Hà Quang giúp em gái đọc đúng tiếng Việt - Ảnh: LÊ NAM
Năm 2016, cả nhà chúng tôi sang Singapore sinh sống và làm việc. Hà Minh, con gái út hơn 20 tháng tuổi lúc này còn chưa nói được tiếng Việt, không giống như anh trai Hà Quang được học trọn các lớp mẫu giáo ở quê nhà...
1. Sang Singapore vài tháng, chúng tôi gửi cháu vào nhà trẻ từ 8h sáng đến 16h mỗi ngày trong tuần, nơi bạn bè, cô giáo chỉ dùng tiếng Anh và Hoa để trao đổi giao tiếp. Vợ chồng chúng tôi quyết định sẽ dùng tiếng Việt để giao tiếp với các con trong toàn bộ thời gian ở nhà.
Hà Minh và Hà Quang gần 2/3 thời gian trong ngày các con giao tiếp với bạn bè, giáo viên bằng tiếng Anh, Hoa, về nhà xuống hồ bơi cũng chơi với các bạn Anh, Úc, Singapore, nên việc chọn dùng tiếng Anh để trao đổi với nhau vẫn là lựa chọn dễ dàng cho giao tiếp. Việc chúng tôi chuyển sang dùng toàn tiếng Việt với hai con cũng không dễ dàng.
Hà Minh cũng dần có vốn từ tiếng Việt tương đối nhưng do dùng quen tiếng Anh để chuyển đổi nên nhiều cấu trúc câu tiếng Việt được con đơn giản dịch sang từ tiếng Anh nghe mà buồn cười. Chẳng hạn, Hà Minh lúc được chúng tôi chỉ việc thì con nói: "Để con làm tự một mình". Chắc cô bé chuyển từ tiếng Anh "let me do it myself".
Có một lần vào cuối tuần, chúng tôi đưa hai anh em xuống sân tennis của chung cư và cả nhà cùng chơi tennis. Hai anh em tập tành chơi cả tiếng đồng hồ, mướt mồ hôi, nên xuống hồ bơi nghịch nước.
Sáng hôm sau ngủ dậy, Hà Minh sang phòng bố mẹ và nói: "Con mệt cái tay quá bố ơi". Tôi vẫn không hiểu dù con nói mấy lần và chỉ vào chỗ cánh tay. Hóa ra con gái dịch từ câu nói "my hand so tired". Hồi nhỏ có lúc đang chơi thì nàng... "thả bom". Động từ này được con gái Việt hóa từ chữ "passing gas" nên những lúc như vậy nàng sẽ nói "xin lỗi, con mới... xịt gas".
Có một đợt chúng tôi phát hiện Hà Minh đi học về cứ gãi đầu. Tưởng con bị nấm da đầu nên đưa đi khám mới biết là con có chí (chấy).
Tưởng chừng chuyện đó là hồi niên thiếu những năm 1980 của thế kỷ trước, ai ngờ Singapore thời này con nít vẫn bị như thường. Lần đó, bà nội sang chơi, đang chải đầu và buộc tóc cho cháu thì nghe cháu nói: "Con bị chí trứng (lice eggs) đó bà...". Bà ngớ người không hiểu, mãi sau khi được giải thích bà cháu ôm nhau cười mãi. Những lần như vậy, chúng tôi nhắc con nói lại cho đúng cách nói tiếng Việt. Có nhiều lúc Hà Minh biết là cách mình nói chưa đúng theo kiểu tiếng Việt thì ngay lập tức nàng bảo: "Chờ con chút để con nói lại".
2. Điều may mắn là chúng tôi có những khoảng thời gian ông bà nội, ngoại thay phiên sang chơi và sống cùng, nên việc giao tiếp tiếng Việt cũng có phần nhiều và đa dạng hơn. Mục tiêu yêu cầu các con nói tiếng Việt nhiều cũng dễ thuyết phục hơn vì "phải nói tiếng Việt để về quê hương còn nói chuyện với ông bà".
Cũng may là Singapore gần nên chúng tôi tranh thủ những kỳ nghỉ ở trường là đưa các con về quê nhà thăm ông bà, chú bác và dành tối đa thời gian ở nhà cho các con giao lưu với các bạn cùng lứa. Có năm, chúng tôi canh đặt vé Tết từ rất sớm và tôi vui mừng thông báo với các con: "Năm nay mình sẽ về nước ăn Tết". Hà Minh đang ngồi chơi, nghe vậy bỗng quay lại hỏi: "Tết có cay không bố?". Cả nhà phá lên cười vì câu hỏi quá ngây ngô của con gái.
Còn cậu Hà Quang có thói quen đọc sách rất tốt. Lớp 3, Quang được các bạn trong lớp bình chọn là "sâu đọc sách", thư viện trường cũng ghi nhận Quang là một trong top những học sinh mượn và đọc nhiều sách nhất trường nên được cô hiệu trưởng tặng huy chương "Star Reader" (ngôi sao đọc sách).
Tôi mua thêm sách Truyện cổ tích Việt Nam, Dế Mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Xóm Bàu Láng... để dần vào kệ sách của các con. Tất nhiên cũng phải có cuốn truyện tranh song ngữ Đúng là Tết (This is Tết) của Nhà xuất bản Kim Đồng để con gái cũng có thể tham khảo và hiểu "ăn Tết có cay không?".
