Giới đầu tư, “cò” đất ồ ạt kéo lên Bình Phước rao bán đất, phân lô bán nền 3 tháng trước - Ảnh: A LỘC
Thời điểm tháng 3-2022, giá đất dọc tuyến đường ĐT.753 (tuyến đường được quy hoạch nối Bình Phước với Đồng Nai qua cầu Mã Đà) được "thổi" giá tăng vùn vụt, có nơi giá đất tăng từ 2-3 lần chỉ trong vài ngày.
Giá đất mặt tiền ĐT.753 từ 160 - 170 triệu đồng/mét ngang chỉ sau vài ngày tăng lên 270 - 290 triệu đồng/mét ngang. Giá đất "nóng" lên từng ngày, dân địa phương nhốn nháo lao vào mua bán đất. Tuy nhiên, 3 tháng sau cơn "sốt" trên, thị trường bất động sản nơi đây trở nên trầm lắng, gần như không có giao dịch.
Điểm nóng trên tuyến đường ĐT.753, đoạn từ cầu Cứ (xã Tân Hưng) đến ngã ba Thạch Màng (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) dài khoảng 10km giờ không còn thấy bóng dáng nhân viên môi giới đất. Những mảnh đất được san phẳng, chia thành từng lô lâu ngày đã mọc đầy cỏ; biển rao bán đất đóng trên thân cây phai màu, mất chữ. Các dự án đất sào, dự án khu dân cư… giờ bặt tăm bóng dáng chủ đất.
Chị Nguyễn Thị Na, người dân xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, cho hay 1-2 tháng nay, không còn tình cảnh người mua kẻ bán chen chúc, ôtô nườm nượp nối đuôi nhau, nhân viên môi giới cầm hồ sơ mời chào khách trên đường. Đất tại khu vực ngã ba Thạch Màng (xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) vẫn còn được rao cao ngất với giá bán khoảng 400 - 500 triệu đồng/mét ngang (dài 40 - 50m tùy lô đất).
Những nơi xa hơn dọc theo ĐT.753 có mức bán dao động từ 220 - 240 triệu/mét ngang. Mức giá này thấp hơn một chút so với cao điểm "sốt" đất nhưng vắng bóng người mua. Nhiều nhân viên nhà đất vẫn rao bán đất trên mạng, thậm chí mở bán khu mới nhưng hầu như không phát sinh giao dịch.
Nhiều "cò" đất phải bỏ cọc hoặc một số người đã chồng tiền đành nhận đất và chấp nhận bán lỗ. Qua nhiều nhóm, hội vẫn nghe câu chuyện hàng chục nhà đầu tư, "cò" đất phải bỏ cọc "tháo chạy", bỏ lại tình cảnh dở dang và nợ nần cho nhiều người trót ôm đất giá đỉnh, trong đó có không ít người địa phương.
Kiến nghị không làm đường xuyên khu dự trữ sinh quyển
Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị không xây dựng cầu Mã Đà, không làm đường xuyên qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.
Sau khi nghiên cứu và tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy xây cầu Mã Đà và đường xuyên Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai là không phù hợp. Tuyến đường 31km nếu làm sẽ gây ra các tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái và vi phạm các điều ước quốc tế. Dự án còn vi phạm Luật đa dạng sinh học, Luật lâm nghiệp, Luật di sản văn hóa cũng như không phù hợp với các chủ trương về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị bổ sung phương án kết nối tỉnh Bình Phước với đường vành đai 4 TP.HCM (dài khoảng 71km), không qua cầu Mã Đà. Điểm đầu của hướng tuyến này ở tại ĐT.741 TP Đồng Xoài đi theo ĐT.753, kết nối ĐT.753 với đường Đồng Phú - Bình Dương và đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng nối về đường vành đai 4 TP.HCM.
Theo Bộ Giao thông vận tải, đây là tuyến đường ngắn nhất, kinh phí đầu tư ít nhất, thời gian di chuyển nhanh do tận dụng đường vành đai 4 TP.HCM, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và sân bay quốc tế Long Thành.
H.MI
Dòng tiền vẫn chảy mạnh vào bất động sản nghỉ dưỡng khi các kênh đầu tư khác có nhiều biến động. Tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng là ‘miếng bánh ngọt’ sinh lời.