một nửa, giao thông ùn ứ. Tại vỉa hè và lòng, lề đường Nguyễn Chí Thanh, Q5, có một tấm biển to cảnh báo các phương tiện khác "đừng đậu xe chỗ này" nhưng nhà xe Tân Lập T. dùng làm điểm dừng đậu xe, tập kết hàng hóa, đón - trả khách cũng khiến giao thông luôn ùn ứ.
Tại đường Đào Duy Từ, Q10, việc tập kết hàng hóa, dừng đậu đón - trả khách của nhà xe Phú Vĩnh L., diễn ra nhộn nhịp không kém. Tương tự, mỗi ngày tại nhiều tuyến đường ở quận 1 như: Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính, Nguyễn Thái Bình... và nhiều tuyến đường khác tại TPHCM cũng bị nhiều nhà xe chiếm dụng lòng, lề đường, vỉa hè để dừng đỗ đón - trả khách, vận chuyển hàng hóa, gây cản trở giao thông và "làm khó” người đi bộ.
Sáu tháng đầu năm nay, Thanh tra giao thông thành phố đã lập 183 vụ vi phạm về "xe dù, bến cóc". Sở GTVT thành phố cũng đã "điểm tên" nhiều cửa hàng xăng dầu thường xuyên diễn ra tình trạng xe khách, xe hợp đồng, taxi lợi dụng đổ xăng dầu để đón trả khách.
Theo đó, tại TP.Thủ Đức có cửa hàng xăng dầu Nhơn Hòa (số 520, QL13), cửa hàng số 47 (số 39C, QL13); Q.Tân Bình có cửa hàng xăng dầu tại 45 Trường Sơn; Q.Bình Thạnh có cửa hàng xăng dầu số 3 tại 490 Điện Biên Phủ, cửa hàng Petrolimex số 490E Điện Biên Phủ... không chỉ gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông mà còn không đảm bảo các quy định về phòng chống cháy nổ.
Bất chấp việc thành phố đẩy mạnh xử lý, những ngày này tình trạng "xe dù”, "bến cóc" vẫn hoạt động nhộn nhịp. Một trong những khu vực có "xe dù”, "bến cóc", "họp chợ" xôm tụ nhất là từ Bến xe Miền Đông cũ (BXMĐC) đến BXMĐM dọc theo QL13 và QL1A (trước cổng KCX Linh Trung 1, tại khu vực Trạm Hai, trước chợ Tam Bình, chân cầu vượt bộ hành trước Nhà máy Mitsubishi, chân cầu vượt Sóng Thần, Suốt Tiên, ngã ba Vũng Tàu...).
Nguyên nhân khiến BXMĐ mới vắng khách
Một số chuyên gia giao thông cho rằng, việc "xe dù, bến cóc" hoạt động nhộn nhịp, không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mất trật tự an toàn giao thông mà còn mất lượng khách đến với các bến xe, nhất là BXMĐM đang rất "khát" khách.
Nằm giáp ranh giữa TPHCM và Bình Dương, BXMĐM có diện tích 160.370m2, diện tích bãi đỗ xe khách chờ vào vị trí đón khách rộng 29.880m2, bãi đỗ dành cho các phương tiện khác rộng 21.000m2, diện tích phòng chờ của hành khách rộng 1.152m2, tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỉ đồng. Từ tháng 10-2020, bến xe này đưa vào khai thác 22 tuyến cố định các tỉnh từ Quảng Trị trở ra Bắc. Sau khi triển khai di dời xong giai đoạn một, bến xe hoạt động ổn định sẽ tiếp tục thực hiện với các tuyến khác.
Được đầu tư xây dựng hoành tráng là vậy, nhưng đến nay, bến xe này vẫn chưa mang lại hiệu quả mong đợi. So sánh lượng khách và xe xuất bến giữa BXMĐC và BXMĐM cho thấy, lượng khách và xe xuất bến giữa hai bến xe này khá trái ngược nhau. Thống kê vào thời điểm đầu tháng 6 vừa qua, mỗi ngày BXMĐC rất nhộn nhịp với 12.886 hành khách, với 781 lượt xe xuất bến, hàng hóa tiếp nhận và bốc dỡ với khối lượng lớn.
Trái với sự nhộn nhịp của BXMĐC là sự vắng vẻ đìu hiu của BXMĐM. Kể từ ngày đi vào hoạt động đến nay, bến xe này lúc nào cũng thưa thớt, lúc đông khách nhất, BXMĐM chỉ đạt 700-800 khách/ngày. Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TPHCM, bình quân mỗi ngày, BXMĐM chỉ có 24 hành khách với khoảng 7 lượt xe xuất bến. Cao điểm vào dịp lễ, Tết, bến xe này cũng chỉ phục vụ 60 khách mỗi ngày.
