Ngày 30/8, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo "Chế biến sâu – Giải pháp phát triển giá trị sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và nhiều chuyên gia, nhà khoa học có nghiên cứu về sen, Hội Ngành hàng sen, doanh nghiệp và nông dân trồng sen cùng tham dự hội thảo.
Lấy nguyên tắc “Muốn đào được giếng sâu thì trước tiên phải đào rộng” để nói về chế biến sâu sản phẩm sen Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan cho rằng, trước tiên phải có sự hiểu biết rộng về sen, hiểu được từ giá trị hữu hình đến giá trị vô hình của cây sen để từ đó tạo ra những ý tưởng, sản phẩm từ sen. Vì vậy, bên cạnh giá trị của sen trong đời sống ẩm thực, cần quan tâm khai thác nhiều hơn nữa giá trị văn hóa, giá trị tinh thần từ sen. Và không đơn thuần chỉ bán sản phẩm sen mà phải bán cả câu chuyện về sen cho khách hàng. Điều này cần được thẩm thấu trước tiên từ những người con của quê hương Đất Sen hồng.
Để thể hiện tình yêu sen, đưa “giấc mơ sen” đi xa hơn, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phải có cách tiếp cận mới mẻ hơn, khát vọng mãnh liệt hơn nữa. Ngoài ra, tinh thần hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, chế biến sen cũng được Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc đến, vì đây là tất yếu để phát triển bền vững ngành hàng sen.
Đồng Tháp có hơn 1.200 ha trồng sen. Hiện nay, cây sen Đồng Tháp được khai thác ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Thực phẩm, dược phẩm, trang trí và du lịch. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả xây dựng Đề án “Phát triển sản phẩm sen Đồng Tháp, giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng tới năm 2030”. Hiện sen là một trong 05 ngành hàng chủ lực của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Tỉnh đã thành lập Hội ngành hàng sen với mục đích tập hợp các doanh nghiệp, nông dân trồng sen, cơ sở chế biến sản phẩm từ sen, hướng đến thương mại, truyền thông, khai thác giá trị văn hóa từ sen.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, cây sen (lá, hoa, thân, rễ, hạt, tâm) là loại dược liệu quý trong đông y. Vì vậy, cây sen có nhiều tiềm năng để ứng dụng, chế biến thành các sản phẩm phục vụ y tế, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm và khai thác du lịch.
Thống kê các sản phẩm chế biến từ sen hiện nay rất đa dạng, có trà lá sen, trà tâm sen, trà ướp hương sen, hạt sen sấy, củ sen sấy, ngó sen chua ngọt, bột củ sen, sữa hạt sen, nón lá sen, tinh dầu sen...
Mặc dù có nhiều sản phẩm nhưng chủ yếu tiêu thụ nội địa, thiếu nguyên liệu theo mùa vụ, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản nguyên liệu tươi chưa được đầu tư và phát triển – các chuyên gia đánh giá. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng chưa được đầu tư và phát triển đúng tầm để đảm bảo an toàn vệ sinh và bảo quản lâu. Nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, hệ thống phân phối cần được nâng cao và phát triển.
Một số giải pháp được các chuyên gia đề xuất để phát triển giá trị sản phẩm sen Đồng Tháp đó là nghiên cứu giống sen đặc trưng (sen lấy hạt, sen lấy hoa, sen lấy ngó v.v.) cho nông dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng, ổn định giá cả để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu. Về phía doanh nghiệp cần có nhân lực và năng lực để nâng cao công nghệ chế biến, bao gói và bảo quản an toàn thực phẩm, thương mại, thị trưởng tiêu thụ.
Các nhà khoa học cho biết sẽ chuyển giao công nghệ để hỗ trợ nông dân, gắn kết với doanh nghiệp để khắc phục những hạn chế trong chế biến, tạo sản phẩm chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại hội thảo, những xu hướng mới trong chế biến thực phẩm của thế giới cũng được chia sẻ với các nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân trồng sen của Đồng Tháp, từ đó gợi mở thêm một số sản phẩm từ sen như: Phô mai hạt sen, các loại bánh mochi từ hạt sen, trà sen sấy đông khô (từ tim sen), snack từ củ sen...
Tuệ Minh