vĐồng tin tức tài chính 365

Saigon One Tower chỉ thay lớp kính bên ngoài để đảm bảo an toàn

2022-08-31 03:28

Giữa cuối tháng 8, công trường tòa nhà Saigon One Tower 42 tầng tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1, tất bật thi công ốp kính các tầng cao và trang trí mặt ngoài cao ốc.

Động thái này cho thấy toà nhà từng được coi là "làm xấu bộ mặt thành phố" hơn chục năm qua, dường như đang hồi sinh. Tuy nhiên, chia sẻ với VnExpress, ông Trương Công Nam, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM, cho biết công trình này đã ngưng thi công từ 2011, tức hơn 11 năm, dẫn đến khả năng các khung kính chịu lực đã lắp đặt xung quanh gây mất an toàn cũng như ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Công nhân tất bật thi công lắp mặt kính mới. Ảnh: Thanh Tùng

Công nhân thi công lắp mặt kính mới tại toà cao ốc Sài Gòn One Tower. Ảnh: Thanh Tùng

Theo ông Nam, chủ đầu tư mới đây đã nộp hồ sơ đề xuất Sở Xây dựng cho phép tháo dỡ và thay khung kính bên ngoài. Thường trực UBND TP HCM đã có thông báo chấp thuận chủ trương và cho phép chủ đầu tư lắp khung kính mới nhằm chỉnh trang đô thị, đón lễ Quốc Khánh 2/9, cũng như đảm bảo an toàn cho người dân.

"Chủ đầu tư cam kết với UBND thành phố, Sở Xây dựng và quận 1 là thi công xong khung kính mặt ngoài và sẽ kết thúc vào 1/9. Các hạng mục khác, chủ đầu tư không được làm vì hiện dự án này đang chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ", ông Nam cho biết và khẳng định UBND quận 1 sẽ theo dõi để đảm bảo chủ đầu tư chấp hành chỉ đạo của UBND TP HCM.

Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cũng khẳng định dự án này không phải tái khởi động để thực hiện hoàn chỉnh và đưa công trình vào sử dụng. "Cái đó cần kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ và giấy phép cho xây dựng", ông Thanh nói và cho biết quận cũng rất mong công trình sớm khởi động lại để đưa vào sử dụng, thu hút nhà đầu tư vào thành phố.

Theo tìm hiểu của VnExpress, chủ mới của One Saigon Tower là Công ty Viva Land. Công ty này thành lập tháng 5/2019, vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, ngành nghề chủ lực là kinh doanh bất động sản. Tuy mới lộ diện, tổng diện tích quỹ đất mà đại gia này đang nắm giữ ước tính khoảng 800 ha với hơn 17.000 căn hộ.

Sau khi đổi chủ, cao ốc Saigon One Tower cũng có tên gọi mới là IFC One Saigon.

Diện mạo mới của Saigon One Tower ngày 30/8/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Diện mạo mới của Saigon One Tower ngày 30/8/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Dự án này vốn được công bố năm 2007 và khởi công xây dựng năm 2008, với tên gọi đầu tiên là cao ốc Sài Gòn M&C. Dự án có tổng mức đầu tư được công bố 256 triệu USD, tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng, trên khu đất rộng 6.672 m2.

Được dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 TP HCM với trên 185 m gồm 42 tầng cao và 5 tầng hầm, được quy hoạch là tòa nhà thương mại cao tầng gồm có cả văn phòng, căn hộ chung cư, căn hộ dịch vụ và trung tâm thương mại. Song thực tế tiến độ của dự án chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Sau khi xây dựng được khoảng 80% phần thô, công trình ngưng thi công năm 2011, từ đó bắt đầu thập niên bị bỏ hoang, bị thu giữ để xử lý nợ...

Cần phải huy động vốn đầu tư lớn để triển khai dự án trong khi nguồn lực hạn chế, lại rơi vào đúng chu kỳ khủng hoảng của thị trường bất động sản, là một trong những nguyên nhân khiến mâu thuẫn nội bộ giữa các chủ đầu tư cao ốc này diễn biến phức tạp.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan từng cho biết Saigon One Tower bị đình trệ bởi những mâu thuẫn trong nội bộ chủ đầu tư, trong đó có phân chia tài sản...

Chủ đầu tư đầu tiên của Saigon One Tower là Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C (sau đổi tên thành Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower). Đây là liên doanh giữa M&C và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - Công ty TNHH Đất Thủ đô.

Năm 2012, Đất Thủ đô thoái vốn, thay vào đó là nhóm cổ đông gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank), Công ty TNHH Chứng khoán DongA Bank, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Hướng Saigon One Tower nhìn về cầu Thủ Thiêm 2, chiều 30/8. Ảnh: Thanh Tùng

Hướng Saigon One Tower nhìn về cầu Thủ Thiêm 2, chiều 30/8. Ảnh: Thanh Tùng

Ba năm sau, tức vào năm 2015, Saigontourist và PNJ lần lượt thoái vốn tại công ty Sài Gòn M&C. Năm 2017, sau thời gian dài bị bỏ hoang, dự án Saigon One Tower được thế chấp cho khoản vay tín dụng hơn 7.000 tỷ đồng tại Maritime Bank và DongA Bank, trở thành khoản nợ xấu thuộc một vụ án hình sự.

Dự án sau đó bị Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để xử lý và thu hồi nợ của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower. Đến cuối tháng 3/2018, cao ốc Saigon One Tower được VAMC thông báo bán đấu giá để xử lý khoản nợ xấu hơn 7.000 tỷ đồng....

Trung Tín - Thu Hằng

Xem thêm: lmth.8372054-naot-na-oab-mad-ed-iaogn-neb-hnik-pol-yaht-ihc-rewot-eno-nogias/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Saigon One Tower chỉ thay lớp kính bên ngoài để đảm bảo an toàn”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools