S&P Global Market cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 7 đã tăng 2,5 điểm so với tháng 6, đạt 48,7 điểm. Dù vẫn nằm ở vùng dưới 50 (ngưỡng dùng để xác nhận ngành sản xuất mở rộng nếu chỉ số đạt trên 50 và thu hẹp nếu dưới 50), lần suy giảm này được nhìn nhận là nhẹ nhất trong các tháng vừa qua.
"Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu có thể ổn định khi số lượng đơn đặt hàng mới giảm chậm nhất trong năm tháng. Các công ty hy vọng điều này có thể giúp lượng đơn đặt hàng tăng trở lại trong những tháng tới", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market, nói. Niềm tin của các doanh nghiệp trong tháng này cũng tăng, đạt mức cao của 4 tháng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố trước đó cho thấy, trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) có khởi sắc hơn với mức tăng 3,9% so với tháng trước và 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế trong và ngoài nước các tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn, tính chung 7 tháng, IIP giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu cũng cho thấy, chỉ số IIP 7 tháng so với cùng kỳ năm ngoái tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Bắc Ninh vẫn nằm trong nhóm giảm mạnh nhất.
Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do các ngành này suy yếu.
Đức Minh