Cô bé Hà Minh có thể nghe, nói tương đối ổn tiếng Việt, nhưng khi gần 7 tuổi dù đã biết ký tự tiếng Anh và Việt nhưng con chưa đọc được rành rọt chữ Việt. Chúng tôi cũng hơi sốt ruột. Lần nào về Việt Nam có thời gian rảnh, chúng tôi đều đưa các con đi chọn mua sách tiếng Việt nhưng thực sự con không có môi trường để sử dụng nhiều.
Bên cạnh đó, sách tiếng Việt cho trẻ em ở độ tuổi 6-7 cũng không thể so sánh về sự đa dạng nội dung, màu sắc như sách tiếng Anh đang có ở Singapore. Việc nhận ra mặt chữ, nhớ chữ Việt với con gái tôi là một khó khăn rất lớn.
Chúng tôi quyết định chờ cho con vào lớp 1, học hệ thống ký tự ABC hoàn chỉnh thì bắt đầu kèm tiếng Việt. Nhưng cái khó là không tìm ra được chương trình dạy phù hợp cho thực tế của gia đình. Tôi đã mua bộ Tiếng Việt 1 của Nhà xuất bản Giáo Dục nhưng đem ra dạy cho con mấy buổi thấy không hiệu quả. Tìm trên mạng cũng có nhiều tài liệu khác nhưng thực tế học cùng con cũng thấy chưa phù hợp.
May mắn là cộng đồng người Việt tại Singapore cũng nhiều phụ huynh quan tâm dạy tiếng cội nguồn cho con cháu mình. Ban đầu, tôi cũng tham gia nhóm giáo viên với vai trò phụ giảng, cũng muốn lấy đây là động lực cho con gái theo học. Lớp học khá đông, trình độ các cháu thì không đồng nhất. Rồi do dịch bệnh, nên học online, cháu nào cũng đòi phát biểu, nói chuyện...
Chúng tôi mua gần như tất cả truyện tranh mỏng có màu để trên các kệ sách lớp 1 ở các nhà sách nhưng vẫn chưa thu hút nhiều sự quan tâm của Hà Minh. Đến khi mua trọn bộ truyện tranh Doraemon thì cô bé bắt đầu có nhu cầu rõ ràng hơn để biết thêm tiếng Việt. Lúc này, tôi đăng ký cho con gái học online tiếng Việt với một trung tâm dạy tiếng Việt ở Hà Nội nhưng học được vài buổi thì con không thích học nữa.
Gia đình chúng tôi cùng ông bà gói bánh tét để luôn nhớ văn hóa cội nguồn - Ảnh: LÊ NAM
3. Tôi quyết định phải dành thời gian cho việc dạy con học tiếng Việt. Tôi tìm trên YouTube có khá nhiều kênh dạy tiếng Việt cho trẻ. Hai bố con cũng thử nghiệm nhiều kênh nhưng có vẻ phù hợp nhất với Hà Minh chính là kênh VTV7. Hai bố con cố gắng trong tuần có vài ngày học tiếng Việt trên kênh YouTube này, mỗi ngày có thêm vốn từ mới...
Hà Minh thích lắm. Sách tiếng Việt giờ cô bé đang thích đọc là cuốn truyện tranh nhẹ nhàng Con gà đẻ trứng vàng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Bằng câu chuyện giản dị và gần gũi của con gà tên Chừ và cô bé Tâm, cuốn sách của thiền sư mang đến cho Hà Minh cảm giác tiếng Việt rất nhẹ nhàng và dung dị.
Không giống như các bạn đồng trang lứa ở quê nhà, chúng tôi không khuyến khích con rèn chữ đẹp mà chỉ cần viết để có thể đọc được, và cũng khuyến khích các con viết thiệp, các mẩu thông báo cho người thân bằng tiếng Việt bất cứ khi nào muốn. Nhiều lúc vào phòng thấy con dán các mẩu giấy khi thì tiếng Anh, khi thì tiếng Việt... trông ngộ nghĩnh và đáng yêu vô cùng.
Việc anh trai có thể nghe, nói, đọc, viết được Anh, Hoa, Việt cũng là một thuận lợi cho Hà Minh để học hỏi và làm theo. Hai anh em đã có thói quen đọc sách, cứ 1-2 tuần lại kéo một cái vali nhỏ đến Thư viện Quốc gia Singapore đọc, mượn và trả sách nên chúng tôi cũng cố duy trì một tỉ lệ nhất định sách tiếng Việt trên các kệ sách ở nhà để các con có thể tự tìm đọc mỗi khi thích.
Con đường dạy tiếng Việt cho Hà Minh chắc còn dài, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy được động viên khi con học tiếng Việt một cách tự nhiên, có đôi chút yêu thích khi chủ động hỏi bố "mình đọc tiếng Việt đi bố". Những lần về quê hương đi ăn món ăn Việt, con cầm thực đơn tự đọc, tự chọn món và trao đổi với nhân viên nhà hàng mà chúng tôi nhìn nhau mỉm cười...
*************
"Hôm nay mẹ mua mít, con nít tới ăn mít, ăn xong con nít... ịt ". Thấy mọi người cười nên con khoái, lại viết thêm vài bài thơ. Đây là cách để con vui học tiếng Việt và luôn nhớ con là người Việt dù sinh ra ở Mỹ.
>> Kỳ tới: Hôm nay mẹ mua mít, con nít tới ăn mít
TTO - Không gì hạnh phúc hơn ở trời Tây nhưng nghe con cưng bập bẹ tiếng mẹ đẻ dù con có ngọng líu lô.
Xem thêm: mth.79391352203802202-ob-gnohk-yac-oc-tet-3-yk-gnouh-euq-gneit-yal-uey-io-noc/nv.ertiout