"Cái thằng gì mà nhỏ nhẻ, ỉu ỉu như con gái thế. Nói to lên xem nào". Cũng dịp này năm ngoái, tôi dẫn người bạn trẻ là Việt kiều ở Canada đi du lịch Hà Nội nhân chuyến cậu ta về thăm quê hương.
Buổi sáng, chúng tôi được mời ăn phở ở phố cổ Bát Đàn. Cậu ta đã tròn mắt, ngượng ngùng khi nghe người bạn ở Hà Nội nói mình giống như con gái và yêu cầu phải nói thật to lên.
"Không muốn góp thêm sự ồn ào"
Nguyên nhân là quán phở ở phố cổ này quá ồn ào. Mọi người phải nói chuyện như hét vào tai nhau mới có thể nghe được. Người bạn trẻ quê gốc TP.HCM đi du học rồi định cư ở Canada, lần đầu được thăm Hà Nội, đã giữ nếp lịch sự nhỏ giọng chuyện trò khiến bạn bè khó nghe trong không gian ồn ào.
Có vẻ ngượng khi nghe anh bạn ở Hà Nội nói mình nhỏ nhẹ giống như con gái, nhưng cậu bạn Việt kiều lần đầu đi Hà Nội đã trầm giọng trả lời rằng: "Khi mọi người đã quá ồn ào, mình không muốn góp thêm sự ồn ào nữa. Mình chọn nhỏ giọng lại hoặc ra chỗ khác nói". Câu trả lời sâu sắc, nhưng không hợp lỗ tai với nhiều người.
Sau đó, cuộc hành trình thăm thú Hà Nội và vài tỉnh miền Bắc của chúng tôi vẫn tiếp tục. Cậu bạn trẻ của tôi lại vài lần được nhắc nói to lên, mặc dù những người góp ý anh ta sau này không còn nói "ỉu ỉu như con gái" nữa.
Đêm về khách sạn, cậu tâm sự chân tình với tôi: "Em rất thích đi du lịch miền ngoài này, vùng đất cổ sâu dày lịch sử của tổ tiên nước Việt mình. Em cũng may mắn được gặp nhiều người Hà Nội thanh lịch, ăn nói trí thức, lịch sự, nhẹ nhàng cuốn hút người nghe.
Nhưng thực tế em cũng thấy không ít người hay nói năng ồn ào quá, khẩu ngữ lúc nào cũng to quá mức ngay cả ở nơi vắng vẻ lẫn chốn đông người. Có vẻ họ quen nói năng ồn ào như vậy, chứ không phải là do môi trường...".
Thực tế 10 ngày đi thăm Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, chúng tôi đã có nhiều trải nghiệm về điều này. Buổi sáng uống cà phê bên hồ Gươm, chúng tôi thấy có bàn khách trung niên rất lịch thiệp, nói năng khẽ khàng, lịch thiệp, như không muốn chuyện riêng của mình ảnh hưởng đến người khác.
Nhưng đồng thời cũng có rất nhiều bàn quá ồn ào, mà nhiều nhất là những người trẻ. Họ nói oang oang lớn giọng, rồi nhiều người tranh nhau nói cùng lúc. Đặc biệt nhất là nhiều tiếng chửi thề như Đ.M. cứ phát ra liên tục ở đầu câu.
Thậm chí, những cô gái trẻ đẹp, ăn bận lịch sự cũng chửi thề luôn miệng. Người bạn trẻ lần đầu ra ngoài này, có vẻ sượng sượng, không vui, đề nghị đổi quán khác và tình cảnh lại tương tự.
Cậu ta nói với tôi: "Với giá cả ly cà phê đắt đỏ như thế, lại thêm kiểu ăn vận quần áo, giày vớ lịch sự như họ, em nghĩ là dân có học hành, đi làm việc đàng hoàng". Anh bạn gốc Hà Nội lại nói tiếp câu: "Nhiều người nói lớn thì mình cũng phải nói lớn mới nghe được chứ". "Vậy thì thành cái chợ à? Rồi làm sao cứ hay phải chửi thề luôn miệng như thế", cậu Việt kiều lúc này đã trả lời ngay với giọng tỏ rõ không đồng tình.
Tuy nhiên, khi vào thăm Quốc Tử Giám thì thật sự chúng tôi lại bắt gặp những hình ảnh đẹp. Vài đôi nam nữ như là sinh viên đang đi tham quan. Họ nói năng rất nhẹ nhàng, không gây ồn ào nơi khung cảnh cổ xưa đáng kính. Khi chụp ảnh lưu niệm, họ còn biết ý tứ đứng nép qua một bên và tranh thủ chụp nhanh để không ảnh hưởng các khách du lịch khác.
Cô gái còn chủ động ân cần giúp những du khách nước ngoài đi tự do bằng cách thuyết minh thêm tiếng Anh. Có lẽ đây là dịp cô sinh viên vừa giúp đỡ, vừa tranh thủ luyện tiếng Anh với người nước ngoài.
Khi nói chuyện với họ, cô cũng nói giọng nhỏ nhẹ, khiêm tốn vừa đủ nghe. Có chuyện gì không hiểu, không thể thuyết minh được, cô đều có câu xin lỗi rất lịch sự với giọng Hà Nội nhẹ nhàng, dễ thương...
Cậu bạn Việt kiều đi cùng tôi thú vị quan sát đôi bạn trẻ này, mặc dù anh ta cũng có nhận xét riêng với tôi là phát âm tiếng Anh của đôi bạn đó còn sai nhiều, gây khó hiểu cho người nước ngoài.
