vĐồng tin tức tài chính 365

Ngành Ngân hàng tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

2022-08-30 17:47

Tham dự có Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cùng Ban lãnh đạo NHNN; đại diện lãnh đạo Ủy ban Kinh tế, Tài chính - Ngân sách, Pháp luật, Khoa học - Công nghệ và Môi trường…; lãnh đạo một số vụ, cục thuộc NHNN.

Hoạt động của ngành Ngân hàng gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã rà soát kĩ và thấy được nhiệm vụ tổng quát của hai Nghị quyết này là thực hiện giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong ổn định kinh tế vĩ mô, đối với hoạt động ngân hàng là đảm bảo an toàn của thị trường ngoại hối và an toàn của hệ thống ngân hàng.

image

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi làm việc

Bối cảnh thế giới và trong nước 6 tháng đầu năm nay có rất nhiều áp lực nhưng kết quả hoạt động của NHNN vẫn được đánh giá cao. Dù vậy, Thống đốc cho rằng trong thời gian tới, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ đã hiện rõ. Đơn cử như tác động vòng hai của lạm phát đã thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 7; tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực; hay với vấn đề lãi suất, nếu giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong khi lãi suất thế giới cao thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao, khi đó sẽ áp lực đến tỷ giá, đồng VND sẽ mất giá...

Có thể nói, NHNN đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên”, người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao, doanh nghiệp mong giảm lãi suất đầu ra, doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng còn các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh.

Khẳng định NHNN luôn lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ luôn kiên định đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định an toàn của hệ thống ngân hàng lên trên hết.

Chính vì vậy, Thống đốc NHNN mong muốn khi đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu ở Nghị quyết của Quốc hội, NHNN sẽ được đánh giá ở mục tiêu tổng thể, bởi phải nhìn nhận rằng, bối cảnh xây dựng hai Nghị quyết này khác với hiện tại, vì vậy nếu thực hiện các mục tiêu cụ thể này sẽ mâu thuẫn với mục tiêu chung.

Với ngành Ngân hàng, không chỉ thực hiện mục tiêu của Nghị quyết năm nay mà phải hướng tới mục tiêu bền vững, ổn định, bởi chính sách tiền tệ nó là tác động độ trễ, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng có tác động độ trễ. Có nhiều giải pháp mà nếu can thiệp bây giờ chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt của năm nay và gây ra những hệ lụy của năm sau.

Tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Tại buổi làm việc, trình bày báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, giai đoạn 2021-2025, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú đã cho biết các kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trên các lĩnh vực:

Điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tín dụng và hoạt động ngân hàng góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô:

NHNN đã điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản hệ thống TCTD được đảm bảo; trong bối cảnh chịu áp lực lớn từ việc tăng mạnh lãi suất của các nước trên thế giới, mặt bằng lãi suất cho vay chỉ tăng tương đối nhẹ do nhu cầu tín dụng tăng cao nhằm đáp ứng quá trình phục hồi. Tỷ giá được điều hành chủ động, phù hợp vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ cú sốc bên ngoài, vừa bán ngoại tệ can thiệp để bổ sung nguồn cung cho thị trường, hạn chế nhập khẩu lạm phát và giảm sức ép mất giá lên VND.

image

Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú báo cáo tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội

Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành khác trong điều hành CSTT, giá hàng hóa dịch vụ để góp phần kiểm soát lạm phát. Kết quả là, lạm phát 7 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đặt ra (lạm phát bình quân là 2,54%; lạm phát cơ bản bình quân là 1,44%), góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và là cơ sở quan trọng để tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P nâng mức xếp hạng của Việt Nam từ BB lên BB+ vào tháng 5/2022. 

Điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP và các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”. Đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%).

NHNN đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủphê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đồng thời, ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai thực hiện Đề án; hiện đang chỉ đạo các TCTD rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tài chính, hoạt động của TCTD, đồng thời nhận định những khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế cần xử lý để xây dựng phương án cơ cấu lại của từng TCTD. NHNN cũng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đến ngày 31/12/2023.

Tích cực triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội:

Triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chương trình trong Quý I/2022. Theo đó,tình hình thực hiện các chương trình, nhiệm vụ được giao đã đạt được các kết quả:

Về chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các NHTM:

NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và kịp thời đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị định. Tổ chức Hội nghị toàn ngành ngân hàng; Hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham gia chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện chính sách.

Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt khoảng 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.

Các ngân hàng đã và đang rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất và đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất.

Sau gần 3 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn còn hạn chế. Do đó, ngày 9/8/2022, NHNN đã có Công văn yêu cầu các NHTM báo cáo nhanh một số thông tin về kết quả hỗ trợ lãi suất, tình hình tiếp cận, tiếp nhận, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, xử lý đề nghị hỗ trợ lãi suất của khách hàng. Qua ghi nhận sơ bộ từ báo cáo của các NHTM, một số nguyên nhân, khó khăn dẫn tới chính sách chậm triển khai là:

(i) Khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất: Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có Văn bản giải đáp số 5251/BKHĐT-PTDN ngày 29/7/2022 về đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, hiện các NHTM vẫn gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành.