Do vắng khách, tại khu vực ghế chờ, quầy vé gần như không có ai lai vãng ngoài lực lượng bảo vệ, đội ngũ lao công và nhân viên bến xe. Không có hàng hóa, nhiều doanh nghiệp vận tải phải gồng mình để hoạt động cầm chừng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp vì lỗ, buộc phải xin chuyển qua bến xe khác hoạt động.
Một trong những nguyên nhân khiến hành khách chưa hào hứng với BXMĐM là do bến xe này cách xa trung tâm thành phố hơn 20km, lại nằm ở vị trí không thuận lợi, gần QL1A với các ngã ba "tử thần" như: ngã ba 621, ngã ba Tân Vạn, ngã ba Vũng Tàu - nơi hàng ngày có lượng lớn xe ben, xe container qua lại khiến người dân ngại di chuyển đến BXMĐM. Vì xa trung tâm thành phố nên người dân phải tốn thêm kinh phí đi xe ôm, taxi hoặc phải đón 2, 3 chặng xe buýt mới đến nhà, rất bất tiện.
Ông Hà Duy Lập, Phó phòng Kế hoạch Vận tải Công ty TNHHMTV BX Miền Đông cho biết, BXMĐM vắng khách một phần do bị tác động bởi dịch Covid-19, một phần do người dân chưa quen di chuyển 20km từ nội thành ra bến xe mới, một phần do chưa dẹp được vấn nạn "xe dù, bến cóc". "Xe dù, bến cóc" được xem là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay.
Giải pháp nào giúp BXMĐ mới "thoát ế"?
Trước vấn nạn này, Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông thường xuyên tổ chức khảo sát, quay phim, chụp hình các điểm "xe dù, bến cóc" trái phép rồi làm văn bản kiến nghị Sở GTVT và các địa phương dẹp bỏ, nhưng đến nay vẫn như "bắt cóc bỏ dĩa".
Ngay trước cửa BXMĐC này cũng có bến xe trái phép hoạt động nhộn nhịp. Cơ quan chức năng đóng cửa khoảng 3-4 tuần thì họ hoạt động nhộn nhịp trở lại. Sự tồn tại của "xe dù, bến cóc" không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông, giảm khả năng cạnh tranh giữa các nhà xe, không kích cầu được thói quen đi lại của người dân và Nhà nước bị thất thu.
Bên cạnh đó, chuyện vắng khách còn phụ thuộc vào tiến độ di dời từ bến xe cũ ra bến xe mới. Đến thời điểm hiện tại, 2 bến cũ và mới vẫn đang trong quá trình di dời thuộc giai đoạn 1.
Theo một số chuyên gia đô thị, BXMĐM là đầu mối giao thông quan trọng liên kết giữa metro với các tuyến xe buýt, xe khách liên tỉnh. Tuy nhiên đến nay, bến xe này vẫn chưa được xây dựng hoàn thiện. Hệ thống hạ tầng xung quanh bến xe như: tuyến metro, hầm chui, cầu vượt... chưa hoàn thành; hệ thống giao thông phụ trợ như: xe taxi, xe buýt, xe trung chuyển... chưa đồng bộ để phục vụ nhu cầu đi lại ngày càng phong phú của người dân.
Ngoài bất cập về hạ tầng giao thông phụ trợ, việc BXMĐC còn tồn tại cũng khiến cho BXMĐM vắng khách. Để "giải cứu" BXMĐM, thành phố cần sớm đóng cửa bến cũ để tập trung hoàn toàn vào khai thác bến mới. Điều này không chỉ sớm tạo thói quen cho người dân mà còn giúp kéo giảm tình trạng kẹt xe khu vực nội đô.
Ông Hà Duy Lập cho biết, sắp tới, đơn vị quản lý sẽ tiến hành di dời giai đoạn 2. Dự kiến ngày 1-10 tới sẽ chuyển 120 tuyến từ Huế trở vào TPHCM từ bến cũ ra bến mới. Sở GTVT Thành phố đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT công bố các tuyến cụ thể. Khi các tuyến xe đi vào hoạt động ổn định, các đơn vị vận tải mới mạnh dạn đưa các phương tiện trung chuyển vào sử dụng để giúp người dân thay đổi thói quen đi lại.
Vừa rồi Sở GTVT đề xuất cấm xe khách cỡ lớn di chuyển vào trung tâm thành phố theo giờ. Nếu đề xuất này khả thi và được thực hiện thì tình trạng "xe dù, bến cóc" trong nội thành không còn nữa, lúc đó sẽ giải được bài toán "xe dù, bến cóc" bát nháo hư hiện nay và cũng là cách giúp các bến xe hoạt động hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, để làm được điều này, không phải trong một sớm một chiều mà phải làm từng bước, từng giai đoạn và cần có sự chung tay, đồng lòng giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhà xe và cả sự giúp sức của người dân.
Xem thêm: lmth.132631_iom-gnod-neim-ex-neb-e-mal-coc-neb-ud-ex/h42-gnoht-oaig/nv.moc.nagnoc