Nói lớn, chửi thề và dạy đời ầm ĩ nơi công cộng
Tuy nhiên, thực tế trên hành trình du lịch chúng tôi hình như gặp cảnh "ồn ào như chợ búa" nhiều hơn. Lên một chiếc tàu du lịch ở Hạ Long, chúng tôi đi cùng với nhóm người Việt và bị sượng với các du khách nước ngoài. Nhóm dân mình chưa tới chục người mà lúc nào cũng cười nói ầm ĩ rền cả tàu, rồi văng tục, chửi thề búa xua, mà mặc kệ nhóm du khách người Anh hôm đó bị "tra tấn lỗ tai".
Thậm chí, khi nói chuyện qua điện thoại, một du khách Việt Nam, giọng Bắc Trung Bộ, còn mở video call để nói chuyện riêng oang oang như chốn không người. Anh ta chửi thề liên thanh, hầu như câu nào cũng đệm chữ Đ.M. dù người đang nói chuyện trên màn hình điện thoại có vẻ là bạn gái anh ta. Chúng tôi để ý mà tự mắc cỡ khi nhóm du khách người Anh ngại không góp ý nhưng đã phản ứng bằng cách lảng xa ra góc khác...
Buổi tối về lại Hà Nội, cậu bạn tôi gần chục năm xa quê hương, rất thích thú khi được mời đi ăn quán vỉa hè để cảm nhận "nhịp sống phố cổ về đêm". Tuy nhiên, lần này thì sự tra tấn lỗ tai còn khủng khiếp hơn khi cả hè phố rền tiếng xe cộ, rồi tiếng cười nói, chửi thề lẫn cãi cọ, dạy đời ầm ĩ. Ai cũng nói lớn nên hình như người nào cũng cố gắng... nói lớn hơn để át tiếng người khác.
Bàn bên cạnh, nhóm bạn trẻ đã ngà ngà say, dù không cãi cọ mà nhiều lúc cứ như hét lên kèm với tiếng chửi thề inh ỏi làm cậu bạn trẻ của tôi cứ giật mình theo phản xạ. Một cô gái mặc váy ngắn, dáng rất xinh đẹp hay ho khạc và mỗi lần như thế cứ quay mặt sang hướng chúng tôi mà không hề chịu lấy tay che miệng.
Anh bạn trẻ đi cùng tôi ngán ngẩm, xin phép về khách sạn sớm. Cuộc vui buổi tối đành dở dang vì chẳng ai nói chuyện được với ai ở nơi ăn uống còn ồn ào hơn cái chợ này...
Có một câu chuyện nữa cũng rất khó quên là sau đó chúng tôi còn có chuyến du lịch qua Lào và lại tiếp tục bị cảnh tra tấn lỗ tai ngay cố đô Luang Prabang và thủ đô Vientiane. Điều đáng nói là không phải người Lào ồn ào dù họ chiếm số đông, mà từ chính các nhóm du khách Việt Nam và Trung Quốc sang.
Từ trên máy bay, các nhóm du khách này đã ồn ào, vô tư cười nói như "bao riêng cả chuyến bay", rồi đến các địa điểm du lịch, quán xá cũng toàn là nghe tiếng người Việt và Trung Quốc ầm ĩ nhất nếu xuất hiện họ.
Anh bạn tôi làm cán bộ chi nhánh một ngân hàng Việt bên đây cũng thừa nhận điều này: "Nhiều người Việt mình lịch sự, kín kẽ, đi nước ngoài được người ta quý. Nhưng cũng có không ít người đi đâu cũng thích oang oang cái miệng như ra vẻ có ta đây ở chốn này, mặc kệ người khác khó chịu ra mặt. Người Lào họ trầm lắng, đến đâu cũng ăn nói nhẹ nhàng, yên tĩnh, không phải kiểu ồn ào như thế".
Người bạn làm ngân hàng này còn kể thêm mỗi lần có việc cần đãi khách, chi nhánh của anh ta thường phải chọn quán ít du khách Việt Nam và Trung Quốc đến, chỉ vì cần sự yên tĩnh để nói chuyện được với nhau...
Ý kiến bạn đọc
* Hiện tại có rất nhiều người coi không gian công cộng y như ở nhà mình vậy! Hành vi này nó đã trở thành một nét văn hóa (rất xấu) của không ít người Việt Nam. Để triệt tiêu cái "căn bệnh" này cần làm từ "gốc", đó là giáo dục ngay từ nhỏ. Ba mẹ là nhân tố chính chịu trách nhiệm cho việc này, sau đó thì thầy cô và bạn bè. Tôi nghĩ cần phải có thời gian. (Tuan 123)
* Luật về tiếng ồn phải thực thi, hát karaoke ầm ĩ quá giờ quy định rất nhiều lần không thấy công an phường xử lý hay nhắc nhở. Vậy lỗi tại bên nào trong khi có quy định? (Lê Hoài Nam)
***********
Được mời tiệc lẽ ra phải vui, nhưng nhiều người lại sợ vì bị tra tấn lỗ tai. Khách nước ngoài được mời tiệc cũng mắt tròn mắt dẹt với tiếng ồn khủng khiếp nơi cuộc vui...
>> Kỳ tới: Được mời dự tiệc mà sợ điếc lỗ tai
Nhiều người Việt đi du lịch, công tác ở nước ngoài đều tuân thủ phép tắc xứ người. Thế nhưng cũng không hề ít tình huống bước vào quán xá ồn ào nhoi trời và nhận ra chính đồng hương đang oang oang mở loa miệng mát trời ông địa.