(ii) Nguyên nhân liên quan đến khách hàng vay:

Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ;

Bộ Xây dựng đã công bố 04 dự án với tổng nhu cầu 1.751 tỷ đồng. Tuy nhiên chưa phát sinh dư nợ đối với chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ do số lượng dự án còn ít và mới được công bố.

(ii) Nguyên nhân từ phía NHTM:

NHTM có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai thực hiện trước đây nhưng vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng;

Các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Căn cứ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục đôn đốc các NHTM triển khai. Đồng thời, rà soát, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh để tăng tiến độ giải ngân của Chương trình.

Về giữ ổn định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn: Cuối tháng 6/2022, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn của toàn hệ thống TCTD là 25,08%. Các TCTD về cơ bản đều đáp ứng quy định này (trừ một số TCTD yếu kém, được kiểm soát đặc biệt).

Về triển khai chính sách hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH): NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đến nay, các bộ, ngành đang khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn làm cơ sở để NHCSXH triển khai cho vay theo thẩm quyền.

Về triển khai các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do Covid-19:

NHNN đã thực hiện tái cấp vốn cho các TCTD sau khi các TCTD cho Tổng Công ty hàng không Việt Nam vay, với tổng số tiền tối đa 4.000 tỷ đồng.

Thực hiện giải ngân tái cấp vốn 4.787 tỷ đồng đối với NHCSXH để cho người sử dụng lao động vay theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Đến ngày 31/7/2022, dư nợ của Chương trình là 4.192 tỷ đồng với 1.083 khách hàng còn dư nợ.

Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợtheo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN và các Thông tư sửa đổi, bổ sung: Đến cuối tháng 6/2022, các TCTD đã thực hiện:(i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ: Lũy kế giá trị nợ đã được cơ cấu lại từ khi ban hành Thông tư 01 là hơn 722 nghìn tỷ đồng cho gần 1,1 triệu khách hàng; dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hiện còn khoảng 178 nghìn tỷ đồng;(ii) Miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ: Lũy kế giá trị nợ được miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ là hơn 92 nghìn tỷ đồng cho gần 562 nghìn khách hàng; dư nợ miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 17 nghìn tỷ đồng.

Thời hạn để áp dụng chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi của các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 đến 30/6/2022. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động thực hiện nghiên cứu, phân tích, đánh giá và dự kiến không tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Thực hiện giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Lũy kế đến cuối tháng 6/2022, tổng số tiền lãi các TCTD đã giảm, hạ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 50.000 tỷ đồng.

Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán: Tiếp tục triển khai chính sách giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng theo Thông tư 13/2021/TT-NHNN (áp dụng từ 01/9/2021-30/6/2022). Tính đến hết tháng 6/2022, tổng số phí các TCTD đã miễn/giảm cho khách hàng khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Các TCTD đã áp dụng nhiều chính sách miễn, giảm phí tài khoản, thẻ cho khách hàng; triển khai các gói sản phẩm dịch vụ “zero fee” như miễn phí chuyển khoản, phí quản lý tài khoản, phí phát hành, phí thường niên thẻ,…

Tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực ngân hàng:

Thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ về chuyển đổi số, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của NHNN triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, rà soát xây dựng và hướng dẫn triển khai các quy định pháp lý nhằm phát triển thanh toán và thúc đẩy chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng; Ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ công tác và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; thành lập Tổ công tác và Ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu các phương án kết nối, khai thác thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chip phục vụ việc định danh, xác thực khách hàng.

Đến nay, hầu hết các TCTD đã, đang hoặc dự tính xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số; tích cực ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 hoặc hợp tác với công ty Fintech nhằm ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, an toàn, tiện lợi (ứng dụng Tokenization, thanh toán di động, sử dụng mã QR code, định danh điện tử eKYC...) trong hoạt động thanh toán. Có 82 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 51 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile, hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số cũng không ngừng được hoàn thiện, kết nối liên thông tất cả các ngân hàng, các trung gian thanh toán; kết nối liên thông với các bộ, ngành; kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối liền mạch hệ sinh thái…Tính đến nay, 68% người trưởng thành ở Việt Nam đã có tài khoản; Hơn 1,77 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money; Các giao dịch của khách hàng trên kênh số đạt trên 90%; 100% nghiệp vụ thanh toán được số hóa…; Ứng dụng công nghệ hiện đại vào thanh toán, cung ứng dịch vụ, nghiệp vụ đạt hiệu quả.

Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; hệ thống ATM, POS tiếp tục hoạt động ổn định, được các ngân hàng quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử được vận hành ổn định, thông suốt và an toàn; tình hình thanh khoản của các ngân hàng thành viên đảm bảo, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán.

Để triển khai thực hiện tốt hơn nữa các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, giai đoạn 2021-2025, NHNN kiến nghị:

Tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; theo đó CSTT cần được điều hành thận trọng, linh hoạt, không chủ quan với áp lực lạm phát. Sử dụng tích cực chính sách quản lý giá, điều tiết về thuế, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu để hỗ trợ kiểm soát lạm phát.

Căn cứ thực tế triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, NHNN sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đôn đốc các NHTM triển khai. Đồng thời, rà soát các vướng mắc phát sinh, trong đó có vướng mắc liên quan đến đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách để tăng tiến độ giải ngân chương trình.

Các quy định pháp lý về giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng; định danh và xác thực điện tử;…cần được rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan nhằm thúc đẩy và tạo dựng môi trường giao dịch số an ninh, an toàn, bảo vệ người sử dụng dịch vụ số.

Hạ tầng kỹ thuật,cơ sở dữ liệu trong từng ngành, lĩnh vực cần được nâng cấp nhằm tạo thuận lợi cho việc tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các ngân hàng, trung gian thanh toán để mở rộng hệ sinh thái số và phát triển dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu biết người dân về ứng dụng kỹ thuật số, rủi ro và cơ hội từ CMCN 4.0. Chú trọng công tác đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng thích ứng với CMCN 4.0.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả ngành Ngân hàng đã đạt được, đồng thời phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là đối với những áp lực trong điều hành CSTT, điều hành tín dụng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất qua hệ thống NHTM; tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu; tăng vốn điều lệ của các NHTM; hoạt động mua, bán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD; phòng chống tội phạm công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng...

image

Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Đ/c Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chúng ta thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 trong bối cảnh có rất nhiều yếu tố bất lợi, áp lực lạm phát gia tăng là những vấn đề đặt ra trong công tác điều hành CSTT của NHNN để bảo đảm thực hiện được mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đã đề ra. Đồng thời, NHNN cũng phải triển khai các chính sách trong Nghị quyết 43/2022/QH15 để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Những yêu cầu này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của NHNN trong triển khai thực hiện để có thể đạt được các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.

Phó chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả đã đạt được của NHNN trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó nổi bật là kết quả trên những lĩnh vực:

Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, ổn định thị trường tiền tệ, ổn định tỷ giá, cơ bản giữ ổn định mặt bằng lãi suất, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực, kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng cao trong khi nền kinh tế trong nước mới đang dần phục hồi sau tác động của dịch COVID-19. Kết quả là lạm phát 7 tháng đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, góp phần tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Điều hành tín dụng hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế; tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với cùng kỳ; cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ.

Công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực theo Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững, quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng, năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Theo đề nghị của Chính phủ (NHNN là cơ quan chủ trì soạn thảo), ngày 18/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã từng bước đi vào cuộc sống. NHNN đã tham mưu trình Chính phủ cũng như ban hành văn bản theo thẩm quyền đối với chính sách hỗ trợ lãi suất qua hệ thống NHTM, triển khai các chính sách hỗ trợ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực ngân hàng được đẩy mạnh thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ mới; tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong quy trình quản lý và quản trị của NHNN. Về phía các NHTM cũng đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại, an toàn, tiện lợi trong hoạt động ngân hàng; rút ngắn các quy trình, thủ tục, góp phần tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Để phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai có kết quả, hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị NHNN quan tâm các nội dung sau:

Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 43, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, bảo đảm hiệu quả trong thời gian triển khai Chương trình (đến hết năm 2023); trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần làm rõ lý do và sớm có giải pháp tháo gỡ; trường hợp cần thiết sửa đổi quy định, cần khẩn trương nghiên cứu đề xuất kịp thời. Điều hành tín dụng hợp lý, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó: (i) tập trung khẩn trương phối hợp với Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội trong việc hoàn thiện hồ sơ và giải trình, tiếp thu trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống rửa tiền tại kỳ họp thứ 4; trước mắt là hoàn thiện hồ sơ để trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tháng 9 tới đây; (ii) tổ chức xây dựng dự án Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), trong đó có các quy định về xử lý nợ xấu sau khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD hết hiệu lực vào cuối năm 2023; (iii) tiếp tục rà soát các luật khác như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Ngân hàng Nhà nước…, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; Nâng cao năng lực tài chính của tổ chức tín dụng, nhất là tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước và NHTM có vốn nhà nước chi phối; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD. Tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD, thanh tra chuyên đề đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Nghiên cứu rà soát, sửa đổi các quy định về việc các TCTD chào bán, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, hạn chế rủi ro, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Chỉ đạo các TCTD tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, đơn giản hóa quy trình, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất phù hợp, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu đời sống, tiêu dùng chính đáng, góp phần hạn chế, tiến tới xóa bỏ “tín dụng đen”.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm cho vay an toàn, hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử và phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật để phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm liên quan; đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng.

CKH

Xem thêm: 512715VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ngành Ngân hàng tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools