Trật tự bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng nửa đầu 2023 có nhiều biến động, đặc biệt là top đầu khi một số nhà băng tư nhân top đầu gặp khó khăn.
Vietcombank vẫn giữ ngôi đầu bảng với mức lợi nhuận hợp nhất 6 tháng đạt 20.500 tỷ đồng. Lợi nhuận của nhà băng có gần 75% vốn nhà nước này tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ thu nhập cốt lõi từ hoạt động tín dụng tăng trưởng 14%. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng giảm được chi phí dự phòng rủi ro tín dụng khi đã mạnh tay dự phòng trong các năm trước.
Đứng thứ hai là "ông lớn" quốc doanh BIDV. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, nhà băng này vẫn chỉ nằm ngoài top 5 thì tới năm nay vươn lên đứng thứ hai. Họ báo lãi 13.860 tỷ, tăng trưởng 26% với cùng kỳ chủ yếu nhờ giảm áp lực trích lập dự phòng trong bối cảnh thu nhập từ tín dụng đi ngang.
Vị trí kế tiếp của bảng xếp hạng là MB và nhà băng có vốn nhà nước VietinBank. Hai nhà băng này có mức lợi nhuận xấp xỉ nhau, đều trên 12.500 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 7% so với cùng kỳ.
Techcombank - nhà băng tư nhân nhiều năm trước gắn liền với vị trí "á quân" - nay rơi về cuối top 5. Nửa đầu năm nay, Techcombank lãi chưa đến 11.300 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ chủ yếu do mảng kinh doanh thế mạnh là tín dụng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp gặp khó.
Nguồn thu cốt lõi từ tín dụng của Techcombank giảm mạnh 20%, thu ngoài tín dụng cũng tăng trưởng thấp hoặc kém hơn cùng kỳ. Ngoài ra, áp lực nợ xấu tăng mạnh khiến nhà băng phải tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng top 10 gồm nhóm tư nhân ACB, SHB, VIB và HDBank. Các nhà băng này ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng khá so với năm ngoái, từ vài phần trăm đến chục phần trăm.
Xếp cuối bảng xếp hạng là VPBank với lợi nhuận nửa năm gần 5.200 tỷ đồng, mới chỉ đạt trên 20% kế hoạch cả năm 2023 và chỉ bằng một phần ba cùng kỳ. Đây đồng thời là mức lợi nhuận nửa năm thấp nhất của VPBank kể từ 2020.
Không còn khoản thu nhập bất thường 7.000 tỷ từ tái ký hợp đồng bảo hiểm như năm ngoái, cộng thêm mảng tài chính tiêu cùng điêu đứng, VPBank từ vị trí lợi nhuận cao thứ hai ngành vào 2022 nay về cuối bảng.
Cụ thể, nguồn thu cốt lõi từ tín dụng của VPBank giảm 10%, lãi khác cũng giảm gần 5.000 tỷ so với cùng kỳ do không còn khoản thu bất thường. Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh.
Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu của riêng ngân hàng mẹ từ mức 2,8% hồi đầu năm lên 3,88% vào cuối tháng 6, vượt mức 3%. Việc để nợ xấu vượt mức 3% khiến nhà băng vào diện bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác...
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của nhóm ngân hàng nửa đầu năm nay kém khởi sắc so với giai đoạn trước, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng cả ngành thấp kỷ lục và ngành bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp rơi vào trạng thái "đóng băng". So với các nhà băng tư nhân, nhóm có vốn nhà nước có lợi thế ổn định hơn nhờ bộ đệm dự phòng mạnh và tệp khách hàng dàn trải, đa dạng hóa.
Quỳnh Trang