Đây được xem là kế hoạch giúp xứ sở sương mù đảm bảo an ninh năng lượng trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, tranh cãi đã lập tức được dấy lên trong bối cảnh Anh vẫn đang duy trì các cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 trong tương lai.
Tuyên bố về kế hoạch tự chủ nguồn cung năng lượng đã được Thủ tướng Anh Rishi Sunak đưa ra trong chuyến thăm xứ Scotland mới đây. Vị Thủ tướng nhấn mạnh, đây là con đường để Anh cung cấp năng lượng giá rẻ hơn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết: "Về mặt an ninh năng lượng, nước Anh vẫn sẽ cần đến dầu và khí đốt, chiếm khoảng 1/4 nguồn năng lượng của mình vào năm 2050. Điều tốt hơn sẽ là chúng được cung cấp tại chỗ thay vì nhập khẩu từ nơi khác, giúp hỗ trợ nền kinh tế và bảo vệ việc làm của người dân. Đó là lý do chúng tôi sẽ cấp phép thêm nhiều dự án dầu khí mới ở Biển Bắc".
Với kế hoạch này, Anh dự kiến cấp phép thêm tới trên 100 dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở Biển Bắc, vốn đã được mở thầu trong năm nay và còn có thể có thêm hàng trăm dự án nữa trong tương lai.
Chính phủ Anh đã vừa công bố kế hoạch cấp phép cho một loạt dự án khai thác dầu khí trên khu vực Biển Bắc của nước này trong tương lai.
Cũng trong tuyên bố, ông Sunak cam kết vẫn sẽ duy trì mục tiêu hướng tới Net Zero, bằng việc thúc đẩy công nghệ lưu trữ carbon, dự kiến xây dựng 2 trung tâm lưu trữ carbon mới ở miền Bắc nước này. Tuy nhiên, giới chuyên gia về môi trường đã ngay lập tức nhìn nhận kế hoạch với một thái độ hoài nghi.
"Theo ước tính của chính ngành dầu khí thì trữ lượng tại Biển Bắc đang dần cạn kiệt, đồng thời chúng chủ yếu là dầu nên sẽ không có nhiều tác dụng với việc thiếu hụt khí đốt. Anh cũng đã đưa ra nhiều cam kết khí hậu như tại Hội nghị COP26, nhưng với việc này, thì chúng ta đang đi ngược lại hoàn toàn với tiến trình đó", bà Jess Ralston - Tổ chức tư vấn Đơn vị tình báo Khí hậu và Năng lượng nói.
Bất chấp những sự phản đối, Chính phủ Anh vẫn tin rằng đây là bước đi tốt nhất để đảm bảo nguồn cung năng lượng, ít nhất trong ngắn hạn. Hồi năm 2022, nước này từng chứng kiến giá khí đốt tăng tới 80%, cùng tình trạng khan hiếm xăng dầu, qua đó làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với người dân nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.19943659010803202-hna-uhp-hnihc-auc-ihk-uad-pehp-pac-hcaoh-ek-iac-hnart/et-hnik/nv.vtv