Tọa đàm có sự tham dự của bà Khương Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN); ông Donald Lambert - Giám đốc Phụ trách Khu vực Tư nhân tại Việt Nam, Văn phòng ADB tại Việt Nam; cùng đại biểu đại diện các cơ quan quản lý liên quan, các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành, các ngân hàng thương mại, các chuyên gia...
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói chung, DNNVV do phụ nữ làm chủ nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng này đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề tiếp cận tài chính.
Bà Khương Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế phát biểu tại toạ đàm.
Phát biểu khai mạc toạ đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Khương Thanh Hà cho biết, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế và là nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây. Năm 2021, kinh tế tư nhân chiếm tỉ trọng 42 – 43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
DNNVV là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong phát triển kinh tế. Trong những năm qua, DNNVV đã có sự phát triển rộng về phạm vi hoạt động và đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực: số lượng doanh nghiệp tăng qua các năm và hoạt động trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.
Với lợi thế về vốn đầu tư ít và nguồn lao động dồi dào, DNNVV cung cấp cho thị trường nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, tạo ra nhiều sự lựa chọn, đáp ứng được mọi nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sức tiêu thị của nền kinh tế. Ngoài ra, DNNVV khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh của các nguồn lực địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Với sự linh hoạt và năng động trong hoạt động, các DNNVV nhanh chóng thích ứng với các điều kiện kinh doanh mới, đặc biệt khi nền kinh tế hứng chịu các cú sốc từ thiên tai, dịch bệnh như thời gian qua, đảm bảo việc đứng vững mà không phải giảm nhân công, đồng thời nhanh chóng thu hút lại lực lượng lao động khi nền kinh tế đi vào chu kỳ phục hồi.
Bà Hà nhấn mạnh, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần trao quyền cho phụ nữ qua cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Xu thế lãnh đạo là phụ nữ trong khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng phổ biến. Sự phát triển của DNNVV cho phụ nữ làm chủ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.
Việc hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ là yêu cầu thực tiễn đối với Việt Nam. Vấn đề tiếp cận tài chính với các DNNVV do phụ nữ làm chủ luôn là ưu tiên với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ đầu tư và phát triển tại địa phương, nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại (NHTM) là một kênh hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp.
Tọa đàm hôm nay được tổ chức nhằm mục tiêu chia sẻ dự thảo nghiên cứu của ADB về tình hình tiếp cận tài chính đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, qua đó tiếp thu ý kiến của các bên liên quan để hoàn thiện khuyến nghị chính sách với cơ quan quản lý. Đây cũng là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ vướng mắc, khó khăn trong tiếp cận tài chính của nhóm doanh nghiệp này.
Ông Donald Lambert - Giám đốc Phụ trách Khu vực Tư nhân tại Việt Nam phát biểu tại toạ đàm.
Về phía Văn phòng ADB tại Việt Nam, ông Donald Lambert – Giám đốc Phụ trách Khu vực Tư nhân tại Việt Nam cho rằng có những khác biệt giữa DNNVV do nữ giới và nam giới làm chủ. Nghiên cứu của ADB cho thấy các khoản vay được cung cấp cho DNNVV do nữ giới làm chủ chiếm tỉ trọng khiêm tốn hơn so với nam giới. Ông Donald Lambert mong muốn báo cáo sẽ phát huy giá trị, làm cơ sở để xem xét, giải quyết vấn đề chênh lệch hiện nay. Các ý kiến phản hồi của các đại biểu tại toạ đàm cũng sẽ góp phần chỉ ra cách để thu hẹp khoảng cách đó, mang lại những giá trị tốt hơn.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng của ngân hàng, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỉ giá, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn của các DNNVV. Xác định DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn hỗ trợ cho vay đối với các lĩnh vực này; đồng thời, quy định trần lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển được hưởng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ thấp hơn so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.
NHNN cũng ban hành chỉ thị điều hành tín dụng hàng năm theo hướng tập trung nguồn vốn tín dụng cho sản xuất – kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có đối tượng DNNVV; Chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đối với DNNVV, tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 cũng như triển khai Chương trình phục hồi và phá triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tích cực thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn chính sách qua việc triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố, các khu vực kinh tế góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng.
Các chuyên gia từ ADB đã giới thiệu tổng quan về Dự án “Thúc đẩy Chương trình cải cách bình đẳng giới tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương” và Nghiên cứu của ADB về Tiếp cận Tài chính đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ, trong khuôn khổ Chương trình Tăng tốc phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp của phụ nữ ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Trong đó, các chuyên gia đề cập đến những nội dung chủ yếu, những phát hiện liên quan khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam dưới góc độ của cả bên cung và bên cầu. Theo đó, các DNNVV do phụ nữ làm chủ chiếm trung bình 22% trong danh mục cho vay SME tổng thể của ngân hàng với số lượng các khoản cho vay dành cho phụ nữ nhìn chung ổn định trong vài năm qua. Các DNNVV do phụ nữ làm chủ cho thấy tỉ lệ hoàn trả khoản vay liên tục tốt hơn. Các NHTM là nguồn vốn đáng tin cậy nhất của các nữ chủ doanh nghiệp. Khi cần vốn, đại đa số DNNVV do phụ nữ làm chủ tìm cách vay ngân hàng, ít người phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác.
Khuyến nghị được đưa ra đối với NHNN bao gồm việc xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; kêu gọi, khuyến khích các tổ chức tài chính đầu tư vào phân khúc thị trường này bằng các yêu cầu các tổ chức tài chính thu thập dữ liệu phân tách theo giới; nâng cao kiến thức về đầu tư dưới lăng kính giới; cải thiện các chương trình bảo lãnh dành cho các DNNVV; thúc đẩy cơ chế cho vay dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, coi đây như một chiến lược phòng ngừa rủ ro tích cực để bảo vệ ngân hàng trước tình trạng giảm sút chất lượng danh mục cho vay. Đối với các tổ chức tài chính, nên bắt đầu thu thập dữ liệu phân tách theo giới ở cấp danh mục đầu tư một cách thường xuyên; thiết kế, triển khai các chiến lược về giới ở cấp doanh nghiệp và danh mục đầu tư; phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu và thiên hướng riêng của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Tại toạ đàm, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về thách thức và chính sách thúc đẩy tiếp cận tài chính đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ; tình hình triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ tại các NHTM (BIDV, TPBank); kinh nghiệm quốc tế tăng cường tiếp cận tài chính đối với DNNVV do phụ nữ làm chủ…
LK - Ảnh: MT.
Xem thêm: 052715